29/03/2024 lúc 02:03 (GMT+7)
Breaking News

Hoạch định chiến lược đối ngoại vì mục tiêu phát triển, an ninh và nâng cao vị thế Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Hoạch định chiến lược ngày càng trở nên quan trọng đối với quản trị quốc gia, khu vực và toàn cầu trong bối cảnh yếu tố đầu vào, đầu ra và quy trình có nhiều thay đổi. Trong lĩnh vực đối ngoại, hoạch định chiến lược luôn được xem là đòi hỏi bắt buộc do có liên quan đến các lợi ích căn bản của đất nước, như bảo đảm an ninh, thúc đẩy phát triển và nâng cao vị thế quốc gia...

Hoạch định chiến lược ngày càng trở nên quan trọng đối với quản trị quốc gia, khu vực và toàn cầu trong bối cảnh yếu tố đầu vào, đầu ra và quy trình có nhiều thay đổi. Trong lĩnh vực đối ngoại, hoạch định chiến lược luôn được xem là đòi hỏi bắt buộc do có liên quan đến các lợi ích căn bản của đất nước, như bảo đảm an ninh, thúc đẩy phát triển và nâng cao vị thế quốc gia. Tương tự như yêu cầu về hoạch định chiến lược, hoạch định chiến lược đối ngoại cần có những điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh thế giới có nhiều bất định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0) đang tạo ra nhiều tác động sâu rộng, cạnh tranh nước lớn gia tăng.

Nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế _Ảnh: Tư liệu

Chiến lược, chiến lược đối ngoại và hoạch định chiến lược

Khái niệm phổ dụng về chiến lược là tập hợp biện pháp và bố trí, sắp xếp nguồn lực để đạt tới các mục tiêu chủ chốt, lâu dài, có tác động đáng kể đến một tổ chức, cộng đồng, quốc gia, khu vực. Dù có nhiều cách hiểu và tiếp cận khác nhau, nhưng các khái niệm về chiến lược thường bao gồm ba thành tố cơ bản: 1- Mục tiêu (thường từ trung đến dài hạn); 2- Phương tiện (nguồn lực); 3- Cách thức (hành động). Về cấp độ, chiến lược tương phản với chiến thuật về mục tiêu, biện pháp và nguồn lực. Một sai lầm chiến thuật thì có thể sửa chữa. Một sai lầm chiến lược sẽ để lại hệ quả (tiêu cực) lớn và không dễ sửa chữa. Khác với chiến thuật, chiến lược tập trung vào các mục tiêu dài hạn và việc định hình diễn biến tương lai thay vì chỉ phản ứng với sự kiện xảy ra trước mắt(1).

Mọi quốc gia đều có chiến lược dù có thể không công bố, nếu được hoạch định hiệu quả, có thể chỉ ra đường hướng tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức. Chiến lược ở đây có thể đại diện cho chiến lược tổng thể của quốc gia, hoặc đó có thể là chiến lược cho một ngành, nghề, vấn đề cụ thể, như chiến lược quốc phòng, kinh tế, hay đối ngoại. Hoạch định chiến lược có thể hiểu đơn giản là quá trình tạo ra chiến lược. Chiến lược trả lời câu hỏi cái gì, vì sao, còn hoạch định trả lời câu hỏi như thế nào.

Từ khái niệm chiến lược nói chung, có thể hiểu chiến lược đối ngoại là sản phẩm của quá trình một quốc gia xác định các mục tiêu đối ngoại quan trọng, phương hướng và cách thức thực thi để đạt tới những mục tiêu đó trong trung và dài hạn(2). Trong chính trị quốc tế hiện đại, hoạch định chiến lược của các chủ thể quan hệ quốc tế thường được dựa trên sự tính toán của nhiều yếu tố cũng như khía cạnh của vấn đề, có sức ảnh hưởng lớn, không chỉ tới nhóm đối tượng đích mà còn nhiều đối tượng “vệ tinh” xung quanh, nhằm thực hiện một số mục tiêu quan trọng của chủ thể (chơi cả ván cờ thay vì đi từng nước cờ nhỏ lẻ).

Do tình hình thay đổi nhanh, xuất hiện nhiều nhân tố mới, sự không chắc chắn về chính sách ngày càng gia tăng, một văn bản chiến lược có tính gắn kết và liên thông trở nên cần thiết hơn bao giờ hết(3). Với đặc điểm của tình hình như vậy, có lập luận cho rằng, việc triển khai chính sách không dựa trên nền tảng hoạch định chiến lược sẽ không đạt hiệu quả tối ưu, thậm chí thất bại(4). Đó chính là việc bị cuốn theo các sự kiện mà không có các nguyên tắc “bất biến” để ứng phó. Tiến sỹ Mi-na Bâu-xơ (Meena Bose), Trưởng khoa Chính sách công và Dịch vụ công tại Trường Chính phủ, Chính sách công và quan hệ quốc tế Peter S. Kalikow, thuộc Đại học Hofstra (Mỹ) cho rằng, các quy trình hoạch định chiến lược được thiết kế bài bản có thể giúp xem xét một cách bình tĩnh và có hệ thống các lựa chọn thay thế và giúp các nhà lãnh đạo tập trung vào các mục tiêu lớn(5).

Cũng do thế giới bất định và chuyển biến nhanh, cũng có luồng ý kiến cho rằng việc hoạch định chiến lược nên theo từng trường hợp cụ thể một cách cơ động(6). Thay vì hoạch định một đại chiến lược kiên cố, nên tiếp cận một cách linh hoạt hơn. Hoạch định không phải là một quá trình diễn ra trước, tách bạch mà diễn ra đồng thời với quá trình triển khai(7). Nhờ đó, chiến lược có khả năng thích ứng nhiều hơn với thời cuộc. Nếu những gì diễn ra không như dự đoán/mong đợi, những mục tiêu được hoạch định trước đó cũng có thể thay đổi(8). Thậm chí, trong một số trường hợp, mục tiêu và thiết kế ban đầu của chiến lược có thể phải thay đổi hoàn toàn và thành công của chính sách đối ngoại lúc này phụ thuộc vào việc các nhà hoạch định chính sách học hỏi từ thực tiễn và thích ứng với sự không thể đoán trước của hệ thống quốc tế(9). Nhưng ứng biến hay bất biến đều cần những tính toán căn cơ từ góc độ chiến lược.

Hoạch định chiến lược chính là một quá trình tư duy lập trình và phân tích các bộ dữ liệu lớn, có độ tin cậy cao. Quá trình tư duy đó là cách đặt vấn đề bao quát, lô-gích, hợp lý, nhiều tầng nấc, sáng tạo, nhằm đạt những kết quả lớn, có tác động đáng kể, lâu dài(10). Mục đích của hoạch định chiến lược là triển khai các chiến lược được phát triển thông qua quá trình tư duy chiến lược. Đơn cử như, Việt Nam nên làm gì để tránh bị các nước lớn thỏa hiệp sau lưng, rơi vào thế đối đầu và/hoặc lựa chọn giải pháp tối ưu trong bối cảnh cạnh tranh nước lớn gia tăng là những câu hỏi mang tầm tư duy chiến lược.

Mối liên hệ giữa các mục tiêu chiến lược phát triển, an ninh và vị thế

Các mục tiêu hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền, phát triển và nâng cao vị thế là các mục tiêu chiến lược mà mọi quốc gia đều cố gắng thực hiện và đạt được. Đáng chú ý, ngày càng có nhận thức rõ hơn về mối liên hệ chặt chẽ, tác động qua lại trong quá trình thực hiện các mục tiêu trên. Chẳng hạn, ổn định tạo nền tảng cần thiết cho phát triển và phát triển giúp tạo điều kiện đủ cho ổn định. Bài học của nhiều nước gặp “bất ổn” vừa qua cho thấy, nếu không đạt mục tiêu phát triển, nhất là phát triển bền vững, bao trùm, cũng sẽ không có ổn định. An ninh là điều kiện cần nhưng nếu có sự ổn định tương đối, phát triển trở thành mục tiêu ưu tiên (đây chính là lý do xuất hiện xu thế ưu tiên phát triển kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay). Nhìn nhận rõ tác động qua lại giữa các lĩnh vực then chốt, Liên hợp quốc đã công bố và thực hiện Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển đến năm 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) như một lộ trình để chấm dứt đói nghèo, chống bất bình đẳng và giải quyết một số thách thức an ninh phi truyền thống (an ninh môi trường, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu...) trong 15 năm tới. Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng đến năng lực đáp ứng nhu cầu riêng của các thế hệ tương lai (nghĩa là tiếp cận một cách chiến lược, lâu dài).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu thiếu hòa bình, an ninh, ổn định, các quốc gia phải “trả giá” về phát triển. Các chỉ số, như tăng trưởng, xuất - nhập khẩu, thu nhập, tiêu dùng cá nhân và chi tiêu của chính phủ cho các mục tiêu phát triển sẽ bị ảnh hưởng do phải tập trung ứng phó với tình trạng bất ổn. Ngược lại, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nhiều quốc gia bị lâm vào xung đột, bất ổn là do không chú ý đúng mức tới các mục tiêu phát triển, phát triển không đồng đều, bất bình đẳng gia tăng (được cho là nguồn gốc của nhiều tư tưởng cực đoan, khủng bố...).

Mối liên hệ giữa “mục tiêu vị thế” với các mục tiêu phát triển và an ninh cũng được kiểm chứng trong thực tiễn. Các quốc gia, như Xin-ga-po, Va-ti-căng, Thụy Sĩ..., rõ ràng đã có ảnh hưởng vượt lên trên năng lực của họ nếu chỉ nhìn vào các chỉ số như “sức mạnh cứng” (hết sức quan trọng đối với mục tiêu an ninh) hay “sức mạnh mềm” (tác động tới mục tiêu phát triển). Đây chính là mối liên hệ giữa “thế và lực”. Trong bài “Học đánh cờ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Lạc nước hai xe đành bỏ phí. Gặp thời một tốt cũng thành công”. Tư duy của người Trung Quốc coi trọng yếu tố “thế”, trong chữ “thế” (勢) có chữ “lực” (力). Trong giai đoạn hiện nay, “hình ảnh quốc gia” hay “thương hiệu quốc gia” cũng chính là một tài sản chiến lược.

Kết hợp các mục tiêu trong điều kiện Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạch định chiến lược đối ngoại của Việt Nam chắc chắn phải bảo đảm tính liên ngành, liên lĩnh vực. Đối ngoại vừa góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, vừa góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân, vừa nâng cao vai trò, vị thế của đất nước. Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan từng nhận định về các mục tiêu căn bản của đối ngoại: “phục vụ ba mục tiêu cơ bản là mục tiêu an ninh (góp phần bảo đảm độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ); mục tiêu phát triển (tranh thủ ngoại lực và tạo dựng điều kiện quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước); và mục tiêu ảnh hưởng (góp phần nâng cao địa vị quốc gia, phát huy tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế)”(11).

Cụ thể với vai trò của ngành đối ngoại Việt Nam, trong thông điệp gửi ngành ngoại giao nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập ngành ngoại giao (ngày 28-8-2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nền ngoại giao cách mạng Việt Nam tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp xây dựng, chỉ đạo và rèn luyện. Trong chặng đường 75 năm qua, ngành ngoại giao đã luôn thể hiện vai trò là lực lượng tiên phong trong bảo vệ thành quả cách mạng, hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, tạo sức mạnh tổng hợp mang lại thành công cho các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc trước đây; cũng như trong việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế ngày nay(12). Sức mạnh tổng hợp có được là nhờ việc hoạch định chiến lược trên nền tảng có sự phối hợp liên ngành, đồng tâm hiệp lực, là kết quả của những nỗ lực lấy mục tiêu tổng quát làm định hướng.

Nhờ có sự phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp giữa các lực lượng, Việt Nam đã có những bước chuyển căn bản về thế và lực. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam hiện đã gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp và được dự báo sẽ trong danh sách 20 nền kinh tế có quy mô lớn nhất thế giới vào giữa thế kỷ XXI. Từ chỗ bị bao vây cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 189 nước/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có khuôn khổ đối tác chiến lược và toàn diện với 30 nước; nếu tính cả các đối tác có khuôn khổ hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, con số đối tác là 59, chiếm 59% dân số, 61% GDP, 68% thương mại toàn cầu. Nhiều năm là nước tiếp nhận viện trợ, trong dịch bệnh COVID-19 hiện nay, Việt Nam đã tiến hành viện trợ cho 51 nước và tổ chức quốc tế...

Bên cạnh những cơ hội và thành công lịch sử, từ góc nhìn hoạch định chiến lược, Việt Nam từ nay đến vài thập niên tới sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn, đòi hỏi những giải pháp lâu dài và đột phá. Cụ thể:

Về phát triển, tuy tăng trưởng kinh tế nhanh và có phần đi vào tăng trưởng chất lượng, nhưng để thoát bẫy thu nhập trung bình, theo tính toán, Việt Nam cần duy trì tốc độ tăng trưởng 7% - 7,5% trong giai đoạn bản lề 2021 - 2030, tức là mức cao hơn hẳn so với mức 6,3% trong 10 năm qua. Để bước vào “thế giới thứ nhất”, Hàn Quốc tăng trưởng gần 10% liên tục trong 37 năm. Một yếu tố quyết định đến tăng trưởng là năng suất lao động. Mặc dù có tốc độ tăng nhanh nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) những năm qua, đến nay năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 7,2% Xin-ga-po, 36,2% của Thái Lan, 43% của In-đô-nê-xi-a. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2018, Việt Nam chỉ đạt 43/100 điểm về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, có tiến bộ nhưng vẫn ở mức thấp, đứng thứ 95/140 nước. Mức độ sẵn sàng của Việt Nam cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là sơ khởi, đứng thứ 92/100 nước về công nghệ nền tảng, hạng 77/100 về năng lực sáng tạo. Việt Nam thuộc nhóm đầu trong số các nước đang phát triển về chỉ số đổi mới sáng tạo (GII), tăng 16 bậc kể từ năm 2016 nhưng cũng chỉ xếp thứ 42/129 nước. Trong khi tri thức sáng tạo ngày càng có ý nghĩa quyết định, tỷ suất đầu tư của Việt Nam cho một cán bộ nghiên cứu chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Ma-lai-xi-a và 1/7 của Xin-ga-po. Từ góc độ kinh tế đối ngoại, Việt Nam sẽ bước vào thập niên mới với một nhiệm vụ cụ thể khác: tận dụng ưu thế của các thỏa thuận quốc tế tiêu chuẩn cao mà Việt Nam đã cam kết với các đối tác. Hay nói cách khác, nếu như giai đoạn 10 năm qua là giai đoạn của việc tạo dựng khuôn khổ và “sân chơi” thì 10 năm tới sẽ là giai đoạn của các “cuộc đấu” thực sự. Đơn cử như, trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu phần lớn là từ 3 - 7 năm sau khi đi vào triển khai. Còn trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam có 10 năm và chỉ một số dòng thuế nhạy cảm là 15 năm để đưa mức thuế nhập khẩu về 0%. Đổi lại, các đối tác của Việt Nam cũng sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Theo các mô phỏng gần đây, nếu chuyển hóa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thành động lực kinh tế, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 7,5%/năm.

Về an ninh, Việt Nam sẽ tiếp tục phải ứng phó với hàng loạt thách thức truyền thống và phi truyền thống. Biển Đông tiếp tục là một vấn đề nan giải, trên các khía cạnh chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, an ninh, hòa bình, ổn định, tự do, an toàn, an ninh hàng hải, hàng không, bảo vệ các tài nguyên và môi trường biển, cạnh tranh chiến lược nước lớn... An ninh nguồn nước sông Mê Kông cần có giải pháp toàn diện, lâu dài trong điều kiện Việt Nam là nước hạ nguồn thấp nhất và có đồng bằng sông Cửu Long với ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên các khía cạnh an ninh nguồn nước, phát triển kinh tế, bảo vệ giá trị, truyền thống văn hóa, tập quán và ứng xử quan hệ với các nước trong tiểu vùng. Bệnh dịch và các cuộc khủng hoảng y tế xảy ra ngày càng nhiều. Trong 20 năm qua, thế giới đã ít nhất năm lần đối mặt với các bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh COVID-19. Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Là một nền kinh tế mở, kết nối với thế giới ngày càng nhiều, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất khu vực trong không gian mạng trong khi kinh tế số nhiều tiềm năng có thể đóng góp cho tăng trưởng thêm vài điểm phần trăm. Việc phải ứng phó với các thách thức an ninh đa dạng tạo sức ép ngày càng lớn lên nguồn lực của đất nước vốn đang xem nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm.

Về uy tín, vị thế, tuy được đánh giá ngày càng cao bởi cộng đồng quốc tế, khu vực, với nhiệm vụ nâng cao hơn nữa “thương hiệu quốc gia”, Việt Nam còn nhiều việc phải làm. Vượt lên trên khuôn khổ “tích cực, chủ động” để “kiến tạo”, phát huy vai trò quốc tế tích cực hơn nữa trên những vấn đề Việt Nam có lợi ích, có năng lực và có mẫu số chung lợi ích với các đối tác đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, từ nguồn lực đến xây dựng đội ngũ, từ tạo lập hồ sơ đến việc vận động sự ủng hộ của các nước. Lô-gích đằng sau phương châm “thành viên có trách nhiệm” của cộng đồng quốc tế là để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, là để mở rộng không gian chiến lược cho phát triển và nâng cao vị thế. Rõ ràng, để tiếp tục hướng tới các mục tiêu lớn, quá trình hoạch định chiến lược cần giúp tiếp tục đổi mới tư duy, sẵn sàng vượt khỏi “địa bàn quen thuộc” để khai phá các không gian mới. Về mặt hành vi, thách thức là thúc đẩy xu thế đa phương và luật pháp quốc tế trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc, cường quyền và dân túy đang có nhiều dấu hiệu gia tăng, nhiều hành vi trong quan hệ quốc tế tiếp tục lấy xuất phát điểm từ tính toán lợi ích vị kỷ, hẹp hòi

Tối ưu hóa quá trình hoạch định chiến lược đối ngoại

Xuất phát từ cách tiếp cận trên đối với hoạch định chiến lược đối ngoại, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đáp ứng đồng thời các mục tiêu phát triển, an ninh và vị thế. Thực tế cho thấy tư duy cục bộ, lợi ích bộ phận vẫn còn có những tác động nhất định. Quy hoạch, kế hoạch, quy chế, cơ chế hoạt động có lúc chưa đồng bộ(13). Việc thực thi còn chưa có sự phối hợp tối ưu, nhất là trong quá trình triển khai. Tính hiệu quả của việc đề ra mục tiêu và hưởng ứng thực hiện mục tiêu cần được cải thiện, ví như trong việc thực hiện các cam kết FTA thế hệ mới như đề cập ở trên.

Để hướng tới một quy trình hoạch định chiến lược đối ngoại đạt hiệu quả tối ưu hơn trong thời gian tới, chúng ta cần:

Một là, tiếp tục các nỗ lực thể chế hóa, đồng bộ hóa, hệ thống hóa các quyết sách quốc gia để các lĩnh vực phát triển, an ninh và vị thế không chỉ bổ sung mà còn tạo đòn bẩy cho nhau, tạo nên sức mạnh cộng hưởng.

Hai là, trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, nền tảng quan trọng hàng đầu của hoạch định chiến lược, các bộ, ngành, địa phương cần bảo đảm tính liên thông, liên ngành trong quá trình tham mưu, hoạch định và triển khai chiến lược đối ngoại, xác định lợi ích bộ phận phải phục vụ lợi ích chung, “hội nhập ngành” nằm trong mạch “hội nhập tổng thể”, trong đó đối ngoại (bao gồm đối ngoại của các ngành, lĩnh vực) đóng vai trò tiên phong(14).

Ba là, các câu chuyện quản trị chiến lược thành công đều có một mẫu số chung, đó là xác định đúng mục tiêu, biện pháp, kể cả các biện pháp có tính đột phá trên tầm năng lực cứng và bố trí nguồn lực phù hợp (thiếu nguồn lực các chính sách sẽ mang tính duy ý chí và ít tính khả thi) cho các nhiệm vụ chủ chốt về thúc đẩy phát triển, bảo đảm an ninh và nâng cao vai trò, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Như một đòi hỏi tất yếu của hoạch định chiến lược, việc nâng cao năng lực của nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định, nhất là ở cấp lãnh đạo và ra quyết sách. Hoạch định chiến lược chính là quá trình nhà lãnh đạo vận dụng tư duy chiến lược vào thực tiễn. Trên cơ sở đó, công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược “ngang tầm nhiệm vụ” cần được ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong những giai đoạn tới.

Tiếp cận một cách cân bằng, tổng thể, hoạch định chiến lược là thao tác cần thiết để giúp quốc gia thành công, nhất là nếu được xây dựng dựa trên các nguyên tắc, quy luật được kiểm chứng theo thời gian và phù hợp dù hoàn cảnh có thay đổi; đồng thời, do sự thay đổi nhanh chóng của tình hình, sự linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh và thích ứng cũng nên là một phần của quá trình hoạch định chiến lược. Một yêu cầu khác của hoạch định chiến lược là sự phối hợp liên thông, đồng bộ hóa, hệ thống hóa các biện pháp chiến lược vì các mục tiêu chung cũng như  việc tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo, ra quyết sách.

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới trên các lĩnh vực phát triển, an ninh và vị thế trên trường quốc tế. Những thành tựu đó là kết quả của việc vận dụng tư duy chiến lược vào thực tiễn hoạch định đường lối, chính sách. Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả và hướng tới các mục tiêu lớn hơn, quy trình hoạch định chiến lược, bao gồm lĩnh vực đối ngoại, cần tiếp tục được tối ưu hóa. Điều này cũng gắn với nhu cầu xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại(15), đóng vai trò tiên phong, phù hợp với các đòi hỏi của thực tiễn và song hành, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn then chốt từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

TS Lê Đình Tĩnh, Học viện Ngoại giao

-------------

(1) Andrew W. Marshall: “Strategy as a profession for future generations”, On Not Confusing Ourselves: Essays on National Security Strategy in Honor of Albert and Roberta Wohlstetter, 1991, pp. 302 – 311
(2) Lê Đình Tĩnh, Đặng Cẩm Tú, Nguyễn Vũ Tùng: “Khái luận về chiến lược đối ngoại”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 3 (118), tháng 9-2019, tr. 204
(3) James Goldgeier và Jeremi Suri: “Revitalizing the U.S. National Security Strategy”, The Washington Quarterly38, No. 4 (2015), pp. 35 - 55, https://doi.org/10.1080/0163660X.2015.1125828
(4) Aaron L. Friedberg: “Strengthening US strategic planning”, Washington Quarterly 31, No.1 (2008), pp. 47 - 60
(5) Meenekshi Bose: Shaping and Signaling Presidential Policy: The National Security Decision Making of Eisenhower and Kennedy, Texas A&M University Press, 1998
(6) Ronald Krebs và David Edelstein: “Delusions of Grand Strategy: The Problem with Washington’s Planning Obsession”, Foreign affairs (Council on Foreign Relations) No. 94 (11-2015), pp109 - 116
(7) Nhờ sự tiến bộ của khoa học - công nghệ, hiện nay trên nhiều lĩnh vực, các quyết định có thể gần như ra cùng với thời gian thực. Ví dụ, các thông tin đầu vào sẽ được trí tuệ nhân tạo (AI) cập nhật, xử lý bằng các thuật toán phức hợp và gợi ý hướng hoặc điều chỉnh hướng xử lý theo thời gian thực (Cảnh sát biển Mỹ đã ứng dụng công nghệ này để tìm kiếm người bị mất tích trên biển)
(8) Lawrence Freedman: Strategy: A History, Oxford University Press, 2015
(9) Ionut Popescu: “Grand Strategy vs. Emergent Strategy in the conduct of foreign policy”, Journal of Strategic Studies 41 (12-2017): https://doi.org/10.1080/01402390.2017.1288109
(10) Xem thêm: Lê Đình Tĩnh: “Bàn về tư duy chiến lược: Lý thuyết, thực tiễn và trường hợp Việt Nam”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 4 (111), tháng 12-2017, tr.17 - 35
(11) Vũ Khoan: “An ninh, phát triển và ảnh hưởng trong hoạt động đối ngoại”, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, tháng 12-1993
(12) Xem: https://baoquocte.vn/thong-diep-cua-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-gui-nganh-ngoai-giao-nhan-dip-ky-niem-75-nam-ngay-thanh-lap-122383.html
(13) Nguyễn Năng Nam: “Giải quyết mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại - nghệ thuật lãnh đạo cách mạng”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 28-10-2019, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chi-tiet-tim-kiem/-/2018/814902/giai-quyet-moi-quan-he-giua-quoc-phong%2C-an-ninh-va-%C4%91oi-ngoai---nghe-thuat-lanh-%C4%91ao-cach-mang.aspx
(14) Xem thêm: Nguyễn Năng Nam: “Giải quyết mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại - nghệ thuật lãnh đạo cách mạng”, Tlđd; Mạnh Hùng: “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định”, https://dangcongsan.vn/thoi-su/phat-huy-vai-tro-tien-phong-cua-doi-ngoai-trong-viec-giu-vung-moi-truong-hoa-binh-on-dinh-561378.html, truy cập ngày 21-12-2020
(15) Xem: Nguyễn Hồng Điệp: “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”, https://www.vietnamplus.vn/tiep-tuc-xay-dung-hoan-thien-nen-ngoai-giao-toan-dien-hien-dai/656910.vnp, truy cập ngày 20-12-2020