19/04/2024 lúc 22:03 (GMT+7)
Breaking News

Hiểm họa từ những "hố tử thần" sau khai thác khoáng sản

VNHN - Hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản là nghĩa vụ của bất cứ doanh nghiệp nào sau khi hết hạn khai thác các mỏ khoáng sản, đất, đá. Thế nhưng, nhiều năm qua ở không ít địa phương, nhiều đơn vị chây ỳ, khiến môi trường không được phục hồi và gây ảnh hưởng đời sống người dân.

VNHN - Hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản là nghĩa vụ của bất cứ doanh nghiệp nào sau khi hết hạn khai thác các mỏ khoáng sản, đất, đá. Thế nhưng, nhiều năm qua ở không ít địa phương, nhiều đơn vị khai thác chây ỳ, trốn tránh để lại những "hố tử thần" lớn nhỏ, không những khiến môi trường không được phục hồi mà còn gây ảnh hưởng đời sống người dân.

Tai họa rình rập

Tại xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn) để chứng kiến nỗi hoang mang của người dân khi tình trạng trâu bò, gia súc rơi xuống các hố sâu sau khai khoáng đã diễn ra nhiều năm, nhưng vẫn chưa có cách giải quyết. Hàng trăm moong khai thác có độ sâu hàng chục mét đã trở thành những hố “tử thần” nằm rải rác trên sườn núi. Ông Triệu Văn Quý, ở thôn Phja Khao, xã Bản Thi, thốt lên: “Quặng đã khai thác hết, hầm hố không được san lấp trở thành mồ chôn của hàng chục con trâu, bò của người dân thôn Phja Khao rồi!”. Chị Phùng Thị Huyền, Trưởng thôn Phja Khao, cũng phải chịu nỗi xót xa khi hai con bò chết do rơi xuống moong sâu.

Chị nói: “Số lượng trâu, bò, gia súc chết vì sa hố ở đây cứ tăng hằng năm. Nhiều hộ phải tự làm những hàng rào tạm bợ để bảo vệ tài sản của mình, nhưng do mưa nắng, hàng rào cũng rất nhanh hỏng”. Từ năm 1985, nhiều bãi chăn thả của người dân được Tổng cục Địa chất cấp phép cho Xí nghiệp Kẽm chì Bản Thi, Công ty Kim loại Màu Bắc Kạn… khai thác khoáng sản. Suốt từ đó đến nay năm nào ở khu vực này cũng có trâu, bò chết. Nhà nhiều thì năm đến bảy con, nhà ít cũng vài ba con. Doanh nghiệp (DN) đang được cấp phép khai thác là Công ty Kim loại Màu Bắc Kạn đã dựng những hàng rào dây thép gai, đào hào, rãnh để ngăn trâu, bò. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp tình thế, không mấy hiệu quả.

“Hố tử thần” ở xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn (Bắc Cạn).

Cũng tại Bắc Cạn, người dân xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn) còn phải chịu một nỗi lo khác. Đơn vị khai thác khoáng sản không chỉ chậm hoàn thổ, mà còn xả thải ra môi trường nhiều chất độc hại. Như trong khu vực mỏ Nà Diếu đã phát hiện tồn dư chất xyanua. Khu mỏ này đã đóng cửa được hơn hai năm nay, nhưng từ ngày 4-4 đến ngày 8-4-2019, tại khu vực mỏ đã có sáu con trâu, bò của người dân thôn Nà Kéo và Cò Luồng bị chết sau khi uống nước tại một vũng nước nhỏ trong khu vực mỏ. Theo đại diện Công ty CP Kỹ thuật và Phân tích môi trường, mẫu đất trên diện tích khu vực trâu, bò chết có mùi khó chịu, mầu xanh. Kết quả phân tích cho thấy, thông số xyanua cao hơn so với ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, các mẫu nước tại vũng nước cách vị trí trâu, bò chết 15 m; tại bể thử nghiệm nằm trong diện tích đất thuê của Công ty TNHH Hoàng Ngân để xây dựng công trình phụ trợ; tại lán lá cọ đã tháo dỡ… cũng đều phát hiện có chất xyanua và asen cao hơn mức độ cho phép nhiều lần. Trong khi đó, theo Công an huyện Ngân Sơn, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) phân tích các mẫu chất trong dạ dày, nội tạng của sáu con trâu, bò chết đều phát hiện chất cực độc xyanua. Chưa kể sát khu vực mỏ, trên đỉnh núi còn có nhiều bể ngâm, ủ quặng dung tích lớn, chứa đầy nước hiện vẫn chưa được lấp đi, trở thành “bẫy” gia súc, rất nguy hiểm.

Một mỏ đất công ty quên hoàn thổ.

Ông Hoàng Văn Ngân, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Quan (huyện Ngân Sơn), bày tỏ: Lợi ích trong khai thác khoáng sản đâu chưa thấy nhưng hậu quả để lại cho người dân là rất nặng nề. Không chỉ thờ ơ trách nhiệm hoàn thổ, một thực tế lo ngại hiện nay là các DN còn chây ỳ trong nghĩa vụ nộp thuế, phí. Đơn cử như Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Vạn Lợi (nay là Công ty cổ phần Khoáng sản và Gang thép Kim Sơn), đơn vị đã được tỉnh Bắc Cạn ưu ái cấp quyền khai thác nhiều mỏ khoáng sản, trong đó tiêu biểu là mỏ sắt Sỹ Bình. Đến nay quặng đã hết, mỏ chưa hoàn thổ thì đơn vị này đã… bặt tăm, để lại khoản nợ tỉnh Bắc Cạn đến gần 20 tỷ đồng.

Tại tỉnh Hà Giang, từ năm 2014 đã diễn ra tình trạng nhiều DN khai khoáng “bỏ của chạy lấy người”, khi dùng máy móc đào bới rừng núi rồi không hoàn thổ, khiến nhiều con suối bị nghẽn dòng ở các huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Bắc Mê. Chính quyền cơ sở đành phải vận động nhân dân tự cải tạo nương, dọn dẹp những khu đất đá nhỏ bị đào bới. Đến thời điểm này, trong tổng số 25 dự án hết hiệu lực trên địa bàn tỉnh Hà Giang, mới chỉ có hai đơn vị thi công xong đề án đóng cửa mỏ và được UBND tỉnh quyết định đóng cửa mỏ; tám dự án chưa tiến hành khai thác mỏ. Nhiều dự án còn hạn khai thác theo giấy phép, nhưng do làm ăn thua lỗ đã đi khỏi địa phương, không hoàn thổ. Điển hình là các doanh nghiệp: Hợp tác xã TTCN 3/2 - mỏ antimon Bản Trang, xã Xín Cái và mỏ antimon Phe Thán, xã Sơn Vĩ (huyện Mèo Vạc); Công ty cổ phần Thiên Phú Sơn - mỏ Antimon Bản Đáy, xã Lạc Nông (huyện Bắc Mê).

 Mỏ đá Hóa An hậu khai thác trở thành nơi đổ rác thải và nguy hiểm cho tính mạng con người.

Địa phương than khó

Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, trong thời gian sáu tháng kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực, DN phải di chuyển tài sản còn lại của mình và của các bên liên quan ra khỏi khu vực khai thác khoáng sản và thực hiện nghĩa vụ liên quan đến đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Vậy nhưng, trước hiện trạng các DN chây ỳ, không thực hiện đúng nghĩa vụ ở nhiều địa phương như vậy, trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng dường như lại rất khó xác định?

Ông Đặng Văn Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Giang, cho hay: “Các dự án khai thác khoáng sản khi giấy phép khai thác chấm dứt hiệu lực đều được Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang ban hành thông báo yêu cầu DN dừng mọi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại mỏ và lập thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định. Sở đã nhiều lần chủ trì, phối hợp các sở, ngành và UBND cấp huyện liên quan làm việc với các DN, xử phạt, tuy nhiên công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Về quy trình và biện pháp chế tài xử lý hành vi vi phạm không đóng cửa mỏ khoáng sản đối với các DN vi phạm còn bất cập, khó thực hiện, một số cố tình trốn tránh không đến làm việc với cơ quan quản lý; DN ở các tỉnh, thành phố khác nay đã thay đổi địa chỉ trụ sở…”. Tháng 11-2015, lãnh đạo Sở TN&MT Hà Giang đã xác định đây là công tác vô cùng khó khăn và hệ lụy từ ô nhiễm do khai thác khoáng sản không thể đong đếm được. Ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở TN&MT Hà Giang còn nêu: Hoạt động khai thác gây ô nhiễm là bất khả kháng, nhưng Hà Giang phải phát huy lợi thế nhằm phát triển kinh tế.

Ông Đặng Văn Thủy thì hứa: "Thời gian tới đối với các chủ dự án cố tình chây ỳ không thực hiện lập thủ tục đóng cửa mỏ, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và UBND huyện liên quan tiến hành làm việc, xử lý vi phạm, bằng các biện pháp như cưỡng chế, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền phong tỏa tài khoản, mã số thuế... để xử lý dứt điểm tình trạng trên theo đúng quy định".

Phải chăng các cơ quan chức năng của các địa phương có hoạt động khai thác khoáng sản vẫn chưa tìm được hay chưa muốn tìm giải pháp hiệu quả, quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong việc quản lý hoạt động này (?).

Khu vực mỏ Lèn Chùa đang nham nhở đá, tạo hố nước sâu.

Trong khi đó, người dân khu vực các mỏ đã khai thác vẫn đang phải chịu rất nhiều hệ lụy do ô nhiễm cùng những thiệt hại về tài sản bởi sự vô trách nhiệm của các DN. Hơn lúc nào hết, người dân ở các địa phương này rất mong chờ vào việc xử lý dứt điểm từ phía cơ quan chức năng và các đơn vị khai thác.