19/04/2024 lúc 08:54 (GMT+7)
Breaking News

Hội thảo 100 năm chữ quốc ngữ: Ghi nhận rõ hơn công lao tiền nhân

VNHN - Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng và công ty Tao Đàn Thư quán vừa tổ chức hội thảo khoa học 100 chữ quốc ngữ lần thứ 6 vào hôm nay 28/12/2019 với 34 tham luận cùng sự tham gia của hàng chục học giả quốc gia và quốc tế.

VNHN- Từ ngày 28/12/2019 tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo khoa học về chữ quốc ngữ. Đây là hội thảo khoa học cuối cùng trong chuỗi sự kiện hội thảo nhằm đánh giá lại chân xác những vấn đề và giá trị chữ quốc ngữ Việt Nam từ thuở khai sinh cho đến hiện nay, cũng như ghi nhận thỏa đáng những công lao của các vị tiền nhân tham gia đóng góp, phát triển chữ viết cho dân tộc.

Các học giả trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Văn Minh.

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, đại diện Tao Đàn Thư quán nhìn nhận, hội thảo này cùng các hội thảo đã diễn ra trong năm 2019 được tổ chức với ý nghĩa đánh dấu mốc 100 năm kỳ thi cuối cùng ở triều Nguyễn, kết thúc thi cử khoa bảng Hán học trong lịch sử văn minh nước Việt.

Một cách quyết liệt, nhiều tham luận hội thảo đã nêu bật những vấn đề uẩn khúc, gai góc đã tồn tại hàng chục năm trong định kiến và phát kiến về chữ quốc ngữ, nhìn nhận rõ ràng con đường hoàn thiện chữ viết tiếng Việt cùng những tiền nhân góp công sức. Đặc biệt, trước vấn nạn xã hội biến thiên với nhiều tác động tiêu cực trong đời sống, những nguy cơ ảnh hưởng xấu đến chữ quốc ngữ, cùng những yêu cầu bảo tồn, cải cách chữ quốc ngữ chuẩn mực và hợp lý hơn, đã được các tham luận hội thảo đề cập với nhiều kiến nghị sâu sắc.

Theo đó, các học giả tham dự hội thảo đều đánh giá tôn vinh những công lao của các nhà truyền giáo phương Tây và các học giả Việt Nam trong lịch sử, đã chung sức tạo nên thành quả chữ quốc ngữ tiếng Việt cho đến nay. Vấn đề làm sao gìn giữ và phát huy tốt hơn thành quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học ngôn ngữ đó, để tiếng Việt ngày càng hoàn thiện và lan tỏa, không những ở trong nước mà còn phải mở rộng tại các vùng quốc gia có người Việt sinh sống, cũng được các học giả mong mỏi đặt ra.

Một chi tiết đáng quan tâm tại hội thảo này, là nhóm 12 trí thức ở Huế đã từng có văn bản đề nghị thành phố Đà Nẵng xem xét việc đặt tên đường cho 2 giáo sĩ phương Tây đã có công lớn trong việc tạo lập chữ quốc ngữ, đều không có mặt tham dự dù có thư mời từ ban tổ chức cũng như sự mong mỏi đối thoại của các học giả khác. Những trí thức này cho rằng các giáo sĩ phương Tây có dụng tâm khi xây dựng chữ quốc ngữ và việc họ tạo chữ quốc ngữ cũng chỉ nhằm mục đích truyền giáo mà thôi, nên công lao của họ cần phải xem xét lại và không đủ điều kiện tôn vinh. Song khi được mời dự hội thảo để nêu rõ chính kiến, các tri thức này đều viện lý do để từ chối.