24/04/2024 lúc 02:05 (GMT+7)
Breaking News

GS.TS Đỗ Năng Vịnh - Tâm huyết vì khoa học và nông nghiệp nước nhà

GS.TS Đỗ Năng Vịnh sinh năm 1951 tại quê hương Phú Thọ, tốt nghiệp ngành Di truyền học tại trường ĐH Tổng hợp thuộc Liên Xô  năm 1975, ông trở thành nghiên cứu viên của Viện Sinh học, Viện khoa học Việt Nam (nay thuộc Viện CNSH, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam). Từ năm 1984 - 2000, ông là Trưởng bộ môn nuôi cấy mô và tế bào thực vật, giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào thực vật (2000 -2011); Phó viện trưởng viện Di truyền nông nghiệp (1993-2011); Đại diện nước ta tại Trung tâm Kỹ t

GS.TS Đỗ Năng Vịnh sinh năm 1951 tại quê hương Phú Thọ, tốt nghiệp ngành Di truyền học tại trường ĐH Tổng hợp thuộc Liên Xô  năm 1975, ông trở thành nghiên cứu viên của Viện Sinh học, Viện khoa học Việt Nam (nay thuộc Viện CNSH, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam). Từ năm 1984 - 2000, ông là Trưởng bộ môn nuôi cấy mô và tế bào thực vật, giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào thực vật (2000 -2011); Phó viện trưởng viện Di truyền nông nghiệp (1993-2011); Đại diện nước ta tại Trung tâm Kỹ thuật gen và CNSH quốc tế ( từ 1994 - nay); Giám đốc Phòng thí nghiệm liên kết Việt-Pháp (từ 2011- 2019).

GS.TS Đỗ Năng Vịnh

Tốt nghiệp khoa Sinh, Đại học Tổng hợp tại Liên Xô, chuyên ngành Di truyền học, GS. TS. Đỗ Năng Vịnh đã bắt đầu sự nghiệp nghiên cứu khoa học ngay từ khi rời ghế nhà trường, trở thành nghiên cứu viên của Viện Sinh học, Viện Khoa học Việt nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học - Công nghệ Việt Nam) từ năm 1975. Ngay từ những năm đầu tiên làm việc tại phòng Sinh lý thực vật và phòng Di truyền thực vật, Viện Sinh học giai đoạn 1976 -1984, ông đã công bố công trình đầu tiên ở nước ta về nuôi cấy bao phấn lúa in vitro. Ông cũng là người phát hiện hiện tượng di truyền bất tự hòa hợp và ứng dụng trong chọn tạo các giống bắp cải và từ đó cũng là người đầu tiên sản xuất được hạt bắp cải lai F1, tạo ra giống bắp cải chịu nhiệt. Công trình này đã có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ra đời của Trung tâm Di truyền Nông nghiệp, thuộc Bộ NN& PTNT trong giai đoạn khởi đầu đầy khó khăn của Viện.  Từ đó đến nay GS luôn là người mở đường cho nhiều định hướng nghiên cứu - phát triển khoa học và ứng dụng thực tiễn sản xuất. Điểm qua từng bước đi và các đóng góp của GS Vịnh như sau:  Từ năm 1984, trưởng Bộ môn Nuôi cấy mô và công nghệ tế bào thực vật đầu tiên của viện, tiền thân của Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Công nghệ Tế bào Thực vật hiện nay. Đến năm 1993 được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, phụ trách khoa học. Năm 1994, GS Vịnh cùng với các lãnh đạo Viện và các đồng nghiệp khác thành lập Trung tâm CNSH TV và là Giám đốc đầu tiên của Trung tâm này. Đó là một trong các doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên trong nước thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học. Năm 1995, GS cũng sáng lập và là Giám đốc kiêm nhiệm của Trung tâm cây ăn quả đoàn Thanh niên thuộc Trung ương Đoàn. Từ năm 2000, Bộ môn Nuôi cấy mô và công nghệ tế bào, Viện Di truyền Nông nghiệp đã được chọn vào danh sách được ưu tiên số một trong năm dự án đầu tư xây dựng Phòng Thí nghiệm Trọng điểm (PTNTĐ)  thuộc lĩnh vực Công nghệ sinh học. GS Vịnh là người xây dựng chiến lược và các dự án, đề tài nghiên cứu mang tính chiến lược cho PTNTĐ và Viện DTNN. Ông là Giám đốc của phòng TNTĐ đến năm 2011. GS Vịnh và tập thể các cán bộ phòng TNTĐ Công nghệ tế bào đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển cơ sở hạ tầng, nghiên cứu khoa học của Viện và ứng dụng các thành tựu khoa học vào thực tiễn sản xuất.  Song song với công tác giảng dạy, đào tạo, ông đã đề xuất và nghiên cứu các vấn đề khoa học mũi nhọn: Công nghệ RNAi gây bất hoạt gen để kiểm soát bệnh virus;Nghiên cứu công nghệ phôi vô tính, hạt nhân tạo và bioreactors trong nhân giống và chọn tạo giống cây trồng; Xác định các gen quan trọng quy định cấu trúc bộ rễ, cấu trúc bông và năng suất của cây lúa; Áp dụng cứu phôi, đột biến và đa bội thể thực nghiệm cho chọn tạo giống cây ăn quả có múi không hạt. Gần đây, GS đã xây dựng và thực hiện thành công đề tài HTQT với các nhà khoa học CHLB Đức về chuyển đổi sinh khối cây lúa và cây mía thành các sản phẩm có giá trị gia tăng như hạt hữu cơ phân bón vi sinh, hạt hấp phụ, than hoạt tính và vải địa kỹ thuật bảo về đất chống sói mòn, sụt lở đất. Các quy trình công nghệ tạo ra có triển vọng ứng dụng vào phát triển công nghiệp sinh khối và nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta. Hiện nay dù đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn rất nhiệt huyết trong công tác tư vấn cho các doanh nghiệp, địa phương về phát triển nông nghiệp và giảng dạy tại các trường Đại học. Là Đại diện nước ta tại Trung tâm Kỹ thuật gen và CNSH quốc tế, đồng thời có quan hệ quốc tế rộng rãi, GS Vịnh tham gia đào tạo và hỗ trợ đào tạo hàng chục tiến sỹ, thạc sỹ ở nước ngoài; kết nối kinh doanh và chuyển giao nhiều tiến bộ KH-CN về nước, thực hiện “Sách lược đứng trên vai những người khổng lồ” trong  lĩnh vực KH-CN.

GS.TS Đỗ Năng Vịnh trao đổi với nông dân Yên Bái sản xuất lúa J01 vụ xuân 2014.

GS. Vịnh là nghiên cứu viên cao cấp, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Viện. Giáo sư cùng tập thể PTNTĐ CNTBTV đã đưa nhiều giống mới và quy trình công nghệ mới áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Giáo sư đã có trên 200 trăm bài báo được công bố trên các Tạp chí uy tín trong nước và Quốc tế. Giáo sư đã lãnh đạo tập thể chọn tạo, khảo nghiệm và đưa vào sản xuất 19 giống cây trồng được công nhận chính thức và 18 giống tạm thời, 8 qui trình công nghệ đã được Bộ NN&PTNT công nhận và đã chuyển giao cho nhiều Tỉnh thành trong cả nước như:   Các giống cam, bưởi, quýt không hạt, năng suất cao và sạch bệnh bằng công nghệ tế bào thực vật phục vụ công nghiệp cam quýt, phát triển công nghiệp cam; Các giống lúa chất lượng, năng suất cao và thích ứng tốt với điều kiện bất lợi đang tham gia chuỗi sản xuất - xuất khẩu gạo chất lượng cao; Các giống mía và công nghệ nhân nhanh giống mía  năng suất cao, sạch bệnh bằng công nghệ tế bào thực vật phục vụ công nghiệp Mía – đường…

 Là người hoạt động thực tiễn không mệt mỏi, đồng thời GS cũng là người đưa ra các ý tưởng lớn như “Sách lược đứng trên vai những người khổng lồ”, “Nông nghiệp tinh hoa”, đề xuất xây dựng các khu Nông nghiệp công nghệ cao từ những năm 1990. Đề xuất khu nghiên cứu phát triển rau hoa quả cao cấp xuất khẩu với ý tưởng “Việt Nam - HÀ LAN ở khu vực châu Á; Thanh Hóa, Nghệ An - ISRAEL ở Đông Nam Á”, hay ý tưởng “Phát triển xa lộ nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hóa đường Hồ Chí Minh”.  Với Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam, sau hơn 40 năm hoạt động, GS. Vịnh để lại một gia tài lớn, đó là cơ sở vật chất từ phòng thí nghiệm đến đồng ruộng, các vật liệu, kỹ thuật và công nghệ. Và đáng nói hơn cả là đội ngũ cán bộ lớn mạnh, đang là cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học trình độ cao tại các viện, trường đại học và các doanh nghiệp. 

 Ghi nhận những đóng góp, cống hiến lớn lao của GS.TS Đỗ Năng Vịnh cho ngành nông nghiệp nước nhà, Đảng, Nhà nước đã trao tặng ông nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng nhì, Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ…