29/03/2024 lúc 21:47 (GMT+7)
Breaking News

Hàng ngàn ha lúa và hoa màu thiệt hại do lũ về nhanh

VNHNO - Lũ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang về nhanh với mực nước cao hơn 1m so với cùng kỳ năm 2017 khiến nhiều người dân "trở tay không kịp". Hàng ngàn diện tích lúa, hoa màu đã thiệt hại và đe doạ thiệt hại.

VNHNO - Lũ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang về nhanh với mực nước cao hơn 1m so với cùng kỳ năm 2017 khiến nhiều người dân "trở tay không kịp". Hàng ngàn diện tích lúa, hoa màu đã thiệt hại và đe doạ thiệt hại.

Cường suất lũ về nhanh đã gây thiệt hại cho người dân các tỉnh đầu nguồn như Đồng Tháp, Long An, An Giang...

Theo dự báo của các ngành chức năng, đỉnh lũ vùng đầu nguồn sông Cửu Long, vùng hạ lưu sông và khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên có thể ngang và vượt qua mức báo động 3. Hiện tổng lượng nước của khu vực trong tháng 8 đã tăng từ 20-40% so với trung bình nhiều năm, một số điểm còn lớn hơn tổng lượng nước năm 2000.

"Lúa hè thu toàn vùng ĐBSCL hiện đã thu hoạch gần 1 triệu ha, đạt hơn 60%. Điều quan tâm là số diện tích lúa chưa thu hoạch khoảng 311.666 ha thuộc các tỉnh đầu nguồn lũ như An Giang, Đồng Tháp, Long An... đang bị đe doạ. Riêng tại tỉnh Kiên Giang, hơn 1.200 ha lúa ở huyện Giang Thành đang bị đe doạ gây thiệt hại nặng nếu nước lũ tiếp tục lên nhanh", ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho hay.

Số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, tính đến thời điểm đầu tháng 9, các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống gần 450.000 ha lúa vụ thu đông, đạt hơn 60% kế hoạch. Hầu hết diện tích xuống giống đều nằm trong vùng đê bao bảo đảm an toàn khi lũ về. Tuy nhiên, tại các tỉnh đầu nguồn bao gồm An Giang, Đồng Tháp và Long An có khoảng 35.000 ha có khả năng bị ảnh hưởng khi lũ vượt mức báo động 2.

Tại tỉnh An Giang, hiện có khoảng 1.350 ha vùng ngoài đê bao phía Bắc kênh Vĩnh Tế thuộc huyện Tri Tôn đang bị ảnh hưởng do lũ. Đến nay con số thiệt hại đã lên hơn 630 ha lúa thu đông và nếu lũ diễn ra như dự báo, số diện tích còn lại sẽ bị thiệt hại.

Còn tại tỉnh Kiên Giang, do nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, đã có hơn 1.100 ha lúa và hoa màu không có đê bao, bờ bao bảo vệ bị thiệt hại. Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, đến trung tuần tháng 9/2018, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên mức báo động 3 sẽ có khoảng 74.000 ha lúa hè thu và thu đông bị ảnh hưởng ngập lũ do đê bao, bờ bao thấp, yếu. Số diện tích bị thiệt hại hầu hết tập trung ở khu vực Tứ giác Long Xuyên thuộc các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất...

Có hơn 20 năm sinh sống ở huyện đầu nguồn An Phú (An Giang), anh Nguyễn Văn Thịnh ở xã Khánh Bình đang lo lắng với cơn lũ năm nay. Khác với dự đoán của anh về một mùa lũ thấp như 2 - 3 năm trước, ngay đầu tháng 7 âm lịch nước đã ngập lênh láng, uy hiếp trực tiếp đến 3 ha lúa hè thu đang chuẩn bị thu hoạch.

"Bỏ qua khuyến cáo của chính quyền, gia đình anh xuống giống hơn 3 ha lúa hè thu ngoài đê bao. Lũ về sớm và nhanh anh không kịp trở tay. Nhìn lúa đang chuẩn bị thu hoạch chìm trong biển nước trắng xoá mà lòng đau như cắt. Dù cố gắng hết sức, huy động tất cả con cháu trong gia đình nhưng anh cũng chỉ kịp cắt được một ít còn lại gần như bị mất trắng", anh Thịnh than thở.

Lực lượng vũ trang huyện đầu nguồn Tân Hưng (Long An) giúp người dân bơm nước cứu diện tích lúa vụ thu đông ngập úng

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, cho biết nhận định tình hình thiên tai, bão lũ năm nay diễn biến phức tạp nên tỉnh đã chủ động lên phương án ứng phó ngay từ đầu năm. Vụ thu đông năm nay, ngành nông nghiệp đã thống nhất lên kế hoạch xả lũ hơn 10.000 ha cũng như tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân không xuống giống ở những vùng đê bao không đảm bảo.

"Tuy nhiên vẫn còn tình trạng người dân chủ quan sản xuất tự phát, không theo quy hoạch và hậu quả là khi lũ về sớm đã gánh thiệt hại. Riêng diện tích sản xuất vụ thu đông nằm trong vùng đê bao, tỉnh đã lên phương án ứng phó, cũng như triển khai các biện pháp gia cố bờ bao tập trung phương tiện, lực lượng ứng trực bảo vệ", ông Trần Anh Thư nói thêm./.

Theo baotintuc.vn