29/03/2024 lúc 13:24 (GMT+7)
Breaking News

"Hồi sinh" cho sông Tô Lịch còn nhiều bỏ ngỏ

Chiều 23-7, liên quan tới thông tin về việc Công ty Thoát nước Hà Nội xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch, đại diện UBND TP Hà Nội cho biết, việc triển khai đề án thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor được UBND TP Hà Nội chấp thuận.

VNHN - Việc triển khai đề án thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor được UBND TP Hà Nội chấp thuận do chuyên gia Nhật Bản và Công ty CP môi trường Việt Nhật (JVE) thực hiện. Về việc Công ty Thoát nước Hà Nội xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch làm ảnh hưởng tới kết quả thử nghiệm, JVE đã lên tiếng.

Đoạn sông Tô Lịch đang được thử nghiệm làm sạch bằng công nghệ Nano-Bioreactor (Ảnh: sggp.org.vn)

Sông Tô Lịch dài hơn 14km, chảy qua 5 quận, huyện của Hà Nội. Nhưng từ nhiều năm nay, con sông này đã trở thành “sông chết” vì ô nhiễm nặng nề, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường của Hà Nội, cũng như cuộc sống của người dân dọc 2 bên bờ sông. Các nhà chức trách và cơ quan chức năng đã tìm và thực hiện nhiều biện pháp làm sạch tuy nhiên thực tế cho thấy các biện pháp này còn nhiều bỏ ngỏ, không dứt điểm được thực trạng ô nhiễm hiện nay.

Theo như phản ánh của người dân địa phương, chiều ngày 13/7 vừa qua, nước sông bỗng nhiên trở lên xanh ngắt, những tưởng rằng việc làm sạch tình trạng ô nhiễm nhiều năm qua trên con sông chết này đã thành công, nhưng đến chiều ngày 14/7 nước xanh biến mất, cá chết trắng sông, bốc mùi ôi thối nồng nặc, gây mất vệ sinh môi trường và ảnh hưởng tới cuộc sống dân xư dọc hai bên sông.

Lý giải về tình trạng trên, Công ty Thoát nước Hà Nội đã cho mở cửa xả hơn 1 triệu m3 nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch nhằm thực hiện công tác phục vụ thoát nước mùa mưa và chống ngập, cũng như tạo dòng chảy làm sạch sông Tô Lịch. Việc xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch được thực hiện theo quy định của Hà Nội về việc điều hòa, điều tiết mực nước cho hệ thống thoát nước và hoàn toàn phù hợp với quy định vận hành và phương án phòng chống úng ngập từ trước tới nay.

Nhưng việc xả thải này đã làm ảnh hưởng tới thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận trước đó. JVE cho rằng việc xả nước này làm ảnh hưởng tới kết quả thử nghiệm.

Trước xả thải, phía JVE có nói là “không có vấn đề gì” (?)

Theo như ghi nhận, trước khi triển khai đề án, Công ty Thoát nước Hà Nội và các đơn vị chức năng của Hà Nội đã lưu ý tới JVE về các vấn đề: đặc thù nước thải của Hà Nội, sông Tô Lịch có dòng chảy liên tục và là nơi chủ lưu thoát nước chính của Hà Nội khi có mưa, cũng như là nơi xả điều tiết hồ Tây trước nguy cơ úng ngập.

Ông Võ Tiến Hùng trả lời báo chí về việc xả nước hồ Tây ra sông Tô Lịch (Ảnh: sgpg.org.vn)

Theo ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, vào ngày 9/7, mức nước hồ Tây là 5,96 m vượt hơn 0,26-0,36 m so với nước khống chế đã được chấp thuận (5,6- 5,7 m); cùng với đó dự báo thời tiết Hà Nội có mưa lớn trong thời gian 3-5 ngày tới nên công ty đã quyết định xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch. Trước khi xả nước, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội có thông báo cho phía JVE biết và nhận được trả lời từ phía JVE là “không có vấn đề gì”.

Trả lời các cơ quan báo chí, ông Hùng cho biết, trước thông tin từ phía JVE cho rằng việc xả nước hồ Tây làm ảnh hưởng tới kết quả thử nghiệm của JVE trên sông Tô Lịch, các bên đã có buổi làm việc với nhau để làm rõ việc này. Tại buổi làm việc, các đơn vị cùng với JVE đã đánh giá việc chuẩn bị thời gian thử nghiệm công nghệ Nano-Bioreactor ngắn, vội vàng nên JVE chưa khảo sát kỹ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết, diễn biến mực nước, lưu thoát nước... trên sông Tô Lịch.

Ông Võ Tiến Hùng nhấn mạnh, việc thử nghiệm trong thời điểm mùa mưa là không phù hợp, phương án thử nghiệm chưa tính đến việc sông Tô Lịch có dòng chảy lớn khi có mưa lớn, hoặc khi xả nước hồ Tây. Công ty thoát nước Hà Nội xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch là công tác vận hành thường xuyên từ trước tới nay, để bảo đảm công tác thoát nước mùa mưa, không phải là việc làm cá biệt. JVE cũng thừa nhận không tham khảo hướng dẫn vận hành hệ thống thoát nước của Hà Nội. 

Và như vậy, phương pháp thử nghiệm công nghệ làm sạch sông Tô Lịch lại bỏ ngỏ...

Bên cạnh việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor được UBND TP Hà Nội chấp thuận do chuyên gia Nhật Bản và Công ty CP môi trường Việt Nhật (JVE) thực hiện, mới đây, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đã đề xuất phương án làm sạch sông Tô Lịch khác bằng việc bổ cấp nước từ sông Hồng. Theo phương án này, đơn vị sẽ xây dựng trạm bơm cố định được đặt ở sát mép sông (tương ứng mực nước thấp nhất của sông Hồng) 4 máy bơm chìm công suất 2.500m3/giờ, trong đó 3 máy bơm làm việc thường xuyên. Tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua đê vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây rồi dẫn vào sông Tô Lịch. 

Cùng với đó, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đề xuất phương án tổng thể, bao gồm: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (làm sạch nguồn nước các sông Tô Lịch, Sét, Lừ và Nhuệ); đầu tư hệ thống cống 2 bên sông để thu gom nước thải, giúp sông Tô Lịch không còn nguồn ô nhiễm.