29/03/2024 lúc 02:52 (GMT+7)
Breaking News

Góp ý hoàn thiện chính sách xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp

VNHN - Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách xã hội hóa (XHH) giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thu hút doanh nghiệp vào đào tạo nghề, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với hoạt động này.

VNHN - Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách xã hội hóa (XHH) giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thu hút doanh nghiệp vào đào tạo nghề, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với hoạt động này.

Cơ sở GDNN công lập và ngoài công lập đều bình đẳng khi tham gia đào tạo nguồn nhân lực và hưởng các hỗ trợ của ngân sách nhà nước. Ảnh: Xuân Khánh

Xã hội hóa GDNN còn chậm và nhiều lúng túng

Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến cuối năm 2018, số lượng cơ sở GDNN ngoài công lập chiếm tỷ lệ 33%. Một số trường hoạt động khá hiệu quả, thu hút và tuyển sinh được nhiều học viên, chất lượng đào tạo được đảm bảo. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã thành lập trường đào tạo nghề, vừa phục vụ nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, vừa thu hút đào tạo cho các học viên có nhu cầu để tăng nguồn lực.

Ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường cao đẳng THACO (trường đào tạo nghề của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải) cho biết, trường nghề nằm trong doanh nghiệp sẽ có một số lợi ích như đào tạo sát với thực tế sản xuất, chuyên môn sâu của doanh nghiệp, bảo vệ bí mật công nghệ. Doanh nghiệp chủ động được nguồn nhân lực khi sản lượng tăng; tạo sự ổn định, giữ được nguồn nhân lực khi sản lượng giảm.

Doanh nghiệp khi có cơ sở đào tạo được  hưởng quyền lợi của Nhà nước quy định ở Luật Doanh nghiệp, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất, nhập khẩu….

Tuy nhiên, mặc dù Quốc hội, Chính phủ  đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo nghề, nhưng nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà với hoạt động này, tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo dưới 10%, tỷ lệ doanh nghiệp có đào tạo nghề cho người lao động cũng chỉ gần 40%.

Theo phản ánh của các trường nghề ngoài công lập, tình hình tuyển sinh ngày càng khó khăn, các trường thiếu mặt bằng và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thiếu kinh phí hoạt động thường xuyên.

Bộ LĐTB&XH thừa nhận, việc triển khai thực hiện XHH GDNN còn chậm và nhiều lúng túng, không đồng đều ở các tỉnh, thành phố, địa phương. Nguyên nhân được đưa ra là do việc phân cấp để thực hiện nhiệm vụ XHH GDNN chưa thật đầy đủ và hợp lý để tạo quyền tự chủ, năng động cho địa phương và cơ sở.

Bộ LĐTB&XH cũng cho biết, các cơ sở GDNN ngoài công lập chậm phát triển về quy mô, tuyển sinh kém. Nhiều gia đình người học còn băn khoăn về chất lượng giáo dục và chi phí đào tạo giữa trường công lập và trường tư thục. Ngoài ra còn nguyên nhân hạn chế từ cơ chế chính sách để tạo môi trường phát triển, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng thúc đẩy các cơ sở GDNN công lập và tư thục phát triển cả về quy mô và chất lượng.

Tháo gỡ nút thắt hiện nay đối với các nhà đầu tư

Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ mới ban hành đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, số cơ sở GDNN ngoài công lập đạt 35%; đến năm 2025 đạt tỷ lệ 40% .

Qua nghiên cứu về chính sách XHH GDNN, ông Nguyễn Đắc Hưng- Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, để hoàn thiện được chính sách XHH GDNN, cần tháo gỡ nút thắt hiện nay đối với các nhà đầu tư, đó là vấn đề quyền sở hữu tài sản và phân chia lợi nhuận của các nhà đầu tư, quyền điều hành nhà trường nhất là khi thực hiện chủ trương hợp tác công-tư trong lĩnh vực đầu tư cho giáo dục.

Ông Hưng cho rằng, khi sửa Luật Giáo dục nghề nghiệp cần hết sức lưu ý tới quyền lợi và nghĩa vụ của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phải bảo đảm, duy trì và phát triển vốn của nhà đầu tư, làm được như vậy sẽ có tác động rất lớn đến việc thực hiện chủ trương XHH GDNN.

Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ chuyển đổi một số cơ sở GDNN từ công lập sang tư thục. Thí điểm việc Nhà nước cho thuê cơ sở vật chất đối với một số cơ sở GDNN có khả năng cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ sở GDNN công lập và ngoài công lập đều bình đẳng khi tham gia đào tạo nguồn nhân lực và hưởng các hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Nhà nước cho phép các tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập cơ quan kiểm định chất lượng độc lập, thực hiện nhiệm vụ đánh giá, sát hạch chất lượng học sinh, sinh viên trong các cơ sở GDNN sau cuối mỗi năm, khóa học.

Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể hóa chính sách ưu đãi về giao đất hoặc cho thuê đất; ưu đãi tín dụng cho các cơ sở GDNN, nhà đầu tư chỉ thực hiện đầy đủ các quy định của luật và không có những chi phí tiêu cực./.