29/03/2024 lúc 16:03 (GMT+7)
Breaking News

Hát Xoan (Phú Thọ): Nét văn hoá đặc sắc có một không hai

VNHN - Hát xoan từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của người dân đất Tổ; góp phần làm nên vẻ đẹp truyền thống mang giá trị hồn cốt của dân tộc.

VNHN - Hát xoan từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc mang đậm dấu ấn của người dân đất Tổ; góp phần làm nên vẻ đẹp truyền thống mang giá trị hồn cốt của dân tộc.

Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng làng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ. Đó là tín ngưỡng phồn thực thờ trời và các thần linh cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu. Nét văn hoá đặc sắc ấy gắn liền với tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng và thờ Vua với những nghi thức hát thờ như giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám.

Màn trình diễn Hát Xoan (Ảnh: Báo Phú Thọ)

Hát Xoan Phú Thọ có nguồn gốc từ thời đại Hùng Vương, là thứ tài sản tinh thần của quần chúng nhân dân lao động, bắt nguồn từ cuộc sống của nông dân và gắn liền với các phong tục, tập quán của nền nông nghiệp lúa nước. Hát Xoan không chỉ thể hiện cho ước nguyện thỉnh cầu của người dân đến với các bậc Thánh, Thần mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Không những vậy, câu hát Xoan còn thể hiện những tâm tư tình cảm, nguyện vọng lứa đôi, là cầu nối cho sự đoàn kết dân tộc.

Hát Xoan có 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát hội (hát giao duyên). Hát nghi lễ gồm các bài: Hát chào Vua, mời Vua, Giáo trống, Giáo pháo, Thơ nhang, Đóng đám. Hát quả cách gồm 14 bài (quả là bài; cách là hình thức hát, lối hát): Kiều giang cách; Nhàn ngâm cách; Tràng mai cách; Ngư tiều canh mục cách; Đối dẫy cách; Hồi liên cách; Xoan thời cách; Hạ thời cách; Thu thời cách; Đông thời cách; Tứ mùa cách; Thuyền chèo cách; Tứ dân cách; Chơi dâu cách. Hát hội gồm nhiều bài, hát tự do phóng khoáng, nội dung các bài hát mang tính trữ tình sâu sắc: Thết trầu (còn gọi là Bợm gái); Bỏ bộ; Xin huê - Đố huê; Đố chữ; Hát đúm; Cài huê; Mò cá...

Năm 2011, UNESCO chính thức công nhận Hát Xoan Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Do đó, thời gian qua, các cấp chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Nhờ vậy, hát Xoan đến gần hơn với nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Trong đó, việc đưa hát Xoan vào chương trình dạy học được tỉnh Phú Thọ áp dụng và đã đạt được những thành công đáng kể trong việc lan toả hát Xoan đến với cộng đồng. Đưa hát Xoan vào trường học chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ xác định nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan Phú Thọ giai đoạn 2012-2015. Nhằm thực hiện hành động này, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã xây dựng chương trình dạy và học hát Xoan ở tất cả các trường học trong toàn tỉnh.

Từ những hoạt động thiết thực trên, học sinh trong toàn tỉnh không chỉ được học, hiểu và biết thêm về hát Xoan mà còn tạo điều kiện với những học sinh có năng khiếu tham gia vào các hội thi, hội diễn góp phần tuyên truyền và quảng bá hát Xoan đến với nhân dân trong và ngoài tỉnh. Với sự nỗ lực gìn giữ và phát triển hát Xoan, đến năm 2018 hát Xoan Phú Thọ sẽ được UNESCO đưa ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.