29/03/2024 lúc 00:45 (GMT+7)
Breaking News

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển 

VNHNO - Để hỗ trợ cho khởi nghiệp và sản xuất kinh doanh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu...

VNHNO - Để hỗ trợ cho khởi nghiệp và sản xuất kinh doanh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu...

Theo khảo sát mới nhất về tinh thần khởi nghiệp (AGER 2018) mới được công bố, Việt Nam đã dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi cho biết sẽ cân nhắc khởi nghiệp; có đến 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi bắt đầu khởi nghiệp (trong khi chỉ số trung bình của thế giới chỉ ở mức 47%), 89% người Việt Nam được hỏi tin rằng mình có thể triển khai thực hiện và phát triển ý tưởng kinh doanh của riêng mình (so với con số trung bình của thế giới là 52%); 78% trả lời biết cách gây quỹ cho ý tưởng kinh doanh của mình (mức trung bình của thế giới chỉ có 38%)...

Khảo sát quốc tế nói trên là kết quả của một tinh thần khởi nghiệp quốc gia mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực kêu gọi để xây dựng ngay từ đầu nhiệm kỳ. Để hỗ trợ cho khởi nghiệp và sản xuất kinh doanh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu...

Ảnh minh họa. TTXVN.

Nhờ đó, trong hai năm 2016-2017, số doanh nghiệp được thành lập mới lên tới 236.000 doanh nghiệp. Chỉ trong tháng 9 năm 2018, cả nước có thêm hơn 96.600 doanh nghiệp nữa, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9% trong tháng 9-2018. Chính tinh thần khởi nghiệp, hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp đã mang lại tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam rất ngoạn mục trong thời gian qua, vào tốp các nước tăng trưởng GDP cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu đáng mừng nêu trên thì cũng cần nhận một thực tế là không phải doanh nghiệp nào được thành lập mới cũng tồn tại và phát triển, nhất là trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh quốc tế rất khốc liệt hiện nay. Trong 9 tháng năm 2018, có tới 73.103 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động.

Về mặt khách quan, trên thế giới đang có căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, cùng với đó là thái độ bảo hộ khá quyết liệt cho sản xuất nội địa của nhiều nền kinh tế. Do đó, các chuyên gia kinh tế đang lo ngại về việc rút vốn của không ít nhà đầu tư nước ngoài khỏi các thị trường mới nổi. Thế rồi việc sản xuất kinh doanh để xuất khẩu, phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu của không ít doanh nghiệp sẽ gặp trở ngại.

Trong lúc này, rất cần các biện pháp hỗ trợ để dưỡng sức doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp với mục tiêu đánh giá thực trạng và mức độ phát triển doanh nghiệp của cả nước và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để từ đó có các giải pháp chính sách phù hợp.

Các thủ tục hành chính rườm rà, các điều kiện kinh doanh không cần thiết cần được rà soát kỹ để kiên quyết gỡ bỏ, các quy định chưa thật hợp lý cần phải được điều  chỉnh. Hiện trong tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các bộ, ngành mới chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng và 30 thủ tục; trong tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, mới chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện, đạt hơn 30% so với yêu cầu. Như vậy, còn phải cố gắng nhiều.

Các nghị định cắt giảm các điều kiện kinh doanh đang được các cơ quan hoàn thiện để làm sao trong tháng 10 này Chính phủ ban hành. Có cắt giảm được các điều  kiện kinh doanh, điều kiện kiểm tra chuyên ngành mới góp phần giảm được chi phí, tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Bởi vì các loại chi phí không chính thức, chi phí bôi trơn rất dễ phát sinh để nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua được một “rừng” các thủ tục phức tạp.

Sức mạnh của các doanh nghiệp sẽ tạo ra sức mạnh của nền kinh tế. Do đó, trong thời gian tới, cần những giải pháp quyết liệt để nâng cao hơn nữa hiệu quả và tính bền vững của các doanh nghiệp tại Việt Nam./.

Theo Qdnd.vn