19/04/2024 lúc 19:22 (GMT+7)
Breaking News

Hàn Quốc tăng cường năng lực phòng thủ dưới nước

VNHNO - Qua việc hạ thủy chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên trong dự án tỷ đô mới đây, Hàn Quốc đang thể hiện rõ nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ dưới nước của mình.

VNHNO - Qua việc hạ thủy chiếc tàu ngầm nội địa đầu tiên trong dự án tỷ đô mới đây, Hàn Quốc đang thể hiện rõ nỗ lực tăng cường năng lực phòng thủ dưới nước của mình.

Geobukseon thời hiện đại

Trong một bức thư gửi cho tờ The London Times tháng 12-1913, Đô đốc Hải quân Anh Percy Scott dự báo: “Giống như ô tô thay thế dần những chiếc xe ngựa trên khắp mọi nẻo đường, tàu ngầm sẽ thay thế các chiến hạm trên biển”. Trên thực tế, việc sở hữu một hạm đội tàu ngầm giờ đây không chỉ dành riêng cho một số ít cường quốc quân sự.

Theo Tạp chí National Interest, trước đây, hải quân không phải là lực lượng được Hàn Quốc ưu tiên phát triển. Cho đến năm 1976, Hàn Quốc chỉ có vài tàu khu trục, hộ tống, quét mìn, tuần tra và đổ bộ. Tới tháng 2-1988, chính phủ Hàn Quốc mới bắt đầu thành lập lực lượng tàu ngầm. AFP cho biết, hiện Hàn Quốc đang sở hữu 18 tàu ngầm có trọng tải 1.200 tấn và 1.800 tấn, được lắp đặt nhờ sự hỗ trợ công nghệ của các công ty công nghiệp quốc phòng Đức. Năm 2007, Seoul đã bắt đầu triển khai dự án Changbogo-III nhằm tự sản xuất 9 tàu ngầm có trọng tải 3.000 tấn. Dự án trị giá 2,97 tỷ USD này dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2023.

Theo Yonhap, Dosan Ahn Chang-ho là tàu ngầm đầu tiên của Hải quân Hàn Quốc trong dự án Changbogo-III được đóng mới nhờ sự kết hợp của các công nghệ tiên tiến nhất. Tàu chạy bằng điện-diesel, chiều dài 83,3m, rộng 9,6m, có sức chứa 50 người. Tàu được trang bị 6 ống phóng thẳng đứng có khả năng phóng các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình, có thể hoạt động dưới nước trong vòng 20 ngày liên tục không nổi.

Tàu ngầm Dosan Ahn Chang-ho. Ảnh: Yonhap.

Thông cáo của Hải quân Hàn Quốc nhấn mạnh Dosan Ahn Chang-ho là vũ khí chiến lược quốc gia, có khả năng đối phó với mọi mối đe dọa và sẽ giúp nâng cao năng lực phòng vệ của lực lượng này. Yonhap dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gọi Dosan Ahn Chang-ho là một Geobukseon (tàu rùa) thời hiện đại. Là những tàu chiến bọc sắt đầu tiên trên thế giới, Geobukseon với dáng khum khum như thân rùa, nóc tàu bọc các tấm thép, lởm chởm như những mai rùa, được coi là biểu tượng lịch sử của người dân trên bán đảo Triều Tiên. “Đô đốc Yi Sun-shin (1545-1598) đã nâng cao sức mạnh hải quân bằng việc phát minh ra tàu rùa và các tàu chiến khác khi mà không ai nghĩ tới chuyện chuẩn bị cho trường hợp đất nước bị xâm lược.

Ông ấy đã cứu đất nước bằng cách chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Hòa bình không tự nhiên mà có. Chúng ta phải tự kiến tạo và bảo vệ hòa bình. Con đường hòa bình sẽ không kết thúc nếu chúng ta có quân đội hùng mạnh và nền quốc phòng vững chắc. Chúng ta phải tiến lên để trở lại là một cường quốc biển”, Tổng thống Moon Jae-in nêu rõ.

Dosan Ahn Chang-ho do Hàn Quốc tự thiết kế và 76% các linh kiện sử dụng cho việc đóng tàu cũng do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất. Đài KBS cho biết, việc hạ thủy Dosan Ahn Chang-ho đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 15 trên thế giới có khả năng sản xuất tàu ngầm nội địa. Dự kiến, sau khi tiến hành các cuộc thử nghiệm, Dosan Ahn Chang-ho sẽ được bàn giao cho Hải quân Hàn Quốc vào tháng 12-2020 và đi vào vận hành trong tháng 1-2022.

Răn đe hạt nhân?

Theo đánh giá của tờ Jane’s Defence Weekly, tuy ít về mặt số lượng nhưng hạm đội tàu ngầm của Hải quân Hàn Quốc đều là những “sát thủ dưới nước” hàng đầu thế giới. Chúng được trang bị những công nghệ tác chiến dưới nước tinh vi cho phép đối phó với nhiều mục tiêu cùng lúc.

Trong khi đó, Tạp chí National Interest cho rằng Hàn Quốc xem tàu ngầm là một trong những khí tài chủ lực trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Theo tạp chí này, trong trường hợp Seoul quyết định chế tạo vũ khí hạt nhân, các tàu ngầm trong dự án Changbogo-III sẽ là “địa điểm hiển nhiên tích trữ khả năng răn đe hạt nhân của Seoul, an toàn trước đạn pháo, biệt kích, thậm chí cả các cuộc tấn công hạt nhân của đối thủ". “Hạm đội tàu ngầm Hàn Quốc đã phát triển nhanh chóng, trở thành lực lượng rất uy lực. Việc đóng mới các tàu ngầm thuộc dự án Changbogo-III sẽ giúp nước này sở hữu một hạm đội mạnh và linh hoạt, có thể thực hiện các đòn tấn công thông thường lẫn răn đe hạt nhân trong tương lai”, Tạp chí National Interest nhận định.

Tuy nhiên, trên thực tế, Hàn Quốc khó có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân để trang bị cho các tàu ngầm trong dự án Changbogo-III do trở ngại lớn về mặt chính trị. Tờ Diplomat cho biết, Hàn Quốc đã phê chuẩn Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1975. Bên cạnh đó, theo một thỏa thuận hạt nhân đã được sửa đổi giữa Mỹ và Hàn Quốc ký vào năm 2015, Seoul bị cấm làm giàu urani và tái xử lý các nhiên liệu đã qua sử dụng cho mục đích quân sự. “Mỹ nhiều khả năng cũng phản đối điều đó do các quan ngại về phổ biến vũ khí hạt nhân”, tờ Diplomat nhận xét.

Theo Qdnd.vn