25/04/2024 lúc 08:50 (GMT+7)
Breaking News

Hai phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội

Mức lương hưu, trợ cấp xã hội có thể sẽ tăng 10 - 15% tùy vào thời điểm điều chỉnh tháng 7/2021 hay 1/1/2022, theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Dự thảo nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến bộ ngành,

Mức lương hưu, trợ cấp xã hội có thể sẽ tăng 10 - 15% tùy vào thời điểm điều chỉnh tháng 7/2021 hay 1/1/2022, theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Dự thảo nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến bộ ngành, người dân trong 60 ngày, tính từ 18/3. Bộ đưa ra hai phương án điều chỉnh, thực hiện từ 1/7/2021 hoặc từ 1/1/2022.

Người cao tuổi thư giãn bên Hồ Gươm. Ảnh: Giang Huy

Nếu điều chỉnh từ ngày 1/7, Bộ kiến nghị tăng 10%. Mức này được cho là để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 (GDP tăng 7,02%) và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Số người được điều chỉnh từ Ngân sách nhà nước chi trả ước tính hơn 925.000, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỷ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỷ đồng.

Nếu điều chỉnh từ 1/1/2022, mức tăng kiến nghị 15%. Mức này được Bộ Lao động lý giải đảm bảo bù đắp trượt giá duy trì giá trị của lương hưu, trợ cấp trước lạm phát và chia sẻ thành quả phát triển kinh tế ba năm liên tiếp từ 2019 đến 2021 và không thực hiện điều chỉnh lương hưu giai đoạn 2020-2021.

Theo phương án này, Ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho gần 897.000 người với kinh phí dự kiến tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỷ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả cho khoảng 2,28 triệu người với kinh phí dự kiến tăng thêm 168.000 tỷ đồng.

"Về việc lựa chọn phương án nào, chúng tôi chờ góp ý của các bộ, ngành và người dân rồi sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp bởi đây mới là dự thảo lần đầu và đang lấy ý kiến", ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết.

Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất điều chỉnh mức hưởng cho những người nghỉ hưu trước năm 1995, và đang hưởng lương hưu thấp dưới 2,5 triệu đồng. Nếu sau khi điều chỉnh mà mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng thì tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; nếu mức hưởng dao động từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng thì điều chỉnh sao cho đủ 2,5 triệu đồng.

Nếu chính sách này được thông qua, sẽ có khoảng 426.000 người thuộc tám nhóm thụ hưởng, trong đó có công chức, viên chức, người lao động; quân nhân; công an... Dự kiến kinh phí tăng thêm sau khi điều chỉnh lương hưu cho nhóm này là 348 tỷ đồng nếu điều chỉnh từ 1/7/2021; thêm 700 tỷ đồng nếu điều chỉnh từ 1/1/2022.