20/04/2024 lúc 04:55 (GMT+7)
Breaking News

Hoàn thiện khung pháp lý chống các thủ đoạn trốn thuế

VNHN - Dù Việt Nam đã nỗ lực củng cố hành lang pháp lý về quản lý thuế nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, và chưa theo kịp với thực tế diễn biến các thủ đoạn trốn thuế ngày càng biến đổi nhanh và phức tạp. Đây là một nội dung được trao đổi tại Hội thảo "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 28/4.

VNHN - Dù Việt Nam đã nỗ lực củng cố hành lang pháp lý về quản lý thuế nhưng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, và chưa theo kịp với thực tế diễn biến các thủ đoạn trốn thuế ngày càng biến đổi nhanh và phức tạp. Đây là một nội dung được trao đổi tại Hội thảo "Trốn và tránh thuế của thuế thu nhập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam" do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức ngày 28/4.

Ảnh minh họa

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) và Tổ chức Oxfam nhận định: Ở Việt Nam, sai phạm thuế trong những năm gần đây diễn ra không chỉ ở thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà còn ở các sắc thuế khác. Các doanh nghiệp có sai phạm về thuế không chỉ là các công ty đa quốc gia mà còn thuộc nhiều loại hình doanh nghiệp khác. Hành vi gian lận thuế ngày càng diễn biến phức tạp, phạm vi ngày càng rộng, quy mô ngày càng lớn và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Gánh nặng thuế càng lớn thì mức độ chuyển dịch lợi nhuận (trốn và tránh thuế) càng lớn. Các công ty đa quốc gia có nhiều cơ hội và trốn và tránh thuế nhiều hơn so với khu vực doanh nghiệp trong nước.

Sau khi phân tích báo cáo tài chính, các chuyên gia cũng chỉ ra tỷ suất lợi nhuận (ROA và ROE) khai báo của các doanh nghiệp thuộc khu vực FDI có xu hướng thấp hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước bất chấp việc họ có những yếu tố thuận lợi hơn về thị trường, công nghệ, hay có mức độ thâm dụng vốn thấp hơn hẳn khu vực DNNN.

Nếu tính bình quân mỗi doanh nghiệp, mức thất thu thuế từ doanh nghiệp FDI cao hơn gấp vài chục lần so với doanh nghiệp ngoài nhà nước. Mức thuế thất thu ước tính cho cả 3 khu vực doanh nghiệp có thể dao động trong khoảng 13,3 – 20,7 nghìn tỷ đồng (6,4 – 9,9% số thu thuế TNDN), gấp khoảng 3 – 4 lần con số vi phạm phát hiện hàng năm bởi các cơ quan quản lý.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý của Việt Nam đã có những nỗ lực và có những thay đổi tích cực liên quan đến các quy định pháp luật về thuế để hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và thế giới, cải thiện môi trường cạnh tranh bình đẳng và tránh thất thu thuế.

Đáng kể nhất là việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính, ban hành Nghị định 20/2017/NĐ–CP và thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi) 2019, đồng thời tiếp tục ký kết và áp dụng các hiệp định thuế với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Tuy nhiên, độ chặt chẽ của các chính sách thuế có vai trò quan trọng quyết định đến động cơ và hành vi trốn và tránh thuế của các doanh nghiệp. Việt Nam đang phải đối mặt với việc doanh nghiệp gia tăng hoạt động trốn thuế, tránh thuế vì chính sách vẫn chưa theo kịp thực tế”, các chuyên gia đưa ra nhận định.

Báo cáo nghiên cứu VEPR các khuyến nghị cần thực hiện đồng bộ như: nên tiếp tục duy trì và cải thiện những chính sách hiện có, đồng thời nghiên cứu triển khai những chính sách mới đang được áp dụng rộng rãi và khuyến cáo bởi các nước phát triển và các tổ chức quốc tế.

Việt Nam cần thắt chặt trần chi phí lãi vay được khấu trừ thuế của các công ty có giao dịch liên kết; các quy định nhằm chống xói mòn cơ sở thuế và chống vốn mỏng; bãi bỏ các ưu đãi thuế thái quá; tăng cường trao đổi thông tin với các nước khác, cải thiện cơ sở dữ liệu phục vụ cho mục đích quản lý thuế; thực hiện các quy định quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; đưa các vấn đề về cạnh tranh thuế, ưu đãi thuế, và phòng chống trốn và tránh thuế vào chương trình nghị sự của ASEAN…

“Trốn tránh thuế là hiện tượng không hiếm trong các nền kinh tế. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đa quốc gia có cơ hội thuận lợi nhất để lẩn tránh thuế, họ thành lập rất nhiều chi nhánh ở nước ngoài, chuyển lợi nhuận ở nơi có mức thuế suất cao sang mức thuế suất thấp”- TS Nguyễn Hoàng Oanh, trường Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích.