20/04/2024 lúc 18:45 (GMT+7)
Breaking News

Hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam trong 5 năm tới

VNHN - Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5 - 4,5%/năm.

VNHN - Theo dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5 - 4,5%/năm.

Ảnh minh họa - Internet 

Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia vừa công bố hai kịch bản dự báo  tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Theo kịch bản cao tương ứng với kịch bản cao của thế giới, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao hơn, khoảng 7,5% nếu tận dụng được công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thu hút đầu tư có sự cải thiện về quy mô và chất lượng, phát triển tốt nền tảng kinh tế hiện tại.

Tuy nhiên, với nhiều khả năng xảy ra hơn, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025; kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định, lạm phát ở mức 3,5-4,5%/năm. Năng suất lao động cải thiện hơn với tốc độ tăng khoảng 6,3%/năm. Với kết quả tăng trưởng này, đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD, đưa Việt Nam gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao.

“Việc duy trì được mức tăng trưởng 7% này cũng là một thách thức lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới đang suy thoái”, TS Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nhìn nhận tại Hội thảo Triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025: Cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Cuộc cách mạng 4.0 lan rộng và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam thông qua mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng kinh tế dự báo vẫn sẽ phụ thuộc vào khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ, trong đó quan trọng là hai nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành bán buôn, bán lẻ. Sự chuyển đổi nhanh hơn của mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả, với động lực chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gia tới.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam trong trung hạn cũng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro và thách thức. Việt Nam tiếp tục chịu tác động tiêu cực do kinh tế toàn cầu giảm tốc khi bảo hộ thương mại và xung đột thương mại gia tăng. Hoạt động xuất khẩu và đầu tư đứng trước nhiều rủi ro.

Trong nội tại nền kinh tế, các vấn đề mang tính cơ cấu như: mô hình tăng trưởng chưa thoát khỏi quán tính tăng trưởng theo chiều rộng; hiệu quả sử dụng vốn, đặc biệt là hiệu quả đầu tư công chưa cao; khả năng cạnh tranh yếu hay năng lực đổi mới sáng tạo thấp tiếp tục là những cản trở cho việc duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Dự báo của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia được đưa ra trên cơ sở đánh giá nền tảng kinh tế Việt Nam sau giai đoạn 2016-2020, xem xét các yếu tố trong và ngoài nước nhiều khả năng tác động đến nền kinh tế Việt Nam giai đoạn tới, đặc biệt là bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều cơ hội và thách thức từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nhìn chung, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã đi được gần hết chặng đường, dù còn khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Tăng trưởng GDP phục hồi rõ nét sau giai đoạn 2011 - 2015, duy trì được tốc độ cao, đặc biệt là trong các năm 2017 - 2019 trong bối cảnh kinh tế thế giới và hầu hết quốc gia tăng trưởng chậm lại.

Nhìn từ phía cung, khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ là hai khu vực dẫn dắt tăng trưởng chung, bù đắp cho sự giảm sút của khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản do đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là vào các năm 2016 và 2019.

Từ phía cầu, tăng trưởng kinh tế cao nhờ tiêu dùng tăng cao hơn và thặng dư thương mại lớn hơn giai đoạn trước.

Không chỉ được hỗ trợ bởi sự gia tăng về quy mô của các yếu tố sản xuất, tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 còn được thúc đẩy bởi sự cải thiện của năng suất và hiệu quả. Với năng suất lao động cao hơn, hiệu quả đầu tư cải thiện hơn giai đoạn trước. Nền tảng kinh tế vĩ mô được củng cố với lạm phát ở mức thấp (dưới 4%).

Tuy nhiên, nhìn chung mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 vẫn chưa có sự thay đổi rõ nét. Tăng trưởng vẫn chủ yếu phụ thuộc vào vốn (tỷ lệ vốn đầu tư/GDP vẫn ở mức cao, trung bình 33,5%), đóng góp của nhân tố vốn trong tăng trưởng vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 55%).

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch quá nhanh sang khu vực dịch vụ trong khi nền tảng công nghiệp còn yếu. Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, tính chất gia công còn lớn. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao đóng góp còn thấp, chi phí dịch vụ logistic còn cao. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc và nhóm hàng do doanh nghiệp FDI dẫn dắt. Kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu không tăng tương ứng.

Các doanh nghiệp trong nước đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu. Năng lực đổi mới sáng tạo chưa được cải thiện nhiều và vẫn là điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của Việt Nam khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.