20/04/2024 lúc 13:57 (GMT+7)
Breaking News

Học để dùng

VNHN - Tôi dùng triết lý này để thiết kế các môn khoa học theo ba nguyên tắc: Phát triển - Chuẩn mực - Tối thiểu.

VNHN - Tôi dùng triết lý này để thiết kế các môn khoa học theo ba nguyên tắc: Phát triển - Chuẩn mực - Tối thiểu.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại

Thời nào học cũng để dùng.
Biết dùng mà không cần học ở trường thì cách học này có lịch sử lâu đời nhất, từ thời a-míp đến thời đười ươi. Thời mông muội, Người hoang dã chỉ học ngay trong cuộc sống bầy đàn. Thời văn minh, cách đây mấy ngàn năm, Người còn có thêm học ở trường, tính từ khi Thầy Khổng Tử mở trường tư. Qua mấy thế hệ học trò, Thầy Khổng Tử mới có được một trò Mạnh Tử cùng mình lập ra một triết lí mang tên Khổng Mạnh- Triết lý phục tùng.
Dân phục tùng vua.
Trò phục tùng Thầy.
Con phục tùng Cha.
Vợ phục tùng Chồng.
Hegel đưa ra một nhận định:
Cái gì có lí thì có thật.
Cái gì có thật thì có lí
Mối liên hệ biện chứng giữa cái có lý và cái có thật luôn luôn tác động qua lại với nhau trên mỗi chặng đường phát triển lịch sử và triết học.
Thời nào học cũng để dùng.
Tiên học lễ, hậu học văn.
Nhất tự vi sư, bán tự vi sư.
Mấy ngàn năm, ở nước ta, nhà trường vẫn là nhà trường Khổng Mạnh, với những Tiên học lễ, hậu học văn/ Nhất tự vi sư, bán tự vi sư…
Ngày nay, học để dùng được cụ thể hóa bằng cách học và bằng cách dùng. Nền giáo dục hiện đại triển khai Học và Dùng trong ba lĩnh vực tinh thần (theo sự phân loại của Hegel): Khoa học; Nghệ thuật; Tôn giáo.
+) Khoa học: với một Đối tượng, mọi người cùng hiểu như nhau, cùng dùng như nhau.
Cùng tìm ra Tổng như nhau: 3+2=5
Cùng tìm ra Tích như nhau: 3x2=6
+) Nghệ thuật. Nghe hát quan họ: 
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay
Tôi chưa nghe ai cãi lí theo kiểu: 
Áo con trai, con gái mặc sao được? 
Áo mặc trong người, gió trên cầu cuốn mà bay đi được, mẹ nào lại tin cái chuyện vô lí ấy.
Ờ thì “vô lí”, nhưng người đời vẫn đắm đuối nghe, xúc động. Sao vậy?
Nghệ thuật là thế đấy!
+) Tôn giáo: Đức mẹ Ma-ri-a đồng trinh mà có thai, sinh ra Chúa.
Tin là tin, tin tuyệt đối. Nếu còn vương chút ngờ ngợ, chỉ tin 99,99% thì không phải là tin, không có Đức tin.
Tôi không cãi lí với Hegel, nhưng với giáo dục thì tôi tìm giải pháp riêng cho mỗi vùng tinh thần.
Khoa học, ở vương quốc khoa học của Hegel, mọi chuyện đều công khai, minh bạch, đồng loạt với mọi người, không có bất cứ ưu đãi nào.
Trong giáo dục tiểu học, tôi biết chắc hai môn học khoa học: Toán và Tiếng Việt, và tôi chỉ phân biệt: Khoa học/ Kinh nghiệm.
Kinh nghiệm là thành tựu có lịch sử lâu dài nhất, tính từ thời a-mip, đến thời vượn người, đến Người nguyên thủy, đến Người hiện đại, luôn luôn đi cùng lịch sử. Kinh nghiệm sinh ra cùng lịch sử, lớn lên cùng lịch sử. Mãi về sau lịch sử mới có thêm kẻ hậu sinh khoa học.
Trong giáo dục, chủ yếu dùng kinh nghiệm thì có một Thầy Khổng Tử.
Nhà trường hôm nay vẫn treo khẩu hiệu “khai thác vốn sống của Trẻ em”. Vốn kinh nghiệm ấy tích lũy trong 6 năm đầu đời của Trẻ thì có được bao lăm để khai thác, may ra có thể dùng kinh nghiệm ấy để “làm ra” cái mới vượt qua  tầm kinh nghiệm.
Mỗi ngày đến trường, ngày nào cũng làm ra cái mới thì: Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui! Đi học là hạnh phúc!
Dùng cái có sẵn/ Dùng cái làm ra là hai cách dùng ở hai tầm phát triển lịch sử khác nhau, gắn với bản chất triết học của cái để dùng, ví dụ: chiếc gậy khều.
Bọn động vật chỉ biết nhặt cành cây khô làm gậy khều (để khều quả trên cao) thì cho đến nay, động vật vẫn là động vật.
Người biết chặt một cành cây tươi làm gậy khều thì nay có nền văn minh hiện đại.
Hai cách cư xử này, triết học gọi là cách cư xử trực tiếp (của động vật) và cách cư xử gián tiếp (của Người).
Bước tiến có giá trị triết học xứng đáng nhất là bước nhảy lịch sử từ cách cư xử trực tiếp sang cách cư xử gián tiếp - bước nhảy từ dùng cái có sẵn sang làm ra cái mới để dùng.
Bước tiến lịch sử ấy gợi cho ý thức triết học nhận ra sự khác biệt cơ bản giữa hai trình độ phát triển giáo dục, thuộc hai nguyên lý khác nhau.
Một – Đưa đến cho trẻ em cái có sẵn và dạy cách dùng cái ấy. (Ngôn ngữ sư phạm là dạy kiến thức- vận dụng kiến thức).
Hai- Dạy cho trẻ em làm ra cái mới để dùng, dùng để:
- Học tiếp môn đó (làm ra cái mới cùng loại).
- Học cái mới thuộc loại khác (môn học khác).
- Dùng cho cuộc sống thực mỗi khi có thể.
Mỗi cái mới lịch sử đều ngang tầm triết học của thời đại mình.
Có thể dùng cày chìa vôi làm biểu trưng cho cả lịch sử lẫn triết học của nền giáo dục do Thầy Khổng Tử đề xướng, thực thi hàng ngàn năm, truyền lại cho đến nay.
Tôi dùng Công nghệ giáo dục (CNGD) để nói lý thuyết và để làm ra sản phẩm có thực, đặc trưng cho nền giáo dục hiện đại.
Trong mấy ngàn năm, các nhà viết sử lấy các triều đại làm mốc. Với mỗi triều đai, lịch sử chỉ thay vật liệu, vẫn nguyên vẹn một chất liệu ấy.
Tôi coi công cụ / máy móc sản xuất là các nhân tố vật chất làm biến đổi lịch sử, đặc trưng cho lịch sử.
Cuộc cách mạng đầu tiên, lịch sử thay cày chìa vôi bằng máy hơi nước, mang một giá trị triết học vĩ đại là thay sức mạnh cơ bắp bằng sức mạnh trí óc, thay kinh nghiệm bằng khoa học.

Sự sống, sức sống, lẽ sống… của Nghiệp vụ sư phạm CNGD là tổ chức quá trình thực tiễn cho mỗi em tự mình chiếm lĩnh Đối tượng, biến nó thành tài sản riêng của bản thân mình.

Cuộc cách mạng 1.0 này cấp sức mạnh vật chất lich sử dứt khoát vượt bỏ quá khứ động vật – phạm trù con, chuyển hẳn sang phạm trù Người.
Người, phạm trù Người, nhanh chóng vượt bỏ những gì do mình đã xác lập, sáng tạo ra cái mới – cái chưa hề có.
2.0 . Thay máy hơi nước bằng máy nổ.
3.0 . Thay máy nổ bằng máy tính.
4.0 . Thay máy tính bằng máy nghĩ (trí tuệ nhân tạo).
Môn học cho nền giáo dục hiện đại phải là một giải pháp nghiệp vụ có giá trị triết học đặc trưng cho lịch sử hiện đại.
Mỗi môn học cho một Đối tượng (hiểu là Đối tượng thuần khiết). 
Đối tượng sinh thành, tồn tại, vận động, phát triển bằng chất liệu của nó, vật thể hóa nguyên lý triết học của thời đại.
Thiết kế môn học tôi dùng nguyên tắc phát triển, hiểu là thuận theo sự phát triển của Đối tượng, bắt đầu từ điểm xuất phát của trừu tượng.
Mỗi bước phát triển về sau vận động theo hướng cụ thể hơn.
Năng lượng cấp cho mỗi bước phát triển của Đối tượng cung cấp cho một bước phát triển của Trẻ em.
Sự phát triển của Đối tượng được CNGD triển khai một cách vật chất bằng một quá trình thực tiễn, có thể tổ chức và kiểm soát được bên ngoài đầu óc cá nhân.
Tư duy hiện đại có “cốt thép” vững chắc làm bằng khái niệm khoa học.
Mỗi khái niệm khoa học có cấu trúc tường minh: 
- Các thành phần cấu thành, để tồn tại.
- Mỗi thành phần ở một vị trí xác định, đảm nhận một chức năng cụ thể, để vận hành.
Về toán học, ngàn đời nay, lịch sử chỉ có duy nhất trong kinh nghiệm của tuyệt đại đa số dân cư: 
2+3=5
Học sinh lớp Hai trường Thực nghiệm còn có thêm cái – chưa-hề-có:
2+3=10; 2+3=11
Cả ba giải pháp đều đúng!
Tư duy giáo dục cổ truyền nếu chấp nhận một ngày đúng, thì một ngày kia sai!
Môn Tiếng Việt cổ truyền thường chịu một hậu quả truyền kiếp: Cuộc cải cách giáo dục 1985 có 650.000 học sinh lớp Một lưu ban.
Ngày nay, học sinh lớp 12 còn viết sai câu, tốt nghiệp đại học viết đơn xin việc sai ngữ pháp. Để chữa thẹn, thầy phao tin đồn: 
Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam! 
Ngày nay, học sinh lớp Một, không phân biệt được em sinh sống ở vùng đất nào, có đi mẫu giáo hay không, có ra khỏi thôn bản hay không, có nói được tiếng Việt hay không… miễn là 6 tuổi đến trường học Môn Tiếng Việt lớp Một CNGD thì cuối năm học, em đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù.
Học hết lớp Hai, em viết thành câu.
Học hết lớp Ba, em không bao giờ còn viết sai câu.
Giáo dục hiện đại làm ra sản phẩm tất yếu thì cũng như nền sản xuất hiện đại làm ra sản phẩm tất yếu bằng công nghệ thực thi.
Công nghệ giáo dục là một công nghệ như một Công nghệ sản xuất, làm ra sản phẩm tất yếu.
Sự sống, sức sống, lẽ sống… của Nghiệp vụ sư phạm CNGD là tổ chức quá trình thực tiễn cho mỗi em tự mình chiếm lĩnh Đối tượng, biến nó thành tài sản riêng của bản thân mình.
Đối tượng có năng lượng nhiều nhất cấp cho phát triển là khái niệm khoa học hiện đại (khái niệm khoa học đã phát triển đến trình độ hiện đại).
CNGD xác định một Đối tượng Môn Tiếng Việt lớp Một theo Chất liệu/ Vật liệu của nó.
Chất liệu thì hữu hạn.
Vật liệu thì vô hạn. 

Giáo sư Hồ Ngọc Đại