19/04/2024 lúc 20:41 (GMT+7)
Breaking News

Giúp đỡ những phận đời bị bỏ quên giữa mùa dịch COVID-19

VNHN - Những người làm nghề bán vé số ở Đà Nẵng mắc kẹt tại các khu nhà trọ này giữa mùa dịch bệnh COVID-19. Họ đều 70, 80 tuổi, họ không đau chân thì cũng mang bệnh nan y trong người nên không thể đến các điểm từ thiện. Một nhóm từ thiện đã tìm đến họ để họ có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn.

VNHN - Những người làm nghề bán vé số ở Đà Nẵng mắc kẹt tại các khu nhà trọ này giữa mùa dịch bệnh COVID-19. Họ đều 70, 80 tuổi, họ không đau chân thì cũng mang bệnh nan y trong người nên không thể đến các điểm từ thiện. Một nhóm từ thiện đã tìm đến họ để họ có thêm sức mạnh vượt qua khó khăn.

Chiếc xe của anh Huỳnh Công – một trong những tình nguyện viên của nhóm "Bạn thương nhau” chạy sâu vào con hẻm trên một tuyến phố lớn, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Thêm vài cuộc gọi, bà Lê Thị Thuận (75 tuổi) mới vội vã ra đón anh vào khu xóm trọ của hơn 30 người bán vé số. Những căn phòng 10m2 được giới thiệu có 3 đến 4 người ở hiện ra trước mắt khiến anh Công như ngột thở, “sao có thể sống từng đó năm ở đây được!”. Sau giây phút ngỡ ngàng, sực nhớ ra công việc của mình, anh Công đi một vòng khu trọ 11 phòng rồi nói lớn: “Hiện giờ có cụ ông, cụ bà nào đang ở đây thì lên tiếng, con sẽ đi từng phòng để lấy thông tin.

Chúng con muốn tặng gạo cho mọi người”. Vừa nghe đến đó, bà Võ Thị Thơm (71 tuổi, quê Quảng Ngãi) lật đật mở cửa phòng nói vọng, bình thường ở đây mỗi phòng ở 3 đến 4 người nhưng từ hồi dịch bệnh giờ, đại lý vé số ngưng hoạt động, nhiều người đã về quê rồi. “Còn mấy người chúng tôi, kẻ thì đau bệnh, người thì bị mắc kẹt lại vì không có xe, có bà không còn gia đình để về nên mới ở lại đây” – bà Thơm cho hay. “Vậy có tổ chức hay ai đến đây cho gạo, mỳ tôm gì các bà không?” – anh Công hỏi khi nhìn vào căn phòng chật chội nhưng chỉ có mùng mền chăn chiếu với vài bộ quần áo. “Hôm trước được công ty hỗ trợ vài kí gạo thôi.

Nhiều hoàn cảnh khó khăn chưa nhận được hỗ trợ giữa mùa dịch vì nhiều lý do. Ảnh: TTXVN

Đây là khu trọ của đại lý cho các bà ở nhờ, mình không có hộ khẩu nên làm chi có phần” – bà Thuận cười buồn. Chẳng những vậy, những người mắc kẹt lại ở khu nhà trọ này giữa mùa dịch bệnh đều đã 70, 80 tuổi, họ không đau chân thì cũng mang bệnh nan y trong người. Các bà cũng nghe người ta phát cơm, phát gạo chỗ này chỗ kia nhưng không đi nổi. Nhắc đến đây, anh Công kể, có lần chúng tôi phát cơm miễn phí cho bà con cũng nghe được chuyện hai vợ chồng nọ bắt xe ôm đi nhận gạo nhưng khi đến nơi mới biết mỗi người chỉ được 2 kg.

“Tiền xăng xe quay về còn hơn cả tiền gạo, mà người đã đi xin gạo thì làm gì có tiền!”. Biết được những hoàn cảnh đó, sau khi hoàn thành 15 ngày với hơn 10.000 suất ăn miễn phí dành cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, CLB “Bạn thương nhau” đã tiếp tục chương trình “Hạt gạo nghĩa tình” với mục tiêu phải đi xa hơn, đến những nơi thật khó, những người thật cần và thậm chí là bị xã hội vô tình bỏ quên để hỗ trợ họ. Để có thể thực hiện chương trình, các thành viên phải len lỏi vào từng ngóc ngách của thành phố, đến những xóm trọ của các gia đình thu mua ve chai, cô chú bán vé số, người già neo đơn, người khuyết tật.

Ngày đi làm, đến tối, 15 đến 20 thành viên của nhóm lại tập trung lại chia nhau từng khu vực, ghi chú từng địa chỉ rồi lên đường. Ngày đầu tiên đi khảo sát về, anh em kể cho nhau nghe chuyện có cụ ông nằm liệt một chỗ, sống ở nhà kho của một chung cư. Hỏi người thân đâu thì cụ chỉ tay lên trần, nói có gia đình em trai sống ở tầng trên. “Ông sống nhờ tình thương của các cô chú bán tạp hoá trong chung cư. Họ có gì thì cho cụ ăn nấy” – kể đến đây, một bạn trẻ rơi nước mắt. Anh Nguyễn Bình Nam – thành viên CLB cho biết: “Sau hai ngày, chúng tôi đã tìm kiếm được hơn 200 trường hợp là những người rất khó khăn mà các tổ chức từ thiện chưa tiếp cận được vì nhiều lý do.

Từ dự kiến hỗ trợ 1.000 trường hợp, chúng tôi sẽ rút lại còn khoảng 500 đến 600 trường hợp nhưng mỗi phần quà sẽ tăng lên, không chỉ gạo, nhu yếu phẩm, họ còn cần hỗ trợ tiền để lo cho nhiều ngày về sau”. Nói là vậy nhưng chính anh Nam lại tự nhận, sự giúp đỡ của CLB sợ rằng sẽ cũng như “muối bỏ bể”, chẳng thấm vào đâu với những số phận ấy. "Chúng tôi sẽ cố gắng trong khả năng có thể" - anh Nam suy tư với chính câu nói của mình.

Thế nhưng, từ ánh mắt của bà Thuận luôn sáng lên những niềm vui, hy vọng khi trò chuyện với anh Công đến những lời cám ơn không tròn tiếng của người đàn ông bị chính gia đình bỏ rơi nay lại nhận được những cái nắm tay, lời hỏi han, sự quan tâm của những người trẻ, xa lạ. Tất cả đã khiến căn nhà trọ chật hẹp cho đến cái nhà kho tăm tối trở nên ấm áp lạ thường. Và, bất chấp cơn mưa đang đổ như trút ngoài trời giữa những ngày khó càng thêm khó lại khiến người ta thấy có những con người đang miệt mài sống là cho đi.