18/04/2024 lúc 17:03 (GMT+7)
Breaking News

Hội thảo khoa học “Đối ngoại Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045”

VNHN -  Ngày 4/9, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đối ngoại Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.

VNHN -  Ngày 4/9, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Đối ngoại Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045”.

Hội thảo khoa học “Đối ngoại Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tham dự Hội thảo có hơn 80 đại biểu đến từ các bộ ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan nghiên cứu, các cán bộ lão thành, và đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội thảo lần này nhằm quy tụ trí tuệ của các chuyên gia, học giả từ cơ quan nghiên cứu thuộc Chính phủ cũng như trong cộng đồng doanh nghiệp; tập trung thảo luận về tình hình và dự báo các xu thế lớn tại khu vực và trên thế giới từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045; nhận diện, đánh giá những vấn đề đặt ra cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Hội thảo tiếp tục thể hiện trách nhiệm của Bộ Ngoại giao trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng văn kiện về đối ngoại của Đại hội XIII.

Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng, trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, khó lường, việc tiếp tục đổi mới tư duy đối ngoại và đánh giá kỹ các thành công, hạn chế của công tác đối ngoại thời gian qua là nhu cầu cấp thiết, từ đó mới có thể xác định được chiến lược đối ngoại với các mục tiêu, nhiệm vụ và phương châm phù hợp với thời kỳ mới.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về những thay đổi mạnh mẽ trong tương quan so sánh lực lượng giữa các nước, những xu thế mới trong quan hệ quốc tế như cạnh tranh địa chính trị, cách mạng khoa học công nghệ 4.0, xu thế liên kết kinh tế quốc tế, tác động của các vấn đề chính trị-xã hội như chủ nghĩa dân tộc, dân túy lên chính sách đối ngoại của các nước, những nội hàm và vấn đề mới của ngoại giao trong kỷ nguyên số... Qua đó, các đại biểu cũng chia sẻ các đánh giá về cơ hội, thách thức đối với công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới.

Đa số các đại biểu cho rằng với thế và lực mới và trong bối cảnh mới của thế giới và khu vực, công tác đối ngoại Việt Nam cần tiếp tục đổi mới tư duy và nâng cao khả năng thích ứng, chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức trong cục diện thế giới mới đang định hình.

Các đại biểu nhất trí công tác phối hợp các hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội, đối ngoại nhân dân, trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội… cần được triển khai mạnh mẽ, sáng tạo và hiệu quả hơn nữa nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.