29/03/2024 lúc 08:10 (GMT+7)
Breaking News

Hệ thống điện mặt trời và những "cú hích" cần có

VNHN - Thị trường năng lượng tái tạo ngày nay đang thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng, không chỉ đem lại nhiều lợi ích kinh doanh với chi phí đầu tư và bảo trì thấp, mà còn bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ môi trường. Trong đó, việc sử dụng hệ thống điện mặt trời (ĐMT)  – một nguồn năng lượng sạch đang là xu thế tất yếu trên thế giới và ở Việt Nam. Theo đó, để tận dụng đúng, phù hợp với tình hình của các dự án về ĐMT cần có những tiêu chuẩn kỹ thuật chung.

VNHN -Thị trường năng lượng tái tạo ngày nay đang thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng, không chỉ đem lại nhiều lợi ích kinh doanh với chi phí đầu tư và bảo trì thấp, mà còn bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ môi trường. Trong đó, việc sử dụng hệ thống điện mặt trời (ĐMT)  – một nguồn năng lượng sạch đang là xu thế tất yếu trên thế giới và ở Việt Nam. Theo đó, để tận dụng đúng, phù hợp với tình hình của các dự án về ĐMT cần có những tiêu chuẩn kỹ thuật chung.

Quang cảnh buổi hội thảo.

Trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ kỹ thuật ngành năng lượng EU - Việt Nam, vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA) và GIZ tổ chức hội thảo chuyên đề chia sẻ và cung cấp cho các bên liên quan những tiêu chuẩn áp dụng cho các dự án năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Hội thảo đã chia sẻ nhiều thông tin chính bao gồm thiết bị, các vấn đề về xây dựng, lắp đặt và vận hành, các tiêu chuẩn môi trường; đồng thời cung cấp thông tin và thực hành tốt nhất về các tiêu chuẩn phù hợp trong các dự án quốc tế. Theo đó, tất cả những thông tin đều bám sát vào Thông tư mới dựa trên việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 25 và Thông tư số 39 của Bộ Công thương.

Trước đó, bà Sonia Lioret - Giám đốc Dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cũng đã từng nhấn mạnh “Nền kinh tế Việt Nam đang phát triền nhanh chóng và đang tạo áp lực mạnh mẽ lên quá trình sản xuất điện hiện đang dựa trên than đá và các nhiên liệu hóa thạch. Năng lượng mặt trời có thể là giải pháp đối với nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng ở Việt Nam. GIZ đang đánh giá tiềm năng phát triển ĐMT theo yêu cầu, tiêu chuẩn phù hợp nhất”. Trong buổi hội thảo vừa qua, GIZ cũng đã nhấn mạnh hiệu suất của hệ thống ĐMT được cụ thể hóa qua 3 phần, từ Giám sát (dựa trên hiệu suất pin quang điện) – Phương pháp đánh giá công suất – Phương pháp đánh giá điện năng.

Trên thực tế hiệu suất của một hệ thống ĐMT phụ thuộc vào thời tiết, các hiệu ứng theo mùa, và các vấn đề mang tính gián đoạn khác, vì vậy việc chứng minh rằng một hệ thống ĐMT đang vận hành theo công suất dự kiến đòi hỏi phải xác định rằng hệ thống vận hành đúng chức năng trong các điều kiện đầy đủ của khu vực lắp đặt. Nhiều khía cạnh trong hiệu suất hệ thống ĐMT phụ thuộc vào cả thời tiết và chất lượng hệ thống, vì vậy cần phải hiểu rõ về hệ thống đang được thử nghiệm.

GIZ cũng đã xác định việc đo lường hiệu suất của một hệ thống ĐMT sẽ có các kết quả khác nhau. Với các tiêu chuẩn IEC về hệ thống ĐMT cần nói đến là IEC 62446 - trình bày một quy trình để bảo đảm rằng nhà máy được xây dựng và vận hành đúng đắn; IEC 61724-1 - xác định dữ liệu hoạt động mà có thể được thu thập; IEC TS 61724-2 và ASTM E2848-11 - trình bày các phương pháp về xác định công suất của một hệ thống ĐMT; IEC 62670-2 - trình bày về cách đo lường điện năng từ một nhà máy ĐMT tập trung…

Công trình điện mặt trời "Sao Mai Solar PV1" dưới chân núi Cấm tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang của Tập đoàn Sao Mai với công suất 104MWp, đầu tư trên 3.000 tỷ đồng ... góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Việt Nam đang có lợi thế là một trong những quốc gia nằm trong dãy phân bố ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong năm trên bản đồ bức xạ mặt trời của thế giới, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, ven biển miền Trung, với số giờ nắng trung bình đạt 2.000 – 2.600 giờ/năm. Song, vẫn còn nhiều quan ngại khi việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như số giờ vận hành nguồn điện còn thấp, cơ sở hạ tầng lưới điện một số khu vực nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo chưa sẵn sàng để giải phóng công suất, yêu cầu sử dụng đất lớn (nhất là đối với các dự án ĐMT), các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện khi tỉ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng lên… Trong đó, vấn đề đang làm nhiều nhà đầu tư và người dân quan tâm nhất là chi phí lắp đặt hệ thống ĐMT ban đầu khá cao.

Đây có lẽ là vướng mắc đầu tiên khi phát triển ĐMT tại Việt Nam. Vì vậy, để theo kịp thời đại, Việt Nam có thể tham khảo các kinh nghiệm, cả thành công lẫn thất bại của các nước, điển hình như nước Đức trong quá trình phát triển ĐMT. Đồng thời, để phát triển ĐMT bền vững, Ngành cần tạo ra những “cú hích” lớn, cần xây dựng tiêu chí, quy chuẩn chung như tiêu chuẩn IEC – điều này sẽ tạo động lực quan trọng để ĐMT không chỉ phát triển mà còn phát triển bền vững, hỗ trợ vào nguồn năng lượng quốc gia phục vụ sự phát triển KT-XH. Bên cạnh đó rất cần các chính sách thông thoáng, ưu đãi của Chính phủ cho phát triển năng lượng tái tạo nói chung và ĐMT nói riêng để ngành công nghiệp này khẳng định vị thế, đáp ứng sự phát triển bền vững của xã hội./.