29/03/2024 lúc 00:44 (GMT+7)
Breaking News

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc: Thái Lan đề xuất 3 ưu tiên; Malaysia thúc đẩy hợp tác y tế

Ngày 22/11, Hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc đã khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ngày 22/11, Hội nghị trực tuyến cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc đã khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo các quốc gia thành viên ASEAN và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ngày 22/11. (Nguồn: ASEAN Nows)

Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Nhà lãnh đạo Thái Lan cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì cân bằng chiến lược trong cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm và thúc đẩy môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực, đặc biệt là các mối quan hệ giữa các cường quốc.

Tinh thần hợp tác đó được kỳ vọng sẽ chuyển sang các lĩnh vực hợp tác khác dựa trên các nguyên tắc 3M (tin cậy lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi) để tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phục hồi của tất cả các quốc gia sau những tổn thương do Covid-19 gây ra.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Thái Lan Prayut đề xuất 3 ưu tiên trong quan hệ ASEAN-Trung Quốc:

Thứ nhất, chú trọng phát triển theo phương châm lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân phù hợp với triết lý kinh tế vừa đủ trên cơ sở hướng dẫn mọi người sống điều độ, hợp lý và tự miễn dịch khi đương đầu với những thách thức và tình huống khẩn cấp trong tương lai.

Thái Lan ủng hộ vai trò mang tính xây dựng của Trung Quốc trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển cả trong ASEAN và các tiểu vùng, đặc biệt là khuôn khổ Hợp tác Mekong-Lan Thương và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS).

Thứ hai, ASEAN và Trung Quốc nên tập trung vào việc tăng cường khả năng phục hồi kinh tế-xã hội từ cơ sở, bao gồm đổi mới quá trình học tập và phát triển tiềm năng của người dân ở mọi lứa tuổi thông qua sử dụng khoa học, công nghệ và đổi mới một cách thích hợp và an toàn.

Hai bên nên gia tăng giá trị cho quan hệ đối tác kinh tế bằng cách thúc đẩy nền kinh tế số và thương mại điện tử song song với việc khẩn trương xây dựng xã hội số để mang lại phúc lợi trong kỷ nguyên bình thường tiếp theo.

Thứ ba, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường là cần thiết cho sự tồn tại của nhân loại.

Theo ông Prayut, Thái Lan tái khẳng định cam kết tiếp tục đóng vai trò chủ động trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này cả ở cấp độ khu vực lẫn toàn cầu; đồng thời đề xuất xây dựng mô hình Kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG) như một trong những cách tiếp cận để đạt được những mục tiêu đó.

Về phía Malaysia, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực y tế công và khai thác tiềm năng dược phẩm của mỗi nước thông qua việc chia sẻ công nghệ, bí quyết và quyền sở hữu trí tuệ.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho rằng, hợp tác trong lĩnh vực y tế công này sẽ giúp ích cho việc nâng cấp hệ thống y tế công của ASEAN, đảm bảo cho các nước thành viên sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các trường hợp khẩn cấp về y tế trong tương lai.

Theo ông, các nước thành viên ASEAN nên hình thành một cấu trúc an ninh y tế toàn cầu mới được củng cố bởi cam kết chung, trách nhiệm tập thể, tính minh bạch và có trách nhiệm.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Malaysia nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc cần củng cố hợp tác trong nền kinh tế số và cơ sở hạ tầng cũng như kết nối để đảm bảo chuỗi cung ứng tiếp tục mở rộng và không bị cản trở.

Kết thúc bài phát biểu, ông Ismail Sabri bày tỏ tin tưởng rằng quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu.