16/04/2024 lúc 11:02 (GMT+7)
Breaking News

Góp hạt cát nhỏ cho một hành trình lớn

Vào đầu tháng 7 năm nay, Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) chính thức khởi động dự án tủ sách Văn hóa Việt ra thế giới. Ðây có lẽ là tin vui trong bối cảnh ngành xuất bản đang gặp không ít khó khăn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Lệ Chi (ảnh nhỏ), Giám đốc Công ty Chibooks về dự án này.

Vào đầu tháng 7 năm nay, Công ty cổ phần Văn hóa Chi (Chibooks) chính thức khởi động dự án tủ sách Văn hóa Việt ra thế giới. Ðây có lẽ là tin vui trong bối cảnh ngành xuất bản đang gặp không ít khó khăn dưới tác động của đại dịch Covid-19. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Lệ Chi (ảnh nhỏ), Giám đốc Công ty Chibooks về dự án này.

Khao khát hai chiều

- Xin chào dịch giả Nguyễn Lệ Chi, đại dịch Covid-19 đã tác động như thế nào đến Chibooks trong hơn một năm qua?

- Cũng như phần lớn các đơn vị xuất bản khác, Chibooks cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ tác động của đại dịch Covid-19. Doanh thu sụt giảm khi hệ thống các nhà sách truyền thống bị đóng cửa. Chúng tôi phải chủ động đẩy mạnh bán online trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Chibooks… với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, đa dạng cho bạn đọc.

Việc thay đổi các chương trình khuyến mãi đa dạng theo tuần cùng nhiều loại quà thiết thực như tập học sinh, giấy kê tay, mua sách tặng sách, postcard các loại… khiến nhiều độc giả thích thú đã giúp Chibooks bảo đảm được lượng khách hàng online và duy trì doanh thu suốt năm qua.

- Trong bức tranh chung có vẻ ảm đạm như vậy, việc Chibooks khởi động dự án Tủ sách Văn hóa Việt ra thế giới đang được xem là tín hiệu mừng cho giấc mơ "xuất khẩu sách Việt". Chị có thể chia sẻ đôi điều về dự án này?

- Việc giới thiệu tủ sách văn hóa, văn chương Việt ra thế giới luôn là khát khao chung của nhiều đơn vị xuất bản Việt Nam, trong đó có Chibooks. Suốt nhiều năm làm xuất bản, Chibooks luôn mong mỏi được giới thiệu nhiều đầu sách nhằm giúp độc giả các nước thêm hiểu, thêm yêu đất nước, con người, văn hóa Việt. Ðối với chúng tôi, việc làm sách không chỉ là mang lại thông tin tri thức cho độc giả trong nước, mà còn phải thực hiện ở chiều hướng ngược lại, giới thiệu ra bên ngoài với độc giả quốc tế.

Hiện tại, chúng tôi đang có một thay đổi: dòng sách văn học Việt Nam của Chibooks có thêm hướng phát triển mới là ngoài sách văn học còn có Tủ sách Văn hóa Việt, giới thiệu về văn hóa, con người, lối sống, ẩm thực của các vùng miền của Việt Nam. Một số đầu sách đã và đang được chúng tôi thực hiện như: Vắt qua những ngàn mây, Bên sông Ô Lâu, Về Huế ăn cơm, Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời, Nha Trang mùa đẹp nhất...

- Vào năm 2012, Chibooks từng công bố dự án "Mang văn chương Việt ra thế giới" nhưng cuối cùng, dự án đó đã không có "hồi kết đẹp". Với dự án lần này, độ khả thi đến đâu, thưa chị?

- Trước đây, Chibooks đã ký hợp đồng với một số nhà văn Việt Nam được bạn đọc yêu thích như Hồ Anh Thái, Vũ Ðình Giang, Phan Hồn Nhiên, Di Li… Mỗi người, chúng tôi chọn một cuốn và tóm tắt nội dung bằng tiếng Trung và tiếng Anh, làm catalogue bằng hai thứ tiếng, mang đi dự rất nhiều hội sách quốc tế với mục đích giới thiệu văn chương Việt ra bên ngoài.

Tại một số hội sách quốc tế như Frankfurt (Ðức), Bắc Kinh (Trung Quốc)… hay khi gửi tới một số nhà xuất bản nước ngoài, họ đều quan tâm khi đọc nội dung tóm tắt. Ðến khi họ xin toàn bộ file dịch tác phẩm thì chúng tôi lại không có, vì chỉ dịch trước cỡ khoảng một chương thôi.

Chúng tôi đã từng tìm dịch giả dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh và tiếng Trung nhưng thật sự là rất khó. Vì những dịch giả dịch ngược như thế ở trong nước không nhiều, và hầu như họ cũng đã kín việc rồi. Một cuốn sách có khi phải dịch cả năm trời mới xong nên họ không nhận lời. Chính vì vậy, dự án đó đành phải gác lại. Tuy nhiên hiện tại, cuốn Song song của tác giả Vũ Ðình Giang đang được Chibooks dịch sang tiếng Trung và đang được một dịch giả độc lập dịch sang tiếng Anh.

Việc dịch những đầu sách trong Tủ sách Văn hóa Việt, về độ khó có lẽ không bằng so với sách văn học, trong khi, bạn bè nước ngoài họ cũng quan tâm hơn. Chính vì vậy, Chibooks quyết định triển khai dịch để đưa tủ sách này ra trước. Chúng tôi đã làm việc với một số chuyên gia và dịch giả người nước ngoài chuyên dịch tiếng Việt, và họ đã đồng ý. Trước mắt, dự án sẽ triển khai bằng tiếng Trung. Ðồng thời, chúng tôi tìm thêm những chuyên gia uy tín để dịch sang tiếng Anh.

Quan trọng nhất vẫn là dịch thuật

- Câu chuyện mang sách Việt Nam ra thế giới đã được bàn đến từ nhiều năm nay, nhưng rồi đâu lại vào đó. Theo chị, vấn đề cốt lõi ở đây là gì?

- Tôi nghĩ, trước hết vẫn phải có sự đầu tư trong vấn đề dịch thuật, dịch thuật vô cùng quan trọng. Bởi vì, anh phải đưa ra một cuốn sách đã được dịch toàn bộ thì bạn bè nước ngoài đọc họ mới thẩm định được nó thú vị, hay và hấp dẫn như thế nào.

Trước đây, ở các hội sách, theo thời gian đã hẹn, đại diện của các nhà xuất bản sẽ đến dự, họ quan tâm đến cuốn sách nào thì mình giới thiệu về cuốn sách ấy tại chỗ cho họ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, vì đó mới chỉ khơi gợi sự tò mò đối với họ thôi. Người ta vẫn cần bản thảo, và một bản thảo hoàn chỉnh đòi hỏi rất nhiều công sức.

Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi từ đất nước láng giềng là Malaysia. Trước đây, chính phủ nước này đã đầu tư một khoản tiền rất lớn, họ dồn vào ba năm cho công việc dịch thuật sang tiếng Anh, với khoảng 200 - 300 đầu sách về văn hóa, con người lẫn văn học Malaysia rồi chào bán ra nước ngoài bằng bản thảo đã được dịch hoàn chỉnh.

Và họ thành công. Tất nhiên, không phải họ thành công ngay lập tức. Có thể năm đầu tiên họ chưa gặt hái được kết quả nhưng dần dần, các nước muốn tìm hiểu về Malaysia thì phải đọc qua bản tiếng Anh trước. Họ đọc và quan tâm, thì lúc đó họ sẽ mua bản quyền và tự dịch thuật sang ngôn ngữ của nước họ và in tại nước họ.

Còn ở nước mình, sách Việt được dịch ra tiếng nước ngoài rất ít, thường là do tự phát mà chưa có một kế hoạch lớn tầm cỡ từ các cơ quan chức năng, tương tự như dự án mà Chính phủ Malaysia đã triển khai.

- Ngoài vấn đề dịch thuật, theo chị, chúng ta đang thiếu điều gì nữa?

- Ðầu tiên là thiếu tiền, vì công việc dịch thuật ra tiếng nước ngoài rất tốn kém. Thứ hai, để việc quảng bá giới thiệu sách Việt ra nước ngoài có hệ thống và hiệu quả, chỉ có một cách duy nhất đó là cơ quan chức năng tổ chức, và được đầu tư kinh phí từ Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có một hội đồng thẩm quyền để lựa chọn ra những cuốn sách đặc trưng cho Việt Nam, và cho tiến hành dịch để giới thiệu ra ngoài. Chỉ có cách như vậy mới hiệu quả. Còn hiện tại, cách làm như của Chiboosk chỉ giống như góp vào những hạt cát rất nhỏ, và cũng chỉ làm được trong số sách của mình thôi.

- Nhưng khách quan mà nói, chúng ta vẫn chưa biết mức độ quan tâm của độc giả thế giới dành cho sách Việt như thế nào. Từ trải nghiệm của những lần tham dự hội sách quốc tế cũng như giao dịch với đối tác nước ngoài, chị nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Qua những lần gặp gỡ, tiếp xúc và trao đổi tại các hội chợ sách quốc tế, tôi thấy thật ra ở các nước đang rất thiếu thông tin về Việt Nam. Họ không hiểu nhiều vì chỉ được đọc một số tác phẩm văn học đã được dịch ra nước ngoài. Theo tôi, chúng ta cần giúp độc giả thế giới được tiếp xúc với các tác phẩm của nhiều tác giả hơn và đa dạng hơn, từ đó họ sẽ hiểu Việt Nam nhiều hơn.

Ngoài ra, trong việc đưa sách ra nước ngoài, chúng ta cũng đừng quá nặng nề trong việc phải giới thiệu những cuốn sách thật cao siêu, thuộc hàng kiệt tác. Ðộc giả thế giới đang có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, đời sống của con người Việt Nam, có thể có nhiều cuốn sách liên quan, không nhất thiết phải là tiểu thuyết.

Tất nhiên, có những tác phẩm văn học hay nếu không được giới thiệu ra với độc giả quốc tế thì bản thân người làm sách sẽ lấy làm tiếc. Nhưng để đại đa số có thể tiếp cận được thì không hẳn là như thế, mà có rất nhiều sách Việt khác. Theo tôi, các đơn vị khác cứ mạnh dạn lên, nếu có điều kiện thì cũng nên thử sức.

- Xin cảm ơn chị!