19/03/2024 lúc 16:58 (GMT+7)
Breaking News

Hải Dương: Rượu Phú Lộc - đặc sản bậc nhất xứ Đông

VNHN - Xứ Đông không chỉ được biết đến với các sản vật văn hóa hay những loại hoa quả đạm tình người dân nơi đây mà còn được biết đến với đặc sản rượu Phú Lộc. Nghề nấu rượu ở thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng có lịch sử 500 - 600 năm nay.

VNHN - Xứ Đông không chỉ được biết đến với các sản vật văn hóa hay những loại hoa quả đạm tình người dân nơi đây mà còn được biết đến với đặc sản rượu Phú Lộc. Nghề nấu rượu ở thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, Cẩm Giàng có lịch sử 500 - 600 năm nay.

Hiện nay, thôn Phú Lộc có hơn 1.200 hộ trong đó gần 300 hộ làm nghề nấu rượu. Nghề này đã trở thành nét văn hóa, hồn cốt của quê hương. Trong làng chỉ có 3 hộ làm được loại men gia truyền của các cụ ngày xưa. Men không chỉ bán cho các hộ trong làng mà người dân ngoài tỉnh cũng tìm đến mua. Nhưng cũng là men, loại gạo, quy trình nấu đó nhưng sang vùng đất khác, rượu uống không được êm như rượu nấu ở Phú Lộc. Nhiều người có kinh nghiệm cho rằng đó là do nguồn nước của mỗi địa phương khác nhau.

Gạo để nấu rượu Phú Lộc thường là nếp cái hoa vàng, một giống lúa nếp truyền thống được gieo cấy tại các huyện Kinh Môn, Kim Thành. Rượu Phú Lộc nổi tiếng khắp vùng và được mọi người nhớ đến bởi đặc trưng của rượu trong suốt, tinh khiết, đậm đà, ngan ngát thơm mùi cốm nếp, mặc dù nồng độ thường rất cao nhưng khi uống lại rất êm và không sốc. Theo những người làm nghề nơi đây, độ ngon của rượu phụ thuộc vào nguyên liệu và kinh nghiệm.

Rượu Phú Lộc được nấu từ gạo nếp cái hoa vàng và men Bắc. Men Bắc được làm từ gạo và 32 vị thuốc Bắc như lục đậu, thảo quả, quế hồi, đinh hương…Sau giai đoạn lên men giữa gạo nếp và men ủ sẽ là quá trình chưng cất phức tạp qua một hệ thống lọc và xử lý độc tố đa tầng. Nhờ hệ thống này mà rượu giữ được hương vị thơm ngon, lại không ảnh hưởng đến sức khỏe, khi uống không bị đau đầu.

Gạo để nấu rượu Phú Lộc thường là nếp cái hoa vàng được gieo trồng tại huyện Kinh Môn, Kim Thành

Theo nhiều người dân, để được những giọt rượu thơm ngon thì phải mất khoảng 15 ngày và trải qua rất nhiều công đoạn như: nấu cơm, vật cơm ra phên, phối men, ủ cơm. Khi cơm ủ đủ ngày xuống nước mọng mới đến khâu chưng cất rượu… Khâu chưng cất rượu cũng phải qua 2 lần, lần 1 rượu ra vẫn còn đục và không êm. Loại rượu này sẽ được chưng cất thêm một lần nữa để ra sản phẩm rượu cuối cùng thơm ngon, êm dịu và trong suốt. Một việc quan trọng cuối cùng là đo độ cồn của rượu để dừng chưng cất khi rượu vừa bắt đầu nhạt. Có 2 cách để đo nồng độ cồn của rượu là dùng cồn kế và cách truyền thống là rê rượu theo kinh nghiệm.

Mỗi năm, làng nghề nấu rượu Phú Lộc sản xuất ra hàng trăm nghìn lít rượu, chỉ riêng Công ty TNHH Rượu Phú Lộc ở cụm công nghiệp làng nghề Phú Lộc sản xuất từ 60.000 - 80.000 lít rượu. Gia đình ông Vũ là hộ sản xuất men nấu rượu lớn nhất trong làng vì có bí kíp gia truyền, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 15 - 20 tấn men. Gia đình ông đã đầu tư khoảng 5 tỷ đồng mua trang thiết bị nấu rượu. Công ty TNHH Rượu Phú Lộc đang tạo việc làm cho 8 người với thu nhập 5,4 triệu đồng/người/ tháng. Gia đình ông Vũ thu lãi khoảng 600 triệu đồng/năm. Hộ ông Vũ Đình Hoan cũng như nhiều hộ làm nghề nấu rượu khác trong làng mỗi năm đều sản xuất khoảng 5.000 lít rượu, thu lãi 100 - 150 triệu đồng.

Làng Phú Lộc hôm nay đã đổi thay nhiều, đường làng, ngõ xóm, rãnh thoát nước được xây dựng hoàn chỉnh. Nước thải đều được xử lý qua hầm biogas, bã rượu dành cho chăn nuôi lợn, gà, cá... Rác thải ở làng nghề được thu gom trong ngày và mang ra bãi xử lý tập trung của xã. Cùng với 2 thôn Nghĩa Phú và Hoàng Gia, Phú Lộc cũng tổ chức cho nhân dân tổng vệ sinh môi trường nơi mình sinh sống theo tháng. Các tuyến đường trục thôn, xóm đều được Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tự quản. Các tổ chức hội cũng tự tổ chức các "Ngày chủ nhật xanh" để bảo vệ môi trường...

Mặc dù môi trường ở làng nghề rượu Phú Lộc đã được cải thiện nhiều so với trước song vẫn cần sự giám sát tích cực của các cơ quan chức năng, sẵn sàng "tuýt còi" những cơ sở, hộ nấu rượu hoặc chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh. Người dân trong thôn cần tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hành sản xuất sạch, chăn nuôi khép kín an toàn để bảo vệ làng nghề xanh, sạch.