25/04/2024 lúc 23:32 (GMT+7)
Breaking News

Giữ hồn quê trong phố

Mặc dù đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Đang được tiếp thu và hưởng thụ nền văn hóa hiện đại nhưng các thế hệ người dân Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) vẫn lưu giữ và phát huy thế mạnh của những làn điệu dân ca bài chòi. Loại hình nghệ thuật độc đáo này luôn được các địa phương tổ chức nhân dịp các sự kiện chính trị của quê hương, đất nước, ngày tết cổ truyền dân tộc và luôn được nhân dân trân quý, lưu giữ như giữ hồn quê trong phố.

VNHN - Mặc dù đang trong giai đoạn đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Đang được tiếp thu và hưởng thụ nền văn hóa hiện đại nhưng các thế hệ người dân Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) vẫn lưu giữ và phát huy thế mạnh của những làn điệu dân ca bài chòi. Loại hình nghệ thuật độc đáo này luôn được các địa phương tổ chức nhân dịp các sự kiện chính trị của quê hương, đất nước, ngày tết cổ truyền dân tộc và luôn được nhân dân trân quý, lưu giữ như giữ hồn quê trong phố.

Liên hoan hô hát bài chòi xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Món ăn tinh thần

Bài chòi là một loại hình dân ca và trò chơi dân gian đặc trưng của khu Trung Trung bộ từ những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Riêng đối với Tam Kỳ, những làn điệu dân ca bài chòi đã xuất hiện từ rất sớm và được các thế hệ người dân lưu truyền từ đời này sang đời khác. Tuy tổ chức chưa được bài bản và hoành tráng nhưng cứ vào dịp Tết Nguyên Đán, ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn, các hội bài chòi được tổ chức từ 30 tháng chạp đến mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Những làn điệu dân ca bài chòi luôn mang giai điệu và âm hưởng riêng biệt của từng địa phương Tam Thăng, Tam Phú, Tam Ngọc… thì dìu dặt, bồng bềnh như ngọn gió chiều thổi nhẹ qua những cánh đồng lúa chín vàng; Tam Thanh thì giọng ca cao vút xen lẫn với những âm rất thấp trầm bỗng du dương, phải chăng đó là chất giọng của những con người cả đời gắn bó với cuộc sống “Ăn sóng, nói gió”; Hòa Hương, Hòa Thuận, Tân Thạnh và các phường nội thị thì tiết tấu nhanh, hùng hồn mang hơi thở và cuộc sống công nghiệp…Diễn viên là những cán bộ, công chức, viên chức và những người nông dân. Mặc dù công việc bận rộn nhưng bà con vẫn dành thời gian luyện tập cùng với sự đầu tư về trang phục tạo nên sân chơi đầy sắc màu cả về nội dung lẫn hình thức. Phong trào hô hát bài chòi được các địa phương duy trì tổ chức thường xuyên vào mỗi dịp Xuân về Tết đến. Điệu hát ru, điệu lý thương nhau, lý tang tình, khoan hỡi hò khoan là những giai điệu được thể hiện nhiều nhất. Lời hát là những bài thơ bốn chữ theo điệu vè và nhiều nhất là thơ lục bát, không có nét nhạc cố định mà tùy theo thanh giọng của câu thơ. Động tác trên sân khấu áp dụng các điệu múa sắc bùa, lục cúng, bát dạo. Ngôn ngữ thể hiện trong hô hát bài chòi rất dân dã có thể bày tỏ tình cảm trai gái lứa đôi, ve vãn, phê phán những thói hư tật xấu, nói chuyện thời tiết mùa màng, chuyện chính sự, phụ sự... “Nực cười chị bán thịt heo/ Hai vai gánh nặng lại đèo móc cân…” (quân bài Tứ móc). “Một anh để em ra/ Hai anh để em ra/ Về em buôn em bán/ Trả nợ bánh tráng, trả nợ bánh xèo/ Còn dư trả nợ thịt heo/ Anh đừng lầm em nữa, kẻo mang nghèo vì em” (quân bài Nhì nghèo). Hoặc  “Ngồi buồn nghĩ chuyện đời nay/ Trai tài gái sắc sao tày ngày xưa/ Đời nay ăn sớm ngủ trưa/ Ngồi lê đôi mách bỏ thưa việc nhà” (quân bài Bảy thưa)…

Anh Hiệu - người hát dân ca bài chòi cũng là nhân vật đóng vai trò quan trọng trong một ván bài.

Bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhân dân các địa phương nhất là đối với các xã nông nghiệp. Bài chòi có hình thức chơi tương tự như chơi lô tô với 30 tấm thẻ bài và không gian chơi diễn ra trong các chiếc chòi làm bằng tre lợp tranh hoặc lá. Chính vì tính dân dã, mộc mạc và vui nhộn nên trò chơi dân gian này thu hút khá đông người đến tham gia. Họ đắm mình trong những làn điệu dân ca quen thuộc, thả hồn theo những câu hò, điệu hát và muốn tìm may mắn đầu năm. Đến với sân chơi bài chòi người chơi không chỉ chiêm ngưỡng các diễn viên trổ tài vừa biểu diễn, vừa hát hò, đối đáp mà còn là dịp gặp gỡ bà con làng trên xóm dưới và đây còn là nơi để cho những nam thanh, nữ tú gặp gỡ, tìm hiểu, trao duyên.

Các đội tham gia hô hát bài chòi ngày càng được đầu tư cả về nội dung lẫn hình thức.

Phát huy giá trị văn hóa

Để giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này, trong những năm qua các ngành chuyên môn của thành phố Tam Kỳ đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều cuộc thi. Qua đó, tìm ra những nhân tố mới để bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ nhằm làm nòng cốt trong phong trào văn nghệ ở cơ sở. Đồng thời nỗ lực sưu tầm, biên soạn và đưa vào giảng dạy tại các trường học nhằm góp phần bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc. Đặc biệt, mới đây Trung tâm Văn hóa – Thể thao & Truyền thông thành phố Tam Kỳ phối hợp với Đoàn ca kịch Quảng Nam đã tổ chức lớp tập huấn đàn và hát dân ca. Trong thời gian gần 1 tuần, 40 học viên được tuyển chọn từ các địa phương đã được hướng dẫn kỹ năng thể hiện hai bài hát gồm Gởi lòng con đến cùng cha của Nhà thơ Thu Bồn và bài Quảng Nam tung cánh chim bằng của tác giả Hải Liên. Ngoài ra các học viên còn được hướng dẫn kỹ năng thể hiện các bài lý, hò, vè và những sáng tác mới như Lý tang tít, Lý vọng phu, Lý ngựa ô, Lý Thường, Hò khoan, Hò chèo thuyền, Hò giã vôi, Vè Quảng, Lý thương nhau, Đất Hồ lòng Hán, Vọng Kim Lang…Và thực hành các làn  điệu dân ca khu V như Xuân nữ, Xàng Xê, Cổ bản, Hò Quảng….Dịp này các học viên còn được hướng dẫn kỹ năng hô hát bài chòi qua nội dung của 30 quân bài chứa đựng sâu sắc tâm tư, tình cảm, ước mơ hướng đến các giá trị cao quý của cuộc sống, có tính cách mạnh mẽ và đầy khát vọng luôn vươn tới chân thiện mỹ. Lời bài hát được kết nối từ quá khứ đến tương lai với một vẻ đẹp nội sinh, gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông. Trong 30 quân bài mang nội dung, sắc thái riêng nhưng tựu trung mang ý nghĩa cuộc sống, giá trị văn hóa dân gian. “Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá/ Ngó xuống biển thấy cặp cá đang bơi/ Đã thương nhau thì chí quyết trọn đời/ Ai mà phụ rẫy ông trời phạt cho/ Đã thương nhau thì đừng có đắn đo/ Sang hèn mặc kệ sao cho duyên vầy/ Tình chồng, nghĩa vợ là đây/ Ông Tơ, bà Nguyệt nối dây tơ hồng/ Nối dây tơ hồng thì anh chồng, em vợ/ Phải duyên, phải nợ thì mình giữ con Tám giây” (quân bài 8 giây). “Trời mưa ướt lá trầu vàng/ Ướt anh, anh chịu ướt nàng anh thương/ Trời mưa ướt lá trầu hương/ Ướt em, em chịu ướt người thương em sầu/ Bao năm anh vun xới dây trầu/ Cau nhà em đã lớn anh bắt cầu nhớ thương/ Trầu với cau nghĩa nặng, tình thương/ Anh về thắt gióng gánh trầu hương sang nhà” (quân bài Tứ gióng). Hay “Làm trai cho đáng nên trai/ Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài tan/ Còn ông thì mất nết, ông hư thân/ Sáng ông say, chiều ông xỉn, ông nợ nần tứ tung/ Còn bà có khác gì tôi/ Bà ngồi lê đôi mách ăn rồi bà chạy rông/ Người ta thì tứ đức tam tòng/ Còn bà thì miệng nhọn chửi chồng như bắp rang” (quân bài Thất nhọn)…

Trước xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, dân ca nói chung, trò chơi bài chòi nói riêng đã và đang có nguy cơ bị mai một bởi trước những luồng văn hóa ngoại lai. Vì vậy, việc lưu giữ được giá trị nguyên bản của loại hình nghệ thuật này là một việc làm cần được phát huy.