16/04/2024 lúc 11:04 (GMT+7)
Breaking News

Góp phần điều chỉnh hành vi, ứng xử với môi trường

VNHN - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã bổ sung các công cụ kinh tế linh hoạt thay cho công cụ hành chính cứng nhắc, nhằm điều chỉnh hành vi, cách ứng xử với môi trường. Song, nhiều ý kiến không khỏi lo ngại, quy định này sẽ có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, cần được tính toán, đánh giá đầy đủ trong hồ sơ dự án luật.

VNHN - Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã bổ sung các công cụ kinh tế linh hoạt thay cho công cụ hành chính cứng nhắc, nhằm điều chỉnh hành vi, cách ứng xử với môi trường. Song, nhiều ý kiến không khỏi lo ngại, quy định này sẽ có tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Vì vậy, cần được tính toán, đánh giá đầy đủ trong hồ sơ dự án luật.

Ảnh minh họa

Người hưởng lợi từ giá trị môi trường phải chi trả

Một trong những quan điểm xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường là có các cơ chế, chính sách mới mang tính đột phá, tạo nền tảng pháp lý cho việc hình thành và phát triển các mô hình tăng trưởng bền vững thông qua việc đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải ít carbon, áp dụng đầy đủ nguyên tắc “người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ giá trị của môi trường phải chi trả”, phù hợp với kinh tế thị trường, đồng thời điều chỉnh được mặt trái của kinh tế thị trường. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ các thành phần kinh tế - xã hội cho công tác bảo vệ môi trường.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị

Theo lý giải của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, phát triển kinh tế bền vững thông qua việc thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải carbon, đầu tư vào vốn tự nhiên đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước đang phát triển. Các mô hình tập trung vào việc đầu tư sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ hướng tới tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu, vật liệu, năng lượng và chất thải thân thiện với môi trường; đầu tư vào vốn tự nhiên. Ở nước ta, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng xanh, nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững đã được ban hành nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho thúc đẩy các mô hình kinh tế này. Do đó, trong dự thảo Luật đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế, chính sách ưu đãi của Nhà nước về bảo vệ môi trường, chính sách phát triển ngành kinh tế môi trường và việc huy động các nguồn lực cho bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về những điểm mới này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Luật bổ sung đối tượng chịu thuế là chất thải vào thuế bảo vệ môi trường và quy định lộ trình chuyển đổi một số loại chất thải từ phí bảo vệ môi trường sang thuế bảo vệ môi trường. Quy định về đặt cọc và hoàn trả bao bì, sản phẩm, trách nhiệm tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm khó có khả năng tái chế, chứa các chất độc hại hoặc ảnh hưởng quá trình thu gom, xử lý chất thải; mở rộng đối tượng ký quỹ phục hồi môi trường. Lần đầu tiên, dự thảo Luật quy định về thị trường phát thải nhằm khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm phát thải thông qua việc mua, bán phát thải.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật còn bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí, vay vốn, hạ tầng cho các hoạt động bảo vệ môi trường, ưu đãi và khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, mua sắm xanh. Bổ sung quy định để huy động đa dạng nguồn lực cho bảo vệ môi trường, như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, thực hiện đối tác công  - tư trong một số lĩnh vực về bảo vệ môi trường, chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường. Đặc biệt, quy định ngân sách nhà nước có mục chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi để bảo đảm mức chi tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo yêu cầu bảo vệ môi trường và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn…

Xây dựng nền kinh tế carbon thấp theo hướng tăng trưởng xanh. Nguồn: ITN

Tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp

Tại Hội nghị thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường vừa được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, có ý kiến nhất trí với việc sử dụng các công cụ kinh tế linh hoạt thay cho công cụ hành chính cứng nhắc trong lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, không ít ý kiến còn băn khoăn, trăn trở về các quy định này, do có tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế, cần được tính toán, đánh giá đầy đủ trong hồ sợ dự án Luật.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai minh chứng: Quy định về định giá carbon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon trong nước rất thiếu tính khả thi. Có thể thấy, nước ta đang sử dụng công nghệ trung bình và lạc hậu. Việc quy định hạn ngạch carbon làm tăng chi phí quản lý, chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (hiện doanh nghiệp đã chịu thuế bảo vệ môi trường). Trong khi đó, tương lai của thị trường trao đổi hạn ngạch carbon chưa rõ nét. Theo bà Đoàn Thị Thanh Mai, phải hết sức thận trọng khi bổ sung quy định này cũng như đánh giá tính phù hợp của quy định với Luật Quản lý thuế. Hay, quy định về bồi hoàn đa dạng sinh học, cơ quan soạn thảo cũng chưa xác định được đây là thuế hay phí? Cách xác định đa dạng sinh học bị mất đi như thế nào, phương thức thu lại ra sao?

Một quy định được dự đoán sẽ có nhiều tranh luận là việc nâng chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường từ 1% lên 2%, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hồng Tịnh đề nghị cơ quan soạn thảo phải có đánh giá tác động chính sách thật sự thuyết phục. Với mức chi ngân sách 1%, chúng ta đã chi những gì? Chi như thế nào? Và vì sao cần thiết phải nâng lên mức tối thiểu 2% - ở mức chi này chúng ta sẽ làm được gì cho môi trường? Một số ý kiến khác trong Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường lại đề nghị, phải cân nhắc quy định này, nhằm bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn và tính thống nhất với Luật Ngân sách nhà nước.

Tăng chi ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường và bổ sung quy định về công cụ kinh tế nhằm tăng cường trách nhiệm, nguồn lực cho bảo vệ môi trường, điều chỉnh hành vi, ứng xử với môi trường trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, quản lý chất thải. Với việc quy định mức chi cụ thể trong dự thảo Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, sẽ tổng hợp và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 44 khai mạc vào đầu tuần tới.