25/04/2024 lúc 17:19 (GMT+7)
Breaking News

Hội nông dân tỉnh Nghệ An: Vai trò của Hội nông dân trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp

VNHN - Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (1.648.997,1 ha) trong đó đất nông nghiệp 1.249.176,1 ha. Đất đai lớn là tiền đề để phát triển sản xuất nông lâm, thủy sản trên quy mô lớn, tập trung, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các loại sản phẩm từ cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm...

VNHN - Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước (1.648.997,1 ha) trong đó đất nông nghiệp 1.249.176,1 ha. Đất đai lớn là tiền đề để phát triển sản xuất nông lâm, thủy sản trên quy mô lớn, tập trung, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các loại sản phẩm từ cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm...

 

Đồng thời là tỉnh có dân số đông thứ 4 cả nước, có gần 70% dân số nông nghiệp, nguồn lao động dồi dào. Trong những năm vừa qua nông nghiệp của Nghệ An đã có bước phát triển vượt bậc, năng suất các loại cây trồng vật nuôi tăng trưởng khá. Tiềm năng đất đai, lao động được khai thác và phát triển ngày càng hiệu quả... Tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư thành công vào lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn TH, các doanh nghiệp chế biến đường, chè, cao su... đã góp phần quan trọng nâng tỷ trọng ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong ngành nông nghiệp của tỉnh khơi dậy tiềm năng của một vùng quê vốn còn hết sức khó khăn. Các nhà máy chế biến nông lâm sản thực sự là thị trường rộng lớn tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ( nhà máy đường tiêu thụ nguyên liệu cho hơn 30.000 ha, nhà máy gỗ MDF tiêu thụ nguyên liệu cho hơn 70.000 ha rừng, nhà máy chế biến bột sắn tiêu thụ cho hơn 30.000 ha sắn...)

Ảnh : Đại biểu Nghệ An

Tuy nhiên, nông nghiệp của Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán, quan hệ liên kết còn rời rạc, tiếp cận thị trường kém... kinh tế hộ, kinh tế tiểu nông vẫn là phổ biến. Toàn tỉnh hiện nay mới chỉ có 2.906 tổ hợp tác, 950 HTX hoạt đông theo luật. Trong đó HTX trong lĩnh vực nông nghiệp 408 HTX, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm chỉ có 22 làng, hiệu quả hoạt động của HTX cũng như làng nghề chưa cao...

Những bất cập nói trên đang đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng khắc phục tình trạng hộ nông dân đơn lẻ, sản xuất ra sản phẩm đơn lẻ, rủi ro nhiều, sức cạnh tranh của sản phẩm thấp. Với vai trò là nòng cốt chủ thể trong phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua các cấp hội nông dân đã phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp vận động nông dân dồn điền đổi thửa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất thâm canh tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Thời gian tới trong chương trình phối hợp với ngành nông nghiệp, các cấp hội cần chủ động:

1.Tiếp tục vận động nông dân dồn điền đổi thửa, tình trạng ruộng đất hợp tác liên kết phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung. Phát triển công nghiệp chế biến, khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ nông sản cho nông dân.

2.Khuyến khích các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, các chủ trang trại, gia trại, phát triển các nhóm nông dân hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

3.Tăng cường tập huấn, khuyến nông và đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ tư vấn, khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là quá trình phức tạp khó khăn trong đó vai trò của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là hết sức quan trọng vì vậy tỉnh cần có thêm nhiều cơ chế chính sách để thu hút được nhiều hơn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp./.