20/04/2024 lúc 03:29 (GMT+7)
Breaking News

Hưng Yên: Quyết sách đúng đắn cho nông nghiệp phát triển bền vững

VNHN - Trong bối cảnh chịu sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và cơn đại dịch toàn cầu Covid-19, đồng thời ý thức rõ được tầm quan trọng của ngành nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều quyết sách linh hoạt đúng thời điểm để đảm bảo, phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.

VNHN - Trong bối cảnh chịu sự tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và cơn đại dịch toàn cầu Covid-19, đồng thời ý thức rõ được tầm quan trọng của ngành nông nghiệp, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều quyết sách linh hoạt đúng thời điểm để đảm bảo, phát triển nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.

Nông nghiệp – trụ đỡ của nền kinh tế

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid-19, việc đầu tiên chúng ta phải làm đó chính là ổn định ngành nông nghiệp. Bởi lẽ, nước ta là một nước đông dân đòi hỏi an ninh lương thực cao. Hơn thế, như ông cha ta có câu “có thực mới vực được đạo”, ứng với giai đoạn hiện nay phải đảm bảo lương thực, thực phẩm trước tiên thì các vấn đề khác mới dần được tháo gỡ.

Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong các tình huống bất ổn của đất nước nhưng ngành nông nghiệp hiện nay cũng trải qua những khó khăn nhất định từ thiên tai, dịch bệnh và chính tác động của dịch bệnh đem lại.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính phủ, cùng sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương, ngành nông nghiệp đang vượt qua khó khăn để vừa hoàn thành vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế vừa sẵn sàng nắm bắt cơ hội sau dịch phát triển trở lại.

Hưng Yên – Xây dựng Nông nghiệp hiện đại và bền vững

Thực hiện nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Hưng Yên xác định rõ cần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài.

Dự án hệ thống thủy lợi giúp đảm bảo sản lượng nhãn, vải qua các năm

Với mục tiêu bảo tồn nguồn gen nhãn, vải đảm bảo và phát triển bền vững ngành sản xuất nhãn, vải của tỉnh, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã triển khai dự án hệ thống thủy lợi vùng chuyên canh cây nhãn, vải. Dự án đảm bảo tiêu nước chủ động cho 367ha đất tự nhiên, trong đó có 153,8ha đất chuyên canh cây nhãn của xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên. Cùng với đó đảm bảo tưới cho 111,5ha đất chuyên canh cây vải của xã Tam Đa, huyện Phù Cừ.

Ngoài ra, tại dự án cải tạo, nạo vét hệ thống công trình sau đầu mối trạm bơm La Tiến góp phần bảo đảm dẫn tiêu nước cho 5157ha, cấp nguồn nước tưới cho 10 xã trên địa bàn. Đồng thời đảm bảo lấy sa qua bể trạm bơm La Tiến để tưới cho khoảng 970ha đất canh tác, làm đường giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của nhân dân.

Không những thế, tại công trình Kênh tưới trạm bơm Cống Bún, huyện Ân thi do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến công trình sẽ đảm bảo cấp nước cho khoảng 130ha diện tích đất canh tác xã Đào Dương, và tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi trên địa bàn.

Dự án công trình Kênh tưới trạm bơm Cống Bún đảm bảo cấp nước cho người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp

Theo số liệu thống kế của Sở nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2015-2020, Hưng Yên đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp 22 trạm bơm, 8 tuyến kênh, 10 tuyến kè, 13 cống, 2 tuyến đê, 6 công trình hỗn hợp với tổng số vốn đầu tư gần 2,4 nghìn tỷ đồng.

Hơn thế, hiện nay tỉnh Hưng Yên đã đưa vào khai thác sử dụng trên 600 trạm bơm chuyên tưới, chuyên tiêu và tưới tiêu kết hợp. Nhiều trạm bơm có vốn đầu tư lớn như Bảo Khê, Nghi Xuyên. Ngoài ra, hằng năm tỉnh và địa phương còn đầu tư nạo vét thủy lợi đông xuân, nạo vét những ách tắc cục bộ khơi thông dòng chảy trong hệ thống kênh mương nội đồng.

Trạm bơm Cửa Gàn đảm bảo cấp, tiêu thoát nước trên địa bàn

Với hệ thống công trình thủy lợi nội đồng hiện có, tổng diện tích tưới ổn định của toàn tỉnh đạt gần 92%. Về công trình phòng chống lũ toàn tỉnh có 185,7km đê, trong đó có hai tuyến đê tả sông Hồng và tả sông Luộc dài gần 80km và 12 tuyến kè. Việc đầu tư các công trình thủy lợi, phòng chống lũ thời gian qua đã đem lại hiệu quả to lớn cho tỉnh Hưng Yên. Nhờ vậy, mở rộng nâng cao khả năng phục vụ sản xuất và đáp ứng nhu cầu tưới tiêu của người dân.

Mặc dù, nông nghiệp Việt Nam phải gánh chịu thời tiết bất thường, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, nhưng với sự cố gắng của toàn ngành chắc chắn nông nghiệp sẽ là trụ đỡ vững chắc đảm bảo lương thực trong bất cứ hoàn cảnh nào. Từ đó, khẳng định nông nghiệp không chỉ là người lính xung kích trong mặt trận đổi mới mà còn là người lính chủ công trên mặt trận công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.

Hương Hoàng