25/04/2024 lúc 01:25 (GMT+7)
Breaking News

Hậu dịch Covid-19: 4 vấn đề không thể không 'nằm lòng' trong thế giới 'bình thường mới'

VNHN - Không ít giấy mực viết về trạng thái “bình thường mới” sẽ xuất hiện thời kỳ hậu khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo Viện Lowy (Australia), việc điểm lại 4 vấn đề quốc tế dưới đây sẽ đem lại nhận thức cơ bản về “hình hài” của trạng thái “bình thường mới” này trong hợp tác quốc tế.

VNHN - Không ít giấy mực viết về trạng thái “bình thường mới” sẽ xuất hiện thời kỳ hậu khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Theo Viện Lowy (Australia), việc điểm lại 4 vấn đề quốc tế dưới đây sẽ đem lại nhận thức cơ bản về “hình hài” của trạng thái “bình thường mới” này trong hợp tác quốc tế.

Dịch Covid-19 cho thấy giới khoa học và chuyên gia y tế toàn cầu sẵn sàng hợp tác trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và sáng chế ra được một loại vaccine hữu hiệu.

Vấn đề quốc tế đầu tiên liên quan y tế toàn cầu. Gạt ra ngoài lời kêu gọi hiện nay của các nước như Australia nhằm làm rõ nguồn gốc, cách thức lây lan của Covid-19, nước nào cũng mong muốn có những hành động có thể dẫn dắt toàn cầu trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và sáng chế ra được một loại vaccine hữu hiệu.

Những chỉ dấu hiện nay cho thấy giới khoa học và chuyên gia y tế toàn cầu đã sẵn sàng hợp tác về vấn đề này. Mặc dù hiện chưa có nhiều thông tin chi tiết, song điều này có xu hướng phát triển tích cực. 

Vấn đề quốc tế thứ 2 là biến đổi khí hậu. Vấn đề lâu dài này vốn đã nhận được sự hợp tác quốc tế ở mức tốt nhất dù không liên tục, bất chấp khả năng xấu nhất là tầm quan trọng của vấn đề biến đổi khí hậu đã bị loại bỏ.

Giờ đây, vì các biện pháp phong tỏa được áp dụng trên khắp thế giới, bầu không khí ở New Delhi đã xanh sạch, các chỉ số ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc đã giảm. Ai đó có thể nghĩ rằng điều này có thể tạo một số động lực cho hợp tác lớn hơn về công tác kiểm soát những hoạt động của con người gây hủy hoại khí hậu.

Thế nhưng, Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, COP26, sẽ không diễn ra như dự định ban đầu là vào cuối năm 2020 tại Glasgow. Và trung tâm hội nghị này lại được chuyển đổi thành một bệnh viện tạm cho các bệnh nhân Covid-19.

Những ưu tiên về kinh tế, bao gồm đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng để tạo công ăn việc làm, sẽ phải được cân bằng với những chính sách về môi trường được đưa ra từ thời trước khi xảy ra dịch bệnh.

Giá dầu thế giới sụt giảm, gây sức ép đối với các chính sách năng lượng. Các hệ thống giao thông công cộng phải đối phó với những rủi ro của việc chuyên chở lượng lớn hành khách trên những không gian hạn hẹp, và việc ngành hàng không tạm ngừng hoạt động gây ra những thiệt hại kinh tế.

Các nước sẽ có đối sách khác nhau về vấn đề biến đổi khí hậu trong bối cảnh cần có những ưu tiên về kinh tế và việc đạt được sự đồng thuận quốc tế về biến đổi khí hậu sẽ khó khăn hơn nhiều. 

Vấn đề thứ 3 là di trú. Một trong những thành phần quan trọng nhất của toàn cầu hóa là sự dịch chuyển của con người, nhất là trong thị trường lao động. Trước thời dịch bệnh, các xu hướng dễ thấy như lao động tay nghề cao từ khắp thế giới đổ về Mỹ và châu Âu, người dân ở các quốc đảo Thái Bình Dương thì đổ về Australia và New Zealand hoặc sinh viên các nước đổ về châu Âu, Mỹ, Canada và Australia. Giờ thì những xu hướng di dân này đã sụp đổ.

Liệu xu hướng di dân này sẽ xuất hiện trở lại? Chắc chắc là không trong vòng một hoặc hai năm tới hoặc có thể lâu hơn thế. Tác động đối với các nước đang phát triển là to lớn khi tính đến tầm quan trọng của lượng kiều hối đóng góp cho nền kinh tế các nước này.

Ngoài ra, các quyết định chính sách trong lĩnh vực di dân này sẽ được sửa đổi trên diện rộng ở phạm vi quốc gia, với sự tính toán và lựa chọn giữa một khuôn khổ về sự cần thiết về nhu cầu lao động nước ngoài so với tình trạng thất nghiệp trầm trọng ở trong nước. Bên cạnh đó, xu hướng bài ngoại có thể sẽ xảy ra.

Vấn đề thứ 4 là đầu tư nước ngoài. Đây là vấn đề cốt yếu đối với toàn cầu hóa và tăng trưởng kinh tế. Khi các nước đều rơi vào suy thoái và tìm kiếm nguồn đầu tư, thì thách thức đặt ra ở đây là cần đảm bảo rằng dòng vốn đầu tư sẽ được khai thông tương đối tự do để giúp các nước phục hồi kinh tế.

Thực tế hiện nay chúng ta đang chứng kiến sự phán ứng đầu tiên là sự kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nguồn đầu tư nước ngoài. Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản và Australia, cùng các chính phủ khác, đã thắt chặt các cơ chế đầu tư của họ. Một phần của sự phản ứng này là do Trung Quốc.

Một phần vì cuộc khủng hoảng Covid-19 vốn khiến các nước cho rằng họ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát quốc gia đối với một số lĩnh vực nhất định. 

Phần lớn thỏa thuận thương mại khu vực hiện nay đều có nội dung về việc tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư nước ngoài lưu thông dễ dàng hơn. Liệu những thỏa thuận này sẽ thay đổi? Liệu các nước sẽ muốn từ bỏ một số ràng buộc và nghĩa vụ của họ đối với các đối tác thương mại trong thỏa thuận?

Cho đến thời điểm này chưa có dấu hiệu nào cho thấy những quan ngại nói trên sẽ xảy ra, song chắc chắn sẽ xảy ra trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, không phải tất cả đều tuyệt vọng. Tuyên bố về việc một số thành viên nhất định của Tổ chức Thương mại Thế giới - trong đó có EU và Trung Quốc, song không có Mỹ và Nhật Bản - đã nhất trí thiết lập một dàn xếp phân xử tạm thời là một tin tức tốt lành.

Và để khôi phục ngành du lịch, thủ tướng các nước Australia và New Zealand đã cho phép việc đi lại giữa hai nước khi cả hai đều có thể đảm bảo kiểm soát được những vấn đề y tế liên quan.

Điều này có thể tạo ra một số kích thích kinh tế cho khu vực Nam Thái Bình Dương, nếu các nước trong khu vực này cũng chịu tác động đối với nền kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Hồng Phúc