20/04/2024 lúc 07:18 (GMT+7)
Breaking News

GS.TS Hoàng Chí Bảo: Hãy học Bác “nói đi đôi với làm”

VNHN - “Hãy học Bác ở phương châm “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động. Một tấm gương sống còn quý hơn cả trăm bài diễn văn và gương mẫu”.

VNHN - “Hãy học Bác ở phương châm “nói đi đôi với làm”, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động. Một tấm gương sống còn quý hơn cả trăm bài diễn văn và gương mẫu”.

GS.TS Hoàng Chí Bảo

Đây là chia sẻ của GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương khi nói về tính lý luận và thực tiễn trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh tại hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh- Giá trị lý luận và thực tiễn" nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người diễn ra mới đây.

GS Bảo nói, cho đến cuối đời, tác phẩm lý luận cuối cùng của Người – đó là bản di chúc,  vẫn xoay quanh chủ đề đạo đức cách mạng với lời dặn: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Đây là điều kiện trước tiên để đổi mới và cũng là trách nhiệm của Đảng và Chính phủ, trong chương trình nghị sự, trong kế hoạch hành động. Công cuộc đổi mới phải bắt đầu từ Đảng, do đó, Người xác định việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng.

“Ý tưởng này là sự cụ thể hóa, là sự phát triển hợp lô gích và nhất quán với những điều Người đã đề cập trong bản Di chúc được viết lần đầu từ tháng 5/1965 “trước hết nói về Đảng” với lời căn dặn đầu tiên là giữ gìn sự đoàn kết nhất trí trong Đảng từ Trung ương tới chi bộ. Người đồng thời nói rõ mục đích của việc chỉnh đốn lại Đảng là “làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”. Người tin tưởng rằng, “Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy, chúng ta cũng nhất định thắng lợi”. Đây là vấn đề vô cùng hệ trọng bởi như thực tế đã cho thấy, Đảng là lực lượng lãnh đạo và cầm quyền, sự nghiệp cách mạng thành hay bại đều tùy thuộc vào năng lực và sức chiến đấu của Đảng, đặc biệt là phẩm chất đạo đức, tính tiên phong và sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, làm nên uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong nhân dân”, GS Bảo nhấn mạnh.

Ông cũng thông tin thêm, xây dựng và chỉnh đốn Đảng làm cho Đảng trong sạch để thật vững mạnh không những là một trong những nội dung trọng yếu của đổi mới mà còn là điều kiện căn bản, là nhân tố quyết định thành công của đổi mới trong tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh. Toàn bộ phác thảo kế hoạch xây dựng lại đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn mà Người đề cập trong Di chúc là rất toàn diện, từ việc trước mắt đến việc lâu dài, từ củng cố vững chắc chế độ chính trị đến phát triển kinh tế và văn hóa, từ giải quyết các vấn đề xã hội đến chính sách xã hội, trong đó đặc biệt quan trọng là an sinh xã hội, chăm lo y tế và đổi mới giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển mới… tất cả đều nhằm vào mục đích phục vụ con người, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Trong sự nghiệp ấy, nhân dân không chỉ thụ hưởng quyền và lợi ích của người chủ mà còn có nghĩa vụ của người chủ, có vai trò to lớn của chủ thể sáng tạo, do đó Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức quản lý, gây dựng phong trào và tập hợp lực lượng của toàn dân, do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Người hình dung “công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang”.

“Dù không trực tiếp sử dụng khái niệm “đổi mới” nhưng trong Di chúc của Người, đổi mới được thể hiện rất rõ ràng, đậm nét không chỉ nội dung, mục đích mà còn nổi bật tính chất, đặc điểm, tầm vóc lịch sử của nó, như một cuộc cách mạng.

Có thể nhận ra định nghĩa về đổi mới của Người, khi Người viết “đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Người còn hình dung cuộc chiến đấu này là một cuộc chiến đấu khổng lồ với sự tham gia, nhập cuộc của khối quần chúng nhân dân đông đảo. Trọng trách tập hợp lực lượng nhân dân, phát huy vai trò nhân dân thuộc về Đảng bằng công tác giáo dục, công tác tổ chức, Đảng phải ra sức dựa vào dân, giữ mối liên hệ mật thiết với dân, từ đó,

Người khẳng định: “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Đó là những luận điểm căn bản và hết sức quan trọng, có giá trị và ý nghĩa định hướng cho hành động đổi mới của Đảng và nhân dân ta. Bằng cách đó, tư tưởng đổi mới gắn với hội nhập và phát triển mà Người nêu ra trong Di chúc có tác dụng đặt nền móng tư tưởng lý luận cho đường lối và các quyết sách đổi mới của Đảng ta sau này”, GS Bảo phân tích.

Theo ông, tác phẩm di chúc của Bác là một trong 5 tác phẩm tiêu biểu được xếp là bảo vật Quốc gia- tức là Quốc bảo. Có thể nói, Di chúc của Bác có giá trị bất hủ, trường tồn cùng thời gian, không chỉ có giá trị về mặt lý luận mà còn có cả mặt thực tiễn.

"Di chúc của Hồ Chí Minh đề cập nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay, cho nên rất giàu tính thực tiễn. Trong đó, Cần, Kiệm, Liêm, Chính là 4 chuẩn mực của đạo đức cách mạng, đó cũng là 4 đức để làm người. Thiếu 1 đức thì không thành người. Hiện nay, chúng ta đang ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để chống lại tất cả những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thì việc thực hiện cần, kiệm, liêm, chính hoàn toàn là cần thiết", GS Bảo khẳng định.

Và GS Bảo cho rằng, chúng ta hãy học Bác và làm theo Bác từ những điều bình dị hàng ngày mà ai cũng có thể làm được. Học Bác xuất phát từ cái tâm của mình, hãy học Bác ở phương châm “nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động".

"Một tấm gương sống còn quý hơn cả trăm bài diễn văn và gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất của Đảng ta hiện nay theo chỉ dẫn của Bác", GS Bảo nhấn mạnh. bền bỉ suốt đời".