18/04/2024 lúc 13:00 (GMT+7)
Breaking News

Hành trình ''thắp bình minh'' của thầy giáo Mỹ ở Việt Nam

VNHN - Alfred Meza là một thầy giáo người Mỹ hết sức đặc biệt khi đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để thắp sáng bình minh cho những hoàn cảnh đáng thương ở Việt Nam.

VNHN - Alfred Meza là một thầy giáo người Mỹ hết sức đặc biệt khi đã dành rất nhiều thời gian và tâm huyết để thắp sáng bình minh cho những hoàn cảnh đáng thương ở Việt Nam.

“Gà bắt đầu đẻ rồi mẹ ơi” - chị Hiên vừa về đến nhà sau một ngày thu mua đồng nát ở thị trấn thì được Trúc, cô con gái lớn 8 tuổi kéo thẳng vào khu chuồng trại mới xây khang trang hơn tháng trước. Nhìn những quả trứng trắng hồng nằm gọn trên khay, chị ôm con cười mà mắt ngân ngấn nước. Chỉ mới 3 tháng trước thôi, Hiên không thể hình dung ra nổi một lối thoát nào khả thi cho mấy mẹ con Hiên. May nhờ có sự giúp đỡ tận tình của Alfred Meza – một thầy giáo dạy tiếng Anh đến từ Elgin, Illinois, Mỹ, mẹ con chị đã thấy bình minh tỏa sáng. Chồng Hiên mất trong một tai nạn điện hồi năm ngoái, một mình chị vật lộn nuôi 3 con nhỏ, hai đứa sinh đôi 8 tuổi và đứa út mới lên 5.

Không được học hành đầy đủ nên Hiên chỉ biết trông vào mấy sào ruộng cấy rẽ, lúc nông nhàn thì đi mua đồng nát, Hiên có thức khuya dậy sớm, cố gắng đến mấy cũng không lo nổi cho các con. Những ngày mưa ngồi trên giường nhìn thẳng ra vách gò chắn sau lưng nhà, qua những lỗ thủng toác trên tường đất, chị thấy dường như đời mình không còn lối thoát. Đến khi Chi, cô con gái út phải đi mổ mắt, Hiên quyết định gửi bọn trẻ cho ông bà ngoại, theo bạn ra Hà Nội rửa bát thuê, biết đâu thu nhập sẽ khá hơn. “Chúng tôi sẽ giúp em, tôi hứa” - Alfred Meza, thầy giáo dạy tiếng Anh đến từ Elgin, Illinois, Mỹ khẳng định sau khi nghe câu chuyện của Hiên.

Alfred Meza và Bella Nguyễn, một thành viên thuộc Dự án LoHi tới thăm nhà chị Hiên trong một chiều cuối thu se lạnh, sau khi vừa kết thúc chương trình tặng bò cho một gia đình cháu bé mồ côi khác ở xã Yên Thái, cùng huyện Văn Yên, Yên Bái. Nghe lời giới thiệu ban đầu, rằng dự án đang xúc tiến việc hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững cho hộ nghèo, chị Hiên lập tức thấy hy vọng lóe lên trong đời. Hoàn cảnh của chị Hiên có thể chạm tới lòng trắc ẩn sâu thẳm trong bất cứ con người nào, nhưng đối với Alfred, Alfred còn nhìn nó bằng con mắt nhân văn khác.

Từ khi quyết định bắt đầu Dự án LoHi ở Yên Bái, anh đã lặn lội cùng Lê Mạnh Hùng, cộng tác viên ở địa phương đi khảo sát nhiều hộ gia đình có trẻ mồ côi ở nhiều xã khác nhau, gia đình nào cũng có khó khăn riêng. Nhưng khi tới gia đình chị Hiên, Alfred tin rằng đó phải là trường hợp được ưu tiên giải quyết trước, vì 3 đứa trẻ đã mồ côi cha cần được sống cùng với mẹ. Sau khi tìm hiểu kỹ điều kiện và mong muốn của gia đình, tham khảo ý kiến của chuyên gia địa phương, Alfred quyết định chọn mô hình phát triển kinh tế bền vững cho mẹ con chị Hiên là nuôi đàn gà lấy trứng với quy mô ban đầu 100 con. Dự án sẽ kêu gọi tài trợ, xây dựng cho gia đình một chuồng gà kiên cố, đảm bảo tránh được thời tiết cực đoan hay dịch bệnh ở Yên Bái.

Điều này hết sức quan trọng vì thời gian qua dịch tả lợn châu Phi đã xóa sổ gần hết đàn lợn trong vùng, còn gia cầm thả tự do cũng rất khó vượt qua được những ngày đông giá buốt trên miền núi. Đúng 1 tháng 10 ngày sau lần gặp mẹ con chị Hiên, Alfred và Dự án LoHi quay trở lại xã Yên Phú, khởi công công trình xây dựng chuồng gà ở ngay khoảnh đất bên hông nhà chị. Alfred xắn tay áo lên làm cùng với tốp thợ, không nề hà bất cứ việc gì từ chuyển gạch, trộn xi măng, đến cầm bay trực tiếp xây tường. Ba đứa trẻ lúc nào cũng quấn quít bên anh, gọi anh là “bác Alfred”. Tiếng cười, niềm vui trong ngôi nhà nhỏ lụp xụp của chị Hiên mỗi khi bình minh lên là thấy bóng “bác Alfred” đến.

Alfred trong một chuyến làm từ thiện của mình tại Việt Nam.

Một tuần sau đấy, đàn gà 100 con được thả vào chuồng, mỗi con trung bình 1,8kg được tiêm vaccine đầy đủ. “Đến tận bây giờ nghe tiếng gà cục tác báo đẻ là em lại thấy xúc động nghẹn ngào. Thấy ba đứa trẻ í ới gọi mẹ lấy trứng là em thấy hạnh phúc vỡ òa. Dự án đã mang lại cho mấy mẹ con em thứ đáng giá hơn cả một gia tài, đó là niềm tin vào lòng tốt của con người, hy vọng ở tương lai” - chị Hiên mỉm cười. “Nếu chỉ có mình tôi, thì dù cố gắng đến thế nào, dự án không thể đạt được các bước tiến triển như ngày hôm nay”, Alfred Meza tâm sự.

Quả thực, để anh có thể tiến hành chương trình đầu tiên của LoHi chỉ 25 ngày sau khi đặt chân đến Hà Nội, phải nhờ đến sự chung tay góp sức của rất nhiều người, cả ở Mỹ và Việt Nam. Song trên hết, vẫn phải khẳng định rằng mục đích đầy tính nhân văn của dự án và tâm hồn cao đẹp của Alfred chính là những yếu tố chính tạo nên sức hút, đưa mọi người đến với anh. Dự án LoHi (Low Overhead-High Impact) theo tiếng Việt nghĩa là Đầu tư thấp nhưng mang lại Ảnh hưởng lớn lao. Không phải duy trì bộ máy cồng kềnh, dự án dành tất cả số tiền mà các nhà hảo tâm ở cả Mỹ và Việt Nam ủng hộ vào các chương trình; còn những người trực tiếp tham gia điều hành, hoạt động đều dựa trên tinh thần tình nguyện 100%.

Và tất cả đều minh bạch. “Dù những khoản ủng hộ của các nhà hảo tâm rất quan trọng, nhưng chúng tôi không dựa hoàn toàn vào đó”, Alfred chia sẻ thêm. Một nguồn chính yếu khác cho dự án là khoản thù lao anh nhận được từ các lớp tiếng Anh buổi tối. Sau đó, khi một người bạn ở Hawaii tổ chức bán quần áo cũ góp tiền xây chuồng gà cho chị Hiên, ý tưởng bán sách ở Việt Nam để gây quỹ ra đời. Với mỗi cuốn sách được bán đúng giá bìa, nhóm thu được ít nhất 40.000 đồng nhờ khoản tiền mà công ty phát hành chiết khấu. Không ngờ khi ý tưởng được thực thi, đã có rất nhiều người ủng hộ. Các đơn hàng đến ngày một nhiều hơn, Alfred tranh thủ mọi thời gian có thể để làm “shipper”, vừa tiết kiệm tối đa cho dự án, vừa có thể gặp và trực tiếp cảm ơn những người đã mua sách để ủng hộ chương trình.

Rồi tới lúc chủ quán trà Vô Vi gợi ý sẽ trích lãi suất bán hàng cho LoHi, Alfred xoay sang thêm cả việc bán trà… Dù lúc nào cũng bận rộn, nhưng Alfred tin rằng mình đang sống những ngày ý nghĩa nhất cuộc đời. Tính “bền vững” và nhân văn của Dự án LoHi không chỉ nằm ở chỗ tạo sinh kế lâu dài cho người thụ hưởng, mà nó còn tạo điều kiện cho chính người thụ hưởng tiếp tục giúp đỡ những người khác trong hoàn cảnh khó khăn tương tự. Trong đàn gà tặng cho nhà chị Hiên còn có 10 con gà trống. Từ những quả trứng ban đầu, chị Hiên sẽ cho ấp để gây thêm một đàn gà khác 20 con, sau này tặng lại cho một hộ khác mà dự án chỉ định. Cứ thế, câu chuyện về tình yêu thương đùm bọc, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống sẽ lan rộng mãi.