29/03/2024 lúc 01:20 (GMT+7)
Breaking News

Hơn một triệu hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn chính sách

VNHN - Tại hội thảo "Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam", số liệu được công bố tính đến ngày 31/8/2019, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 199.823 tỷ đồng với 8,2 triệu món vay của gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

VNHN - Tại hội thảo "Đánh giá hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam", số liệu được công bố tính đến ngày 31/8/2019, tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 199.823 tỷ đồng với 8,2 triệu món vay của gần 6,6 triệu khách hàng còn dư nợ.

Trong đó, có trên 1,4 triệu khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, với doanh số cho vay đạt 135.964 tỷ đồng, doanh số thu nợ là 86.061 tỷ đồng và tổng dư nợ đạt 49.617 tỷ đồng, chiếm 24,8% tổng dự nợ của Ngân hàng Chính sách. Như vậy, dư nợ bình quân một hộ dân tộc thiểu số đạt 34 triệu đồng.

Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước  phát biểu tại hội thảo

Nhiều năm qua, các chương trình tín dụng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Kết quả, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hộ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thoát nghèo; trong đó có trên 2 triệu hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 162.000 lao động (trên 16 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 211.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em hộ dân tộc thiểu số được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,3 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng hơn 215.000 căn nhà ở...

Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội đánh giá: "Vốn tín dụng chính sách xã hội đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số từ mặc cảm, tự ti, nay mạnh dạn vay vốn và làm ăn có hiệu quả; giúp đồng bào dần nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính quê hương mình, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số…".

Cùng quan điểm, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, hoạt động hiệu quả của Ngân hàng Chính sách Xã hội góp phần thực hiện công bằng xã hội, giàu tính nhân văn và thật sự là công cụ đắc lực để Đảng và Nhà nước chăm lo cho các đối tượng yếu thế.

"Với mục đích cho vay đa dạng, lãi suất vay thấp, cơ chế xử lý rủi ro rõ ràng, minh bạch, đây thật thật sự là một kênh cung ứng vốn ưu việt, riêng có của chế độ xã hội chủ nghĩa", ông Chiến nói.

Bên cạnh đó, ông Chiến đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số vay tín dụng chính sách với cơ chế đặc thù về thủ tục, mức vốn, lãi suất phù hợp đủ sức hấp dẫn để phát huy hiệu quả.

Cũng tại hội thảo, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: "Chính sách tín dụng cho người nghèo, trong đó tín dụng cho đồng bào dân tộc thiểu số là một điểm sáng trong toàn bộ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số."

Tuy nhiên, theo bà Trương Thị Mai, tốc độ giảm nghèo của hộ dân tộc thiểu số còn thấp hơn mức bình quân giảm nghèo chung, cho thấy, cần có những chính sách mạnh hơn nữa, đa chiều hơn nữa để giảm nghèo dân tộc thiểu số không chỉ đi cùng với giảm nghèo chung cả nước mà còn phải có những bứt phá mạnh hơn.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo và kiến nghị các cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xử lý.

Đồng thời, Thống đốc cũng khẳng định, trong thời gian tới, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng như các tổ chức tín dụng sẽ triển khai mạnh mẽ các nội dung về tài chính toàn diện để đưa các dịch vụ tài chính ngân hàng đến với người dân vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số với dịch vụ tốt hơn, chi phí thấp hơn dựa trên ứng dụng công nghệ mới.