25/04/2024 lúc 00:31 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Đức trong phát triển ngành nước

VNHH – Chiều 19/3/2019, UBND Tp. Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Hội Hợp tác ngành nước Đức phối hợp tổ chức “Diễn đàn ngành nước Đức – Việt tại thành phố Hà Nội” nhằm tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư phía Cộng hòa Liên bang Đức có kinh nghiệm và năng lực để đầu tư trong lĩnh vực ngành nước tại Hà Nội góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

          VNHH – Chiều 19/3/2019, UBND Tp. Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam và Hội Hợp tác ngành nước Đức phối hợp tổ chức “Diễn đàn ngành nước Đức – Việt tại thành phố Hà Nội” nhằm tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư phía Cộng hòa Liên bang Đức có kinh nghiệm và năng lực để đầu tư trong lĩnh vực ngành nước tại Hà Nội góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

          Tham dự Diễn đàn có hơn 150 đại biểu là Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đại diện Đại sứ quán Đức tại Việt Nam, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp thoát nước của Việt Nam và Đức.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội phát biểu tại Diễn đàn

           Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội cho biết: Hà Nội là trung tâm văn hóa chính trị, hành chính, giáo dục, thương mại của đất nước, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội với quy mô dân số đến năm 2020 đạt khoảng 8 triệu dân, năm 2030 đạt 9 triệu dân và định hướng đến năm 2050 đạt khoảng 11 triệu dân.

           Trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô, thành phố luôn xác định công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật trong đó hệ thống cấp nước sạch, hệ thống cây xanh, công viên, hồ nước, hệ thống thu gom xủ lý nước thải, vệ sinh môi trường là những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên đáp ứng nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

           Đến nay một số dự án cấp nước xã hội hóa được hoàn thành, phát huy hiệu quả đầu tư, tiêu biểu có Nhà máy nước mặt sông Đuống với công suất giai đoạn 1 đạt 150.000 m3/ngđ (lưu lượng nước chảy trong một ngày đêm) sử dụng công nghệ Đức, hoàn thành đưa vào vận hành vào tháng 10/2018, nâng tổng công suất các nguồn nước sạch tập trung cung cấp cho Hà Nội đạt khoảng 1.200.000m3/ngđ, trong đó vẫn duy trì sử dụng nguồn nước ngầm là trên 600.000m3/ngđ góp phần nâng cao chất lượng cho cuộc sống của nhân dân.

          Đối với việc tiêu thụ thoát nước khu vực thủ đô hiện nay chủ yếu đã được cải tạo đồng bộ, tuy nhiên, tại một số khu vực vẫn chưa được đầu tư xây dựng nên vào mùa mưa thường xảy ra úng ngập khi mực nước sông dâng cao như sông Nhuệ, sông Cầu Bây do hệ thống thoát nước không chảy được.

Diễn đàn thu hút nhiều đại biểu từ các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong và ngoài nước

          Trước tình hình phát triển hiện nay, ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng: Để hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom xử lý nước thải thủ đô, cần khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia triển khai các dự án thoát nước, xử lý nước thải, cải tạo môi trường Hà Nội bằng những công nghệ, thiết bị mới nhất của khoa học, kỹ thuật đáp ứng nhu cầu tiêu chí xây dựng thủ đô Hà Nội văn minh hiện đại.

          Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam, Ngài Christian Berger cho biết: Cộng hòa Liên bang Đức đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) về chính trị và kinh tế, thể hiện rõ trong hợp tác song phương trên các lĩnh vực công nghiệp, khoa học - công nghệ, giáo dục … phát triển tích cực với nhiều dự án đang được triển khai hiệu quả. Trong thời gian tới, CHLB Đức sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển các chính sách về ngành nước giữa bên. đồng thời thúc đẩy mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức trên nhiều lĩnh vực.

Ngài Christian Berger - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam phát biểu

          Tại Diễn đàn các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như: Nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực cấp, thoát nước, xử lý môi trường nước tại thành phố Hà Nội; tiểu chuẩn nước sinh hoạt dùng trong hoạt động thông thường; tiêu chuẩn áp dụng đối với nước dùng để uống trực tiếp; các tiêu chuẩn hiện tại đang áp dụng tại Đức về cấp nước, nước uống tại vòi; các giải pháp thoát nước chống ngập và xử lý nước thải,…. nhằm hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp của hai bên tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thị trường ngành nước, mở rộng hợp tác kinh doanh giữa hai bên.

          Sáng cùng ngày các đại biểu có chuyến khảo sát, thăm quan hai địa điểm tại nhà máy nước mặt sông Đuống thuộc công ty Cổ phần Aqua One (Gia Lâm) và khu vực Hồ Tây về các nội dung liên quan xử lý chất lượng nước thải và môi trường nước./.