16/04/2024 lúc 14:34 (GMT+7)
Breaking News

Hỗ trợ kịp thời cho các trụ cột doanh nghiệp kinh tế

VNHN - Nếu không tận dụng được “giai đoạn vàng” đưa vốn ứng cứu cho sản xuất, kinh doanh, rất có thể nhiều DN không còn đủ sức để đợi hỗ trợ, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách rất đúng, trúng đối tượng và kịp thời.

VNHN - Nếu không tận dụng được “giai đoạn vàng” đưa vốn ứng cứu cho sản xuất, kinh doanh, rất có thể nhiều DN không còn đủ sức để đợi hỗ trợ, mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách rất đúng, trúng đối tượng và kịp thời.

Trong những ngày này, người hành nghề kế toán như anh Nguyễn Minh Hải đặc biệt quan tâm đến việc thực thi gói hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ trị giá 285 nghìn tỷ đồng cùng gói gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất trị giá 180 nghìn tỷ đồng của Chính phủ để tìm kiếm khả năng tiếp cận tốt nhất cho các khách hàng DN mà anh được thuê làm dịch vụ kế toán. Nhưng vào việc mới thấy nhiều khó khăn cản bước. Anh Hải cho biết, theo thông điệp của lãnh đạo ngành thuế được truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng, DN được gia hạn nộp thuế đối với số thuế thu nhập DN (TNDN) phải nộp theo quyết toán của năm 2019 mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Tập đoàn Nafoods Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, đề xuất của DN này về việc gia hạn khoản vay đến hạn phải trả tháng 3 sang tháng 6 đã không được ngân hàng nhiệt tình giải quyết. Nhân viên tín dụng cho biết chưa có hướng dẫn cụ thể và còn khuyên DN không nên giãn thời gian trả nợ, vì có thể sẽ bị đưa vào hồ sơ khách hàng có nợ xấu, sau này khó vay mới... Mặc dù chính sách đã ban hành nhưng trong thực tế, các ngân hàng có xu hướng thẩm định hồ sơ khắt khe hơn, thậm chí không dám cho vay, trong khi việc hỗ trợ DN lẽ ra phải như cứu hỏa.

Đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong thời gian qua, nhưng ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng vẫn còn những vấn đề khó khăn trong thực tiễn triển khai. Bản thân các ngân hàng cũng là DN cho nên xảy ra mâu thuẫn lợi ích, nếu các chi nhánh ngân hàng không được giảm chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận, họ sẽ “làm ngơ” với yêu cầu từ DN. Bởi vậy có hiện tượng một số DN yêu cầu giảm lãi hỗ trợ nhưng nếu không tác động thì rất ít khi được ngân hàng trả lời.

Hầu như các ngân hàng sẽ nói là đang xem xét tiêu chí. Ông Hồng Anh đề xuất NHNN cần thiết lập một tổng đài SOS cho DN để có thể giải quyết các vấn đề chính đáng mà ngân hàng thương mại không xử lý được. Theo đại diện lãnh đạo NHNN, sau khi cơ quan này làm việc trực tiếp với các tổ chức tín dụng (TCTD), các TCTD đã đồng thuận rất cao để giảm 2% lãi suất cho vay đối với các khoản dư nợ hiện hữu cũng như các khoản vay mới. Kết quả triển khai cho đến nay, đối với các TCTD, tổng số tiền cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và miễn giảm lãi cho vay mới khoảng hơn 300 nghìn tỷ đồng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: vov.vn

Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là khoảng 18 nghìn tỷ đồng, miễn giảm lãi và điều chỉnh lãi suất là khoảng 126.500 tỷ đồng, cho vay mới với doanh số cho vay khoảng 180 nghìn tỷ đồng. Cùng quan điểm, PGS, TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ cho rằng, các chính sách của Chính phủ đang hướng tới hỗ trợ chung nhưng cần có thêm giải pháp rất cụ thể hỗ trợ cho các tập đoàn, tổng công ty lớn là trụ cột cho phát triển. Chính phủ cần có nguồn hỗ trợ, được ví như một chính sách bảo hiểm để các DN này duy trì tồn tại để phát triển sau khi dịch bệnh kết thúc.

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, dự báo tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian bao lâu là rất khó, đòi hỏi phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau, từ ngắn hạn đến dài hạn để ứng phó. Nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II-2020, phản ứng chính sách nên mang tính hỗ trợ nhưng nếu dịch kéo dài qua quý II, cần triển khai các chính sách giải cứu.

Theo đó, không chỉ tập trung vào khả năng thanh khoản của DN mà còn là khả năng thanh toán. Cụ thể là câu chuyện tồn tại hay phá sản của DN. NHNN cần sẵn sàng bơm thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng để lãi suất có thể cắt giảm thêm một đến hai điểm phần trăm. Khi các chính sách tiền tệ hay tài khóa truyền thống không đủ hỗ trợ khả năng thanh toán của DN, cần có các can thiệp tài khóa trực tiếp từ Chính phủ như mua lại nợ, tăng sở hữu vốn nhà nước tại các DN, bơm tiền trực tiếp... ở một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng để hạn chế đến mức thấp nhất sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.

TS Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, thái độ dè dặt của DN trong kinh doanh và sự dè dặt của ngân hàng trong hoạt động cho vay ở thời điểm khó khăn này là có và không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Chính vì thế, nhiều quốc gia đã bỏ qua giai đoạn “cho vay” để chuyển sang “cho luôn”, tức là chuyển sang hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách. Hoàn cảnh của Việt Nam không thể hỗ trợ như vậy, song có thể chuyển trọng tâm vào công cụ tài khóa, thông qua các chính sách thuế, thúc đẩy đầu tư công.

“Trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc này, chính sách tài khóa cần đóng vai trò như chiếc xe thiết giáp đi trước mở đường, còn chính sách tiền tệ như lính bộ binh đi theo ra chiến trường để hỗ trợ”, ông Trương Văn Phước chia sẻ. Lựa chọn thứ tự ưu tiên trong các chính sách ứng phó với đại dịch là một bài toán khó, nhưng lại quyết định sự thành công của các chính phủ. Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch đánh giá, đất nước đang đứng trước tình thế vô cùng khó khăn cả về kinh tế, xã hội và nhất là trước nguy cơ đổ vỡ một loạt DN do đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất, lưu thông.

Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm các giải pháp để số DN “chết” được hạn chế ở mức thấp nhất có thể, có sức bám trụ đến khi khống chế được dịch Covid-19. Với nguồn lực có hạn, chính sách hỗ trợ của Chính phủ hiện đang ưu tiên nguồn lực đến các DN nhỏ và siêu nhỏ, vốn được xem là khu vực chiếm số đông trong cộng đồng DN nhưng yếu về nguồn lực, thiếu về kinh nghiệm ứng phó khủng hoảng, và đó là một sự lựa chọn ưu tiên đúng. Vị chuyên gia phân tích: DN hiện nay như những thân cây khô hạn vì thiếu nước, phải làm sao để họ giữ được bộ rễ, chờ mưa xuống hồi sinh và bừng lên trở lại.

DN lo nhất lúc này là lãi mẹ đẻ lãi con, lo nữa là lúc dịch bệnh không có tăng trưởng, phải tích thêm nợ, sau này ngân hàng không cho vay để phục hồi vì phát sinh nợ cũ. Như thế, cây có giữ được bộ rễ cũng không có nguồn dinh dưỡng mới để vươn lên. Nhưng tình hình đang thay đổi hằng ngày, ngay cả sức chống chịu của các DN lớn cũng có hạn trước sức tàn phá của dịch Covid-19. Các chính sách ưu tiên như hiện nay có thể áp dụng đến tháng 5, sau đó phải tính cách hỗ trợ các DN lớn, trong đó có các DN nhà nước như đề xuất của cơ quan chủ quản là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN. Điều này rất cần thiết vì đó là những DN có đóng góp quan trọng vào ngân sách nhà nước.