18/04/2024 lúc 15:36 (GMT+7)
Breaking News

Hiện đại hóa giáo dục trong tư duy đổi mới

VNHN - Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường nghe nói “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế”, hay “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ít ai nói đến “hiện đại hóa nền giáo dục”. Đất nước ta ngày càng phát triển, công nghệ thông tin ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong từng lĩnh vực của cuộc sống. Trong khi giáo dục của chúng ta lại chưa bắt kịp “hơi thở của thời đại”, nhất là trong giáo dục đại học.  

VNHN - Từ trước đến nay, chúng ta vẫn thường nghe nói “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế”, hay “công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ít ai nói đến “hiện đại hóa nền giáo dục”. Đất nước ta ngày càng phát triển, công nghệ thông tin ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong từng lĩnh vực của cuộc sống. Trong khi giáo dục của chúng ta lại chưa bắt kịp “hơi thở của thời đại”, nhất là trong giáo dục đại học.  

Xét về mặt lịch sử, nền giáo dục đại học đã xuất hiện ở nước ta cách đây cả gần nghìn năm, từ năm 1070, dưới triều vua Lý Nhân Tông khi Quốc Tử Giám được xây dựng dùng làm nơi mở khoa thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước và đây được coi là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Cho đến nay, lịch sử giáo dục đại học Việt Nam đã trải qua các thời kỳ khác nhau: Phong kiến, thuộc địa, chủ nghĩa thực dân mới (ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975) và sự nghiệp giáo dục đại học từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay. Nền giáo dục đại học cách mạng đến nay đã trải qua 70 năm và đạt được những thành tựu to lớn, trong đó quan trọng nhất là đã góp phần tạo ra các thế hệ nguồn lực con người Việt Nam, nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, nền giáo dục của nước ta đã bộc lộ những bất cập và hạn chế cần được khắc phục để bắt nhịp được với yêu cầu phát triển của nền kinh tế tri thức.        

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: Cần phải “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân”. Có thể xem đây là một trong những  nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển đất nước. Điều này đặc biệt quan trọng nhằm tận dụng thế mạnh của Việt Nam trong giai đoạn “dân số vàng” và vừa thoát ngưỡng thu nhập thấp; và quan trọng hơn nữa khi thực trạng giáo dục đào tạo và chất lượng nguồn nhân lực hiện nay đang gặp phải những  vấn đề vừa yếu vừa thiếu. Điều này cũng được chỉ rõ trong văn kiện Đại hội Đảng XI: “Giáo dục và đào tạo có tiến bộ trên một số mặt, nhưng còn nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc cho xã hội… Quản lý nhà nước về giáo dục còn lúng túng… Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển”.

Ngày nay, những thiết bị điện tử thông minh, những chiếc “smart phone” đã giúp đỡ chúng ta trong công việc, thu ngắn khoảng cách trong giao tiếp. Sự thay đổi trong cung cách làm việc đáng lẽ phải là tiền đề cho sự đổi mới giáo dục, nhưng giáo dục lại chưa bắt kịp được sự đổi mới đó. Nhiều trường đại học thường rơi vào tình trạng cố tuyển cho nhiều sinh viên, tính cạnh tranh giữa các thí sinh không cao, có khi trên 10 điểm một chút cũng có thể vào học đại học. Điều đó dẫn đến chất lượng sinh viên kém và khi ra trường, rất nhiều người bị thất nghiệp do không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Điều này cũng cho thấy giáo dục Việt Nam chưa phát triển đầy đủ. Để nâng cao chất lượng đào tạo, giáo dục đại học, cao đẳng của nước ta vừa phải phát triển,vừa phải thay đổi cho phù hợp với sự phát triển chung của xã hội và yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Nước ta đang thực sự khát nhân lực chất lượng cao và có chuyên môn giỏi. Nhưng giáo dục lại không gắn được với thực tiễn đó, trường học chưa bắt tay được với doanh nghiệp. Để đáp ứng được nguồn nhân lực có chất lượng, trường học cần triển khai theo phương pháp mới, dạy học phải quan tâm đến chất lượng đầu ra chứ không phải số lượng đầu vào. Theo thống kê năm 2019, Việt Nam có số dân đông thứ 14 trên thế giới, đứng thứ 3 Đông Nam Á, nếu các bước đã đi đúng đắn, Việt Nam có quyền kỳ vọng vào năm sau (2020) sẽ có một dịch chuyển quan trọng - như một mục tiêu chiến lược - biến dân số đông từ gánh nặng kinh tế xã hội thành ưu thế cạnh tranh - để đưa đất nước lên vị trí xứng đáng. Nhưng, để thực hiện được điều này, trước hết là cần sự đổi mới từ trong giáo dục, để đào tạo ra được một thị trường lao động vàng về cả số lượng và chất lượng.

Việc đổi mới cơ bản, toàn diện giáo dục đào tạo bắt đầu từ đổi mới tư duy, đổi mới quản lý. Nhưng để đổi mới một cách đúng đắn phải bắt đầu từ công việc mang tính cơ bản là xem xét và thay đổi kiến trúc của hệ thống giáo dục đào tạo của nước ta. Thiếu một kiến trúc hợp lý, việc đổi mới giáo dục sẽ tiếp tục mang tính chắp vá.

Cải cách giáo dục theo hướng hiện đại hoá là một việc lớn, có ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ xã hội nên cần có kế hoạch chu đáo, được nghiên cứu và chuẩn bị kỹ để thực hiện từng bước, từng bộ phận, trong một lộ trình thống nhất, tránh đột ngột và xáo trộn gây căng thẳng trong xã hội. Nhưng trong thời gian chuẩn bị (vài ba năm), phải giải quyết ngay một số vấn đề cấp bách để tạo cơ sở và mở đường chuyển dần sang cải cách. Bao trùm trên hết là chính sách phát triển nguồn nhân lực và tài năng để phục vụ công cuộc phát triển của đất nước, thể hiện trong việc hiểu và thực thi chủ trương coi phát triển giáo dục và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu. Lời nói phải đi đôi với hành động; Chủ trương, chính sách phải được cụ thể hóa và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Có như vậy, công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục đào tạo mới thành công.