17/04/2024 lúc 04:31 (GMT+7)
Breaking News

Huế tái hiện trang phục truyền thống: Thí điểm vận động từng phần

VNHN - ​​​​​​​Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế chia sẻ cùng Việt Nam Hội nhập, ý tưởng tái hiện trang phục thời Nguyễn tại Huế mới chỉ là bước thí điểm, nhằm vận động cho người dân Huế làm quen lại với những nét văn hóa từng hiện hữu, qua đó góp phần khôi phục những giá trị văn hóa một thời ở chốn kinh kỳ.

VNHN - Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế chia sẻ cùng Việt Nam Hội nhập, ý tưởng tái hiện trang phục thời Nguyễn tại Huế mới chỉ là bước thí điểm, nhằm vận động cho người dân Huế làm quen lại với những nét văn hóa từng hiện hữu, qua đó góp phần khôi phục những giá trị văn hóa một thời ở chốn kinh kỳ.

Thông tin này được ông Hải đưa ra trong chiều nay 08/9/2020, sau khi dư luận có những trao đổi trái chiều về việc sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức cho cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống để đi làm vào ngày thứ Hai của tuần đầu tiên hàng tháng. Trong đó, cạnh mẫu áo dài phụ nữ đã quen thuộc, lần đầu tiên công chúng thấy mẫu áo dài nam tên gọi áo ngũ thân, được biết là chế tác từ thời chúa Nguyễn và được phổ biến trong toàn quốc thời các vua Nguyễn (quốc phục).

Ông Phan Thanh Hải (đứng giữa) cùng đội ngũ công chức ngành văn hóa Huế mặc áo dài truyền thống.

Ông Hải cho biết, đây là chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, với ý tưởng xây dựng thành phố Huế thành “kinh đô áo dài Việt Nam”. Sở Văn hóa địa phương đã tổ chức một hội thảo bàn về vấn đề này trong tháng 7 vừa qua và nhận được những thông tin ủng hộ tích cực.

Quan trọng hơn, hình ảnh tà áo dài Huế từ lâu đã đi vào tiềm thức tự hào của dân tộc, được tôn vinh, nhưng mới chỉ là mẫu áo phụ nữ. Còn mẫu áo dài ngũ thân cũng rất đặc sắc, lại mai một theo thời gian. Nên việc tái hiện lại mẫu áo này, làm sao phổ biến dần trong đời sống văn hóa truyền thống Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, là rất cần thiết”. Ông Hải nói.

Từ thực tiễn đó, sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế đã quyết định đầu tư tái phục lại mẫu áo dài nam truyền thống và tổ chức vận động đội ngũ cán bộ công chức ngành thí điểm mặc trang phục này đi làm vào ngày đầu tiên của mỗi tháng. “Dĩ nhiên chúng tôi đang lắng nghe sàng lọc của dư luận, để làm sao vận động sử dụng mẫu áo này trong các hoạt động của ngành văn hóa Huế, tại các sự kiện văn hóa bản địa, nhằm tô đậm hơn nét văn hóa truyền thống Cố đô một cách hợp lý, hài hòa và hiệu quả”.

Ông Hải cho rằng, việc tái hiện mẫu áo dài truyền thống Huế chỉ mới là bước đầu tiên của một kế hoạch tái tạo, tôn vinh những giá trị văn hóa Huế xưa và nay, vừa khích lệ gây dựng lại hình ảnh, cùng những chuẩn mực đạo đức đời sống người dân vốn có, vừa tạo những giá trị mới về hình ảnh văn hóa Huế trong lịch trình hội nhập văn hóa toàn cầu và là điểm đến văn hóa di sản, giao lưu du lịch cộng đồng năm châu. Cho nên, tất cả sẽ được triển khai một cách thận trọng với cộng đồng xã hội để thu được những góp ý hữu hiệu nhất.