26/04/2024 lúc 00:19 (GMT+7)
Breaking News

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình: Sản xuất gạo sạch an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (HTX DVNN) xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP...

Yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xuất khẩu đòi hỏi hạt gạo sạch phải đảm bảo về an toàn và chất lượng sản phẩm. Vì vậy, vụ đông xuân năm nay, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (HTX DVNN) xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Dẫn chúng tôi đi thăm ruộng lúa non sạ được gần 2 tháng tuổi tại cánh đồng Buôn Triết đang phát triển khá tốt, tuy có xuất hiện sâu bệnh gây hại nhưng không đáng kể, ông Nguyễn Văn Sanh, Giám đốc HTX DVNN Thanh Bình cho biết, đây là năm đầu tiên Hợp tác xã sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, mô hình được thực hiện trên 130 ha, riêng tại cánh đồng Buôn Triết, Buôn Krông, Buôn Tur 1, Buôn Kmăl (xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) triển khai 100 ha còn lại là các cánh đồng Buôn Tría, thôn Hòa Bình, Buôn Liêng thuộc xã Đắk Liêng (huyện Lắk). Mô hình có 53 xã viên và 19 hộ nông dân tham gia. 

Viện  nghiên cứu và phát triển cây trồng Việt Nam tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất thương phẩm giống Đài thơm 8 theo tiêu chuẩn VietGAP cho bà con xã viên

Theo tính toán của ông Sanh, nếu như mọi năm chi phí cho 130 ha hết 37 triệu đồng thuốc bảo vệ thực vật, khoảng 70 tấn phân hóa học tổng hợp trị giá gần 500 triệu đồng, tiền công nữa, thì vụ đông xuân này bà con áp dụng khoa học công nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP, chi phí đầu tư phân và thuốc giảm từ 15 đến 18%; nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ 100% chi phí giống lúa, phân và được tập huấn kỹ thuật canh tác. “Thực phẩm làm ra sẽ an toàn tuyệt đối, không có dư lượng hóa học thuốc bảo vệ thực, mà còn bảo vệ được môi trường sống” - ông Sanh phấn khởi. 

Phó Giám đốc HTX DVNN Thanh Bình cấp giống lúa cho bà con

Để mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đạt hiệu quả, trước khi gieo sạ, HTX DVNN Thanh Bình đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng Việt Nam tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất thương phẩm giống Đài thơm 8 theo tiêu chuẩn VietGAP cho bà con xã viên và các hộ nông dân trên địa bàn. Từ đó bà con đã nắm vững được quy trình kỹ thuật sản xuất, phơi sấy, bảo quản thóc, chế biến, xay xát, đóng bao, bảo quản gạo; kỹ thuật ủ phân hữu cơ bằng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch… 

Gia đình ông Hoàng Hữu Báu, thôn Hòa Bình 3, xã Đắk Liêng (huyện Lắk) là một trong những hộ tiên phong trong việc áp dụng mô hình sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Ông Báu cho hay, vụ đông xuân này gia đình ông gieo sạ 1 ha lúa Đài thơm 8 và 3 ha lúa ST 25. Trong quá trình sản xuất, gia đình được cán bộ khuyến nông xuống tận ruộng để hướng dẫn cách gieo sạ, rải phân, phun thuốc… Mỗi công đoạn ông đều ghi chép vào sổ tay cẩn thận, nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên lúa phát triển rất tốt. “Áp dụng mô hình này gia đình tôi không chỉ được cấp giống lúa, phân, thuốc trừ sâu mà còn được bao tiêu sản phẩm, nông sản bán ra có giá cao hơn thị trường” - ông Báu hào hứng chia sẻ.  

Cấp giống lúa cho bà con xã viên..

Không chỉ riêng gia đình ông Báu, mà tất cả bà con xã viên và các hộ nông dân sản xuất lúa theo hướng VietGAP cũng đều được cán bộ khuyến nông hướng dẫn tận tình. Hầu hết bà con xã viên đã thống nhất quy trình canh tác trong vùng sản xuất liền kề và tìm ra được các yếu tố dư thừa làm tăng giá thành sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất lúa gạo sạch và nâng cao giá trị.

Xã Dur Kmăl có 7 thôn, buôn, tổng diện tích lúa nước của xã hơn 2.000 ha, riêng Buôn Triết chiếm gần 50% diện tích. Những năm qua, cánh đồng Buôn Triết mỗi năm cung cấp ra thị trường  từ 8.000 – 9.000 tấn lúa. Ông Trần Quốc Toàn, Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl cho biết: “Từ trước đến nay bà con nông dân, xã viên Hợp tác xã sản xuất theo hướng truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, chưa đi vào quy hoạch tập trung, trong quá trình sản xuất bà con lạm dụng phân hóa học nhiều nên giá lúa bán ra rẻ, lại khó xuất khẩu ra thị trường bên ngoài dẫn đến hiệu quả sản xuất chưa cao. Bên cạnh đó, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều gây ô nhiễm môi trường, gạo làm ra có dư lượng bảo vệ thực vật, ăn có hại cho sức khỏe của con người. Nay HTX DVNN Thanh Bình sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi rất mừng. Mô hình này thành công sẽ nhân rộng ra toàn xã”.

Bà con xã viên đang làm đồng

Hy vọng rằng đây sẽ là hướng đi mới, bền vững giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như thu nhập, qua đó góp phần xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở địa phương”.