29/03/2024 lúc 00:05 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội: Quan tâm đặc biệt vấn đề xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch

VNHN - Chiều 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an TP Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô để chuẩn bị cho kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa XIV. Hà Nội cải thiện thêm một bước cải cách hành chính

VNHN - Chiều 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an TP Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô để chuẩn bị cho kỳ họp thứ Năm Quốc hội khóa XIV.
Tham dự hội nghị về phía Trung ương có Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; về phía Hà Nội có Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc…

Tại hội nghị, đaị biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận xét, từ đầu năm đến nay, tình hình an ninh quốc phòng trên địa bàn TP được giữ vững, trật tự an toàn xã hội ổn định. Đại biểu cũng chỉ ra điểm nổi bật trong tình hình kinh tế xã hội, công tác chỉ đạo điều hành của UBND TP Hà Nội là việc cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin được cải thiện thêm một bước. “Chúng tôi theo dõi sát và rất phấn khởi về sự chuyển biến này”, đại biểu Quốc Khánh bày tỏ.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị

Đại biểu cũng băn khoăn với một số vấn đề cử tri kiến nghị như vấn để xử lý môi trường nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ - sông Đáy, trong đó, cần xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh không có hệ thống xử lý nước thải, đổ thẳng ra môi trường, thực hiện nghiêm minh pháp luật trong việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, đại biểu cũng nêu vấn đề cử tri quan tâm về việc mở rộng quốc lộ 21B và xây dựng cải thiện giao thông khu vực phía nam TP.

Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu việc cử tri tổ dân phố số 5 phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng) kiến nghị 10 năm nộp hồ sơ làm sổ đỏ, trong đó, UBND TP Hà Nội giao cho UBND quận Hai Bà Trưng xử lý. Sau đó, Quận Hai Bà Trưng cho biết việc này không thuộc trách nhiệm của quận mà thuộc Xí nghiệp nhà số 2, do vậy quận chuyển Xí nghiệp nhà số 2 xử lý. Đơn vị này cũng tiếp nhận nhưng cho đến nay việc giải quyết chưa có kết quả.

Đôn đốc việc cấp sổ đỏ tại phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng

Trả lời các kiến nghị của đại biểu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết trong thời gian qua, TP đặc biệt quan tâm đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường nước tại các sông Tô Lịch, sông Nhuệ…
 
TP đã có dự án bằng vốn ODA của Nhật Bản tại Yên Xá với số vốn 16 nghìn tỷ đồng để xử lý được nước sông Tô Lịch. Khi hoàn thiện dự án này sẽ xử lý được 40% nước sông Tô Lịch. Ngoài ra, TP còn đang triển khai dự án BT để thu gom toàn bộ nước thải khu vực S3, các quận còn lại ở phía đầu sông Tô Lịch gồm quận Cầu Giấy, Đống Đa, Tây Hồ… quay ngược trở lại xử lý nhà máy nước thải Tây Hồ và bổ cập sông Tô Lịch.

Dự kiến 2 dự án này sẽ hoàn thành vào năm 2020 - 2021 và lúc đó sông Tô Lịch cơ bản được thu gom toàn bộ nước thải đổ ra sông và xử lý.

 Toàn cảnh hội nghị

Về xử lý ô nhiễm tại các làng nghề, Chủ tịch UBND TP cho biết có hơn 1.000 làng nghề. Trong 2 năm qua TP đã triển khai được 2 nhà máy xử lý cho 3 làng nghề ở Hoài Đức. Tuy nhiên vướng nhất hiện nay là đơn giá định mức đối với mét khối xử lý nước ô nhiễm tổng thể. Bởi, đối với mỗi mét khối nước thải của mỗi làng nghề lại khác nhau.

“TP cũng xác định đây là trọng tâm tuy nhiên không phải ngày một ngày hai có thể xử lý được vì nguồn vốn ngân sách hạn chế. Bên cạnh đó, việc kêu gọi xúc tiến đầu tư còn đang vướng mắc ở đơn giá định mức. Hy vọng trong tháng 6, sau khi xử lý xong vướng mắc trên, TP sẽ tiếp tục kêu gọi được các nhà đầu tư xử lý nước thải tại các làng nghề” – Chủ tịch UBND TP thông tin đến đại biểu.

Về việc bảo vệ môi trường, TP đang thực hiện thu gom vận chuyển xử lý rác thải, tổ chức nhà máy xử lý đốt rác theo công nghệ đốt phát điện, nhanh nhất trong vòng 2,5 năm nữa nhà máy đi vào hoạt động.

Bên cạnh đó, TP cũng đang tích cực xử lý ô nhiễm không khí, được thể hiện qua chương trình 1 triệu cây xanh. Từ nay đến 2020, TP vận động các hộ dân tại các quận huyện bỏ đốt than tổ ong để giảm ô nhiễm… Về xử lý ô nhiễm do các phương tiện giao thông, TP đang triển khai đề án về kiểm soát khí thải và hiện đang phụ thuộc vào hướng dẫn của Chính phủ và Bộ GTVT.
Vấn đề mở rộng quốc lộ 1A và 21B, Chủ tịch UBND TP cho biết TP đã bố trí đầu tư công cho các dự án này trên địa phận huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín và hiện đang thực hiện công tác GPMB. Ngoài ra, TP đôn đốc công tác GPMB để hoàn thiện đường vành đai 4 để giảm tải đường quốc lộ 1A, 21B.

Về vấn đề chậm cấp sổ đỏ tại tổ dân phố 5, phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung xin tiếp thu và cho biết sẽ trực tiếp đôn đốc và trả lời đại biểu trong kỳ họp tới.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, với tư cách là lãnh đạo TP, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tiếp thu ý kiến của cử tri, đại biểu Quốc hội để thực hiện mục tiêu của đảng bộ TP và ý kiến của các đại biểu.

Về kiến nghị cấp sổ đỏ của cử tri tổ dân phố số 5 phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), Bí thư đề nghị UBND TP giao Sở TNMT xuống tận nơi, xử lý trực tiếp vấn đề này; về vấn đề xử lý môi trưởng của các dòng sông, TP sẽ tiếp tục làm, kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân, gỡ vướng, giải quyết khó khăn cho các nhà đầu tư; thử nghiệm các mô hình đầu tư hiệu quả…

Bên cạnh đó, với tư cách là Đại biểu QH, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Hoàng Trung Hải cho biết, đoàn đại biểu tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của UBND TP về những vướng mắc trong thực hiện quy định của pháp luật.

“Với tư cách là cơ quan lập pháp và giám sát, chúng ta cần tăng cường công tác xây dựng luật và nâng cao chất lượng luật pháp để phát huy hết năng lực của hệ thống chính trị”, Trưởng đoàn đại biểu QH TP Hà Nội Hoành Trung Hải nhấn mạnh./.

Theo Kinh Tế Đô Thị