25/04/2024 lúc 21:05 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội tập trung phát triển chăn nuôi gắn với chế biến chuyên sâu

Để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã, đang tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm ngoài khu dân cư gắn với giết mổ, chế biến sâu, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…

Để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã, đang tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm ngoài khu dân cư gắn với giết mổ, chế biến sâu, hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm… 

Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa có thể kiểm soát dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, vừa bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã phát triển được 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực với 5.351 trang trại. Nhiều trang trại đã ứng dụng một phần công nghệ cao như hệ thống chống nóng với chăn nuôi bò sữa, hệ thống chuồng kín với chăn nuôi lợn, gà và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Mô hình chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai.

Đây là nền tảng để các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hiện, Hà Nội đã xây dựng được 59 chuỗi sản xuất, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thu hút gần 3.000 hộ chăn nuôi với hàng nghìn chủ thể sản xuất và dịch vụ tham gia, mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 60 tấn thịt các loại, 300 nghìn quả trứng, 78 tấn sữa…

Có thể nói, việc hình thành những vùng chăn nuôi tập trung, các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, không chỉ làm gia tăng giá trị sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi mà còn đưa ra thị trường một lượng lớn thực phẩm sạch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Để phát triển chăn nuôi gắn với xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp, cơ sở giết mổ tập trung với công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố Hà Nội đã có những giải pháp cụ thể. Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội cho biết: Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2021, tỷ lệ chăn nuôi trong khu dân cư giảm còn dưới 40%. Cùng với đó là hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm, các trang trại chăn nuôi xa khu dân cư, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Chương Mỹ, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên...; phấn đấu có gần 80% sản phẩm gia súc, gia cầm của các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công trên địa bàn thành phố được kiểm soát và bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.

Để đạt được mục tiêu này, ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất với thành phố ban hành các cơ chế, chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, thương mại… nhằm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với nông dân trong sản xuất nông nghiệp nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Cùng với đó sẽ tham mưu thành phố ban hành các chính sách khuyến khích chuyển đổi từ sản xuất nhỏ sang sản xuất quy mô lớn, từ nhỏ lẻ sang tập trung, từ lạc hậu sang hiện đại…; đồng thời di dời các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ nhỏ lẻ, cơ sở chế biến tới những địa điểm phù hợp.

Mặt khác, ngành Nông nghiệp sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, các khu giết mổ tập trung xa khu dân cư...; chú trọng đầu tư cơ giới hóa, công nghiệp hóa trong sản xuất tại các vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn thành phố; đồng thời bảo đảm ổn định nguồn nguyên liệu phù hợp với công suất của các cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến... Qua đó, từng bước bảo đảm nguồn cung thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô và hướng tới xuất khẩu.
 

  • Tags: