29/03/2024 lúc 06:00 (GMT+7)
Breaking News

Hiệp định Thương mại thế hệ mới - Cơ hội và thách thức của Việt Nam

Ngày 8/9/2017 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Diễn đàn khoa học: Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định thương mại thế hệ mới.

Ngày 8/9/2017 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) đã tổ chức Diễn đàn khoa học: Cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định thương mại thế hệ mới.

 

Tham dự Diễn đàn có nhiều đại biểu nguyên là lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, đại diện các nhà quản lý doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, các cơ quan truyền thông Trung ương và Hà Nội.

Ông Phạm Văn Tân – PCT kiêm Tổng Thư kí và ông Phan Tùng Mậu – PCT kiên Chủ nhiệm UBKT LHHVN chủ trì Diễn đàn

Theo ông Phạm Văn Tân – PCT kiêm Tổng Thư kí LHHVN, từ tháng 4 năm2015 LHHVN đã thực hiện diễn đàn Khoa học cơ hội và thách thức đổi mới nền kinh tế Việt Nam khi gia nhập các Hiệp định thương mại thế hệ mới, triển khai các nội dung liên quan và ban hành quy chế diễn đàn. Sau khi có quyết định, LHHVN đã triển khai tổ chức 7 diễn đàn trong năm 2015; 8 diễn đàn trong năm 2016 và năm 2017 dự kiến tổ chức 8 diễn đàn.

Hiệp định thương mại thế hệ mới được coi là một hiệp định quan trọng nhất thế kỷ 21 với tầm ảnh hưởng và phạm vi rộng lớn, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hướng tới thiết lập mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương với mức độ cam kết sâu.

Ông Trần Kim Chung –Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TƯ

Nói về quá trình hội nhập quốc tế, ông Trần Kim Chung - Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế TW (CIEM) cho rằng: Hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại động lực và điều kiện cho Việt Nam phát nhanh và bền vững,  góp phần khẳng định vị trí của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Song song với ổn định kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế theo định hướng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế cũng mang lại nhiều cơ hội cho nền kinh tế, cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Ngoài ra, quá trình hội nhập sâu rộng sẽ  góp phần tạo động lực cho Việt Nam thực hiện cải cách mạnh mẽ trong nước.

Tuy nhiên, hội nhập cũng mang lại một số thách thức trong quá trình thực thi các cam kết và thỏa ước quốc tế, nhất là trong bối cảnh gia tăng sự cạnh tranh khi tham gia vào các hiệp định thương mại chúng ta còn vướng một số hạn chế như trong tiếp cận lao động và nguồn nhân lực, tiếp cận tín dụng, cơ cấu thị trường, tiếp cận khoa học - công nghệ, năng lực đổi mới và sáng tạo, năng lực đáp ứng của cơ sở hạ tầng từ hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam.

Ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Tại diễn đàn, ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại cho rằng, những nhân tố mới trong nền chính trị thế giới và sự cài đặt lại mối quan hệ quốc tế coi phát triển kinh tế là trọng tâm sẽ gặp không ít khó khăn khi tham gia các hiệp định, dự án đầu tư, nhất là dự án FDI phải được đánh giá yếu tố tác động đến Quốc phòng, An ninh. Lúc này Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thể chế, xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh để có một xã hội mạnh. Qua đó, phát huy trí tuệ của mọi thành viên trong xã hội, đẩy mạnh chống tham nhũng, phát triển mạnh kinh tế tư  nhân, tạo nên một lực lượng doanh nghiệp vững mạnh, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, tạo cơ sở cho độc lập tự chủ về chính trị và đối ngoại.

 Ông Tuyển cũng khẳng định, Hội nhập là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới, nước ta cần chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng cũng như việc tăng cường ký kết và thúc đẩy đàm phán các định chế hội nhập hơn nữa là rất cần thiết. Sau khi gia nhập WTO, nước ta đã tham gia vào 11 hiệp định MDTD song phương và khu vực đang có hiệu lực hoặc đã kết thúc đàm phán, hiện nay Việt Nam đang đàm phán  Hiệp định MDTD với hiệp hội MDTD Châu Âu. Có thể nói Việt Nam là nước tham gia vào nhiều hiệp định MDTD thuộc hàng đầu thế giới và được đánh giả là nền kinh tế có độ mở rất lớn...

Quang cảnh Diễn đàn

Các đại biểu tham dự diễn đàn đã đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Hội nhập của Việt Nam vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cơ hội và thách thức trong việc mở rộng thị trường, tiếp cận nguồn vốn, đầu tư, công tác quản lý cũng như cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp để hội nhập... Các đại biểu đều nhất trí, việc tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới sẽ tạo cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức phải đối mặt, tuy nhiên thách thức chính là cơ hội để phát triển bứt phá. Sự ra đời của các Hiệp định thương mại chính là sự cạnh tranh quyết liệt của mọi quốc gia, trong khi trình độ và chất lượng của nền kinh tế Việt Nam đang ở mức khá thấp, năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp đều khá hạn chế, kể cả trình độ chuyên môn-kỹ thuật và ý thức tổ chức-kỹ luật, tác phong lối sống công nghiệp đều còn ở mức thấp, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu ổn định, thiếu nhất quán, chưa tạo được bước đột phá trong huy động, có thể nói đây là thách thức lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam khi tham gia vào các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Nếu Việt Nam tận dụng được cơ hội và vượt qua được các thách thức thì sẽ gặt hái được nhiều thành công khi tham gia các Hiệp định thương mại thế hệ mới. Còn ngược lại Việt Nam dễ bị rơi vào tình trạng tụt hậu.