17/04/2024 lúc 05:39 (GMT+7)
Breaking News

Học sinh, sinh viên góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

VNHN - Ý kiến của các giáo viên, học sinh, sinh viên sẽ giúp Bộ GD&ĐT hoàn thiện Luật Giáo dục (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thương vụ quốc hội tại phiên họp tháng 1/2019 sắp tới.

VNHN - Ý kiến của các giáo viên, học sinh, sinh viên sẽ giúp Bộ GD&ĐT hoàn thiện Luật Giáo dục (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thương vụ quốc hội tại phiên họp tháng 1/2019 sắp tới.

Sinh viên Đại học Xây dựng góp ý kiến dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội, Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức tọa đàm góp ý kiến dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tại trường Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam và Đại học Xây dựng về những nội dung liên quan trực tiếp tới người học trong dự thảo Luật, trong hai ngày 10-11/1.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, các nhà khoa học về dự án luật Giáo dục (sửa đổi) để báo cáo Ủy ban Thương vụ quốc hội tại phiên họp tháng 1/2019 sắp tới.

Với đặc thù của một trường chuyên, Bộ GD&ĐT mong muốn các giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam đóng góp những ý kiến về dự thảo Luật, đặc biệt quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và quy định về trường chuyên, trường chất lượng cao trong dự thảo luật.

Về vấn đề bình đẳng giới, Luật Giáo dục (cũ) quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, theo đó mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nam nữ, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về bình đẳng giới trong hoạt động giáo dục, trong chương trình giáo dục, sách giáo khoa và phương pháp giáo dục trong khi vấn đề bình đẳng giới luôn được quan tâm bởi các tổ chức quốc tế cũng như các quốc gia.

Do đó, Dự thảo Luật sẽ bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo bình đẳng giới tại một số Điều luật như: Điều 7 về chương trình giáo dục, Điều 12 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân, Điều 30 về chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa.

Về trường chuyên, trường chất lượng cao, Luật Giáo dục trước đây đã có quy định về trường chuyên, trường nội trú, bán trú. Tuy nhiên các quy định về trường chuyên chưa làm rõ đối tượng học sinh theo học và mục đích của việc giáo dục, đào tạo đối tượng này. Thực tế việc phát triển trường chuyên chưa hoàn toàn đúng hướng phát hiện bồi dưỡng nhân tài.

Thực tế có những nhầm lẫn giữa trường chuyên và trường chất lượng cao, vẫn có quan điểm cho rằng Luật Giáo dục sửa đổi vẫn quy định về mô hình trường chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng dịch vụ giáo dục thấp hay cao hoàn toàn phụ thuộc và chủ đầu tư mà không cần quy định trong luật. Đối tượng vào học trường chuyên, trường năng khiếu khác với trường chất lượng cao.

Hướng chỉnh sửa của luật sẽ bổ sung quy định về trường chuyên (Điều 61) để làm rõ hơn về đối tượng vào học trường chuyên là học sinh có tư chất thông minh, có kết quả xuất sắc trong học tập. Không quy định cơ sở giáo dục mầm non, trường phổ thông chất lượng cao công lập trong Dự thảo Luật để đảm bảo thực hiện các điều kiện cho giáo dục đại trà và bồi dưỡng tài năng, tạo môi trường học đường bình đẳng, thân thiện trong hệ thống cơ sở giáo dục công lập.

Tại buổi tọa đàm, các học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của các em về môi trường học tập, đề xuất những kiến nghị với lãnh đạo Bộ GD&ĐT với mong muốn sẽ có kết quả học tập tốt hơn. Nhiều học sinh thẳng thắn chỉ ra một số quy định chưa đảm bảo bình đẳng giới.

Được Ban Tổ chức khuyến khích mỗi học sinh hãy tưởng tượng mình là đại biểu Quốc hội đang giữ trọng trách góp ý xây dựng luật, không ít học sinh đã nêu lên những suy nghĩ rất nghiêm túc và liên quan trực tiếp tới học trò. Nhiều ý kiến tập trung vào vấn đề bình đẳng giới.

Khánh Linh (lớp 11 Sử) cho rằng cần sửa đổi các hình ảnh trong sách giáo khoa. "Khi nói về nghề nghiệp ở sách Tự nhiên xã hội lớp 1, nam giới luôn được xếp vào các ngành bác sĩ, cảnh sát, luật sư, kĩ sư, còn nữ giới được giới thiệu làm nội trợ, nông nghiệp, nhân viên, y tá. Các danh nhân thế giới được đưa vào sách giáo khoa cũng phần nhiều là nam, không phải nữ", Khánh Linh đưa ý kiến.

Sách Đạo đức, Giáo dục công dân, theo Khánh Linh cũng tồn tại vấn đề bất bình đẳng giới. Khi ví dụ học sinh nghịch ngợm, sách đưa hình ảnh các bạn trai trong khi thực tế không phải bạn nam nào cũng nghịch và bạn nữ nào cũng ngoan. Việc ấn định con trai có xu hướng nghịch ngợm còn con gái chăm ngoan, lo nữ công gia chánh là một trong những gốc rễ khiến số lượng con trai học môn tự nhiên nhiều hơn, bởi nghịch là "biểu hiện của sự khám phá". Định kiến trong sách và suy nghĩ của nhiều người khiến các bạn nữ đến độ tuổi nào đó sẽ khép mình lại, hạn chế khám phá, để đúng với chuẩn mực xã hội đặt ra cho giới mình.

Thùy Linh (lớp 11 Văn) cho hiện có tình trạng giáo viên phân biệt về giới khi ứng xử với học trò. Ví dụ thầy cô thường chọn nữ để làm những công việc như lau dọn, trang trí lớp học; nam đi bê vở. Trong khi đó học sinh nữ với sức bền dai hơn, hoàn toàn có thể cùng các bạn nam bưng bê, nhiều bạn nam khéo tay hơn con gái.

Tại Đại học Xây dựng, sinh viên Phan Đức Mạnh (K59 lớp CN1) cho rằng muốn bình đẳng giới, các môn học thể chất cần có sự thay đổi. Môn học giáo dục thể chất ở trường phổ thông chưa quan trọng dù đảm bảo thể chất, lên đại học thì đây là tiêu chí để sinh viên có thể tốt nghiệp thành công. Theo Mạnh, với các môn thể chất, hiện tại, nhiều bạn nam có thể dễ dàng thực hiện tốt trong khi nữ thì rất khó. Chính vì vậy, sinh viên mong muốn các môn thể chất nên có giáo trình để để đảm bảo nữ hay nam cũng đều học được.

Các bạn sinh viên cũng góp ý nên có lộ trình riêng cho học sinh học môn chuyên, cần có sự phân bổ hợp lý các môn học. Ví dụ học sinh chuyên Văn thì nên học chuyên Văn nhiều hơn là Toán và ngược lại, có thể theo tỉ lệ 70-30.

Cảm ơn góp ý của học sinh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên Bùi Văn Linh ghi nhận và đánh giá rất cao các ý kiến góp ý thẳng thắn, đầy trách nhiệm của học sinh, sinh viên liên quan tới những vấn đề thiết thân với các em. Ông Linh cho biết, tất cả những ý kiến góp ý sẽ được gửi tới Ban soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi để xem xét trong quá trình xây dựng dự thảo luật này./.

Theo Chinhphu.vn