20/04/2024 lúc 17:26 (GMT+7)
Breaking News

Hải Dương: Hướng đi nào cho cây vải Chí Linh?

VNHN - Những năm gần đây, cây vải Chí Linh bị người dân bỏ rơi, trở nên tiêu điều, xơ xác. Làm thế nào để có thể vực dậy cây vải đang là trăn trở không chỉ của chính quyền, cơ quan quản lý mà còn cả những nông dân vốn gắn bó, tâm huyết với cây vải.

VNHN - Những năm gần đây, cây vải Chí Linh bị người dân bỏ rơi, trở nên tiêu điều, xơ xác. Làm thế nào để có thể vực dậy cây vải đang là trăn trở không chỉ của chính quyền, cơ quan quản lý mà còn cả những nông dân vốn gắn bó, tâm huyết với cây vải.

TP Chí Linh hiện có 4.168 ha vải, tập trung ở các phường, xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Bến Tắm... Đây là địa phương có diện tích vải lớn nhất tỉnh nhưng do người dân bỏ bê nhiều năm nên năng suất vải luôn ở mức thấp, chỉ đạt khoảng 1 tấn/ha. Xét về điều kiện khí hậu, đất đai, Chí Linh có nhiều điểm tương đồng với Bắc Giang, song vải Bắc Giang lại hơn hẳn về mọi mặt. Sự thua thiệt này là do người dân và chính quyền địa phương chưa chú trọng phát huy lợi thế của cây vải dù cho đây là nông sản chủ lực, là đặc sản và có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh.

Đồng khu 9 phường Bến Tắm là vùng vải đẹp nhất Chí Linh nhưng nay cũng hoang tàn. Hiện nay, phần lớn các hộ đều phó mặc cây vải cho thời tiết, không chăm sóc nên cây kém phát triển. Những vụ gần đây, dù mất mùa hay được mùa thì vải Chí Linh đều mất giá, vải ở đây chỉ bằng vải loại 2, loại 3 của Lục Ngạn và Thanh Hà. Xã Hoàng Hoa Thám là vùng trồng vải trọng điểm của TP Chí Linh với 325 ha. Nhưng do hiệu quả kinh tế thấp, người dân đã chặt bỏ nhiều diện tích, chuyển sang trồng cam, nhãn, thanh long. Hiện xã chỉ còn khoảng 240 ha vải, diện tích vải thâm canh không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu do giá trị thu về không tương xứng với chi phí bỏ ra. Vì thế, người dân chán nản, không còn thiết tha và dần bỏ rơi cây vải. Năm 2015, cây vải Chí Linh được trao cơ hội để vực dậy sau thời gian dài bế tắc khi tỉnh xây dựng vùng vải xuất khẩu tại đây. Nhưng đến nay vải Chí Linh vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn. Hiện người dân vẫn không trông mong nhiều vào cây trồng này.

Do cây vải không cho thu nhập cao, 1 số hộ dân chuyển qua mô hình nuôi gà dưới gốc cây vải 

Trước thực trạng chất lượng vải Chí Linh ngày một đi xuống, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã phối hợp với TP Chí Linh tìm hướng đi cho cây vải. Những diện tích vải xác định thâm canh, được quy vùng sản xuất phải hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác đồng bộ, bài bản, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Chỉ như vậy quả vải Chí Linh mới có khả năng cạnh tranh, tiếp cận được những thị trường lớn, mang lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, người dân mới không còn quay lưng với cây vải. Đối với những diện tích vải đã cằn cỗi, không thể cải tạo có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao như cam, thanh long, na. Nhưng việc chuyển đổi phải được tính toán hợp lý, tránh trồng ồ ạt dẫn tới cung vượt cầu./.