29/03/2024 lúc 12:57 (GMT+7)
Breaking News

Hạt gạo Việt với hành trình giúp doanh nghiệp vươn xa tới hội nhập

VNHN - Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo, tổ chức tại Philippines vừa qua, giống lúa ST25 của Việt Nam đã đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới.

VNHN - Tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2019 trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo, tổ chức tại Philippines vừa qua, giống lúa ST25 của Việt Nam đã đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới.

Nhiều bất cập, hạn chế

Đây là tin vui với ngành lúa gạo trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu gạo quốc gia. Tuy nhiên, để gạo Việt Nam có thể vững chắc chiếm lĩnh thị trường cạnh tranh thời hội nhập vẫn còn một hành trình gian nan phía trước. Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam không còn là câu chuyện mới. Tham gia vào hoạt động xuất khẩu gạo từ năm 1989, nhưng tới cuối năm 2018, Việt Nam mới công bố thương hiệu gạo quốc gia của riêng mình. Và dù đứng trong tốp đầu về lượng gạo xuất khẩu, song hành trình định vị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn hết sức gian nan.

Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp Chế biến lương thực cao cấp Tân Túc, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng 1 (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi công bố logo thương hiệu gạo Việt, Bộ NN&PTNT đã tiến hành đăng ký thương hiệu qua hệ thống Madrid (đăng ký nhãn hiệu quốc tế theo Nghị định thư Madrid). Nhưng để đăng ký được thì cần hoàn chỉnh hồ sơ với đầy đủ yêu cầu theo tiêu chuẩn của châu Âu. “Hiện hồ sơ chưa được thông qua, mới được cấp mã số nên thời điểm này chưa có lô gạo nào của doanh nghiệp xuất khẩu đóng logo thương hiệu gạo Việt trên bao bì", ông Nguyễn Anh Dũng thông tin. Việc không có thương hiệu không chỉ làm giảm giá trị gạo Việt Nam trên thị trường thế giới mà còn có thể kéo theo nhiều hệ lụy.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình dẫn chứng, ST24 được coi là giống gạo ngon tương đương giống ST25 mới được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, nhưng gạo ST24 khi xuất khẩu giá cao nhất là 750-800 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan với phẩm chất tương tự có giá 1.100-1.200 USD/tấn. "Gạo Thái Lan, Campuchia có giá cao là do họ làm thương hiệu tốt, trong khi gạo Việt Nam chất lượng cao nhưng giá bán vẫn thấp, dẫn đến giá trị thu về không thay đổi nhiều so với thời kỳ xuất khẩu gạo thường.

Trong khi đến nay, gần 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo chất lượng và chất lượng cao", ông Phạm Thái Bình cho hay. Về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, ngành lúa gạo cần sớm khắc phục những tồn tại từ nhiều năm qua, đó là hệ thống nguồn giống, quy trình sản xuất, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến còn hạn chế.

 Hiện sản lượng lúa giống trong nước sản xuất được mỗi năm là 300 nghìn tấn, nhưng trong đó vẫn có khoảng 150 nghìn tấn do các nông hộ sản xuất, chất lượng hạt giống chưa như mong muốn. Mặt khác, với hạt giống ưu thế lai (F1), hằng năm vẫn phải nhập khẩu khoảng 11,5 nghìn tấn, chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ. Mặt khác, đa phần nông dân canh tác lúa theo phương thức truyền thống, chỉ một số mô hình liên kết với doanh nghiệp là được kiểm soát nguồn giống, quy trình canh tác.

Bên cạnh đó, khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản lúa gạo còn nhiều hạn chế, bất cập. Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu thu hoạch trên cả nước mới đạt 50%; năng lực sấy lúa ở vựa lúa gạo lớn nhất nước là Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt khoảng 56%. Thêm vào đó, hệ thống kho chứa chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để bảo quản lúa dài ngày (từ 6 đến 12 tháng)

Đứng trong tốp đầu về lượng gạo xuất khẩu, song hành trình định vị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới vẫn gian nan. 

Giải bài toán định vị thương hiệu

Để định vị và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, kỹ sư Hồ Quang Cua - một trong ba nhà khoa học chọn tạo, nghiên cứu ra giống gạo ST25 ngon nhất thế giới cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ các nhà khoa học, doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, khảo nghiệm các giống lúa. Khi có giống lúa chất lượng cao, cần sớm công nhận giống chuẩn quốc gia để doanh nghiệp yên tâm đưa vào chuỗi sản xuất lúa gạo phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó là việc tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý tình trạng giống giả, giống kém chất lượng.

“Sau khi đoạt giải Gạo ngon nhất thế giới, giống ST25 được tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ thủ tục pháp lý để sớm được công nhận là giống cấp quốc gia. Tôi nghĩ là doanh nghiệp phải liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc hàng hóa; đồng thời hướng dẫn người trồng lúa thực hiện đúng quy trình, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây chính là tiền đề cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Và điều cốt lõi là phải coi những quy định về kỹ thuật, chất lượng là yêu cầu của người tiêu dùng chứ không phải rào cản của các thị trường nhập khẩu", kỹ sư Hồ Quang Cua bày tỏ quan điểm.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo, ông Vũ Duy Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Agricam (Cần Thơ) kiến nghị, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng các mô hình liên kết với nông dân để kiểm soát chất lượng từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, bảo quản.

Còn ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tân Long Group - một đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam lại cho rằng, sự trợ giúp của Nhà nước là rất quan trọng, nhưng doanh nghiệp cũng phải nỗ lực và chọn cho mình một khâu đột phá. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, cùng với việc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để hoàn thành các thủ tục xác nhận thương hiệu gạo Việt Nam theo quy định quốc tế, Bộ NN&PTNT sẽ rà soát lại toàn bộ việc tái cơ cấu ngành lúa gạo tại các địa phương để có định hướng sản xuất cụ thể. Về nguồn giống, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin: Đối với những bộ giống bảo đảm được các yêu cầu về chất lượng, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với địa phương đẩy mạnh việc công nhận giống cấp quốc gia và có những chính sách bảo hộ, kiểm soát.

Về vấn đề nâng cao chất lượng khâu bảo quản lúa gạo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: "Bộ NN&PTNT sẽ tiến hành rà soát hệ thống kho, cân đối nhu cầu trữ lúa - gạo tại các vùng chuyên canh để triển khai xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc có hệ thống sấy, làm sạch, cơ giới hóa, tự động hóa vận hành, nâng cao chất lượng bảo quản". Xây dựng, định vị thương hiệu gạo Việt Nam là một chuỗi khép kín, từ nguồn giống, quy trình sản xuất, công nghệ sau thu hoạch đến xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. Do vậy, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân.