24/04/2024 lúc 02:00 (GMT+7)
Breaking News

Giới sưu tập quốc tế chú ý tới tranh Việt

VNHN-Tại phiên đấu giá chủ đề Modern and Contemporary Southeast Asian Art của nhà Sotheby’s Hong Kong diễn ra trong 2 ngày đầu tháng 4-2019, tranh của các họa sĩ Việt Nam tiếp tục thắng. Một lần nữa, phần lớn các tranh Việt đã đấu thành công, tạo được nhiều sự chú ý của giới sưu tập quốc tế.

VNHN-Tại phiên đấu giá chủ đề Modern and Contemporary Southeast Asian Art của nhà Sotheby’s Hong Kong diễn ra trong 2 ngày đầu tháng 4-2019, tranh của các họa sĩ Việt Nam tiếp tục thắng. Một lần nữa, phần lớn các tranh Việt đã đấu thành công, tạo được nhiều sự chú ý của giới sưu tập quốc tế.

Đáng chú ý nằm ở các tranh sơn mài Việt Nam, khi mà các lô hàng sơn mài đều được đấu thành công. Nổi bật nhất là 2 bức sơn mài của nữ họa sĩ người Pháp Alix Aymé (1894 - 1989), người có đóng góp rất lớn cho sơn mài Việt Nam. Từng là Giáo sư giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Alix Aymé đã có những thành tựu đáng kể trong sáng tạo tranh sơn mài cũng như truyền cảm hứng sơn mài cho nhiều sinh viên Việt, trong đó đặc biệt là Nguyễn Gia Trí. Bức Femmes Dans La Foret (Phụ nữ trong rừng, 150cm x 200cm) đã được bán giá 151.276 USD, hơn 3,5 tỷ đồng. Bức Liseuse À Côté De L’annamite (Cô gái đọc sách ở triền đồi nước Nam, 46cm x 70cm, thực hiện khoảng năm 1930 - 1940) giá bán 31.848 USD, hơn 740 triệu đồng.

Tác phẩm Nine carps in the water của họa sĩ Phạm Hậu gây sốc tại phiên đấu

Theo thông tin trên trang cá nhân của nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, bức Ghềnh thác Chợ Bờ của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, kích thước 150cm x 375cm, năm sáng tác 1942 cũng đã được bán với giá 300.000 EUR.

Tạo cú sốc lớn nhất về giá trong phiên đấu tại Sotheby’s Hong Kong lần này là tác phẩm Nine carps in the water của họa sĩ Phạm Hậu (1903 - 1995). Tác phẩm sơn mài bức bình phong, gồm 4 tấm ghép lại, vẽ 9 con cá chép (180cm x 198cm, sáng tác khoảng 1939 - 1940) của họa sĩ Phạm Hậu đã gõ búa thành công ở mức giá 878.354 USD, hơn 20 tỷ đồng. Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, đây là tác phẩm của họa sĩ Việt Nam có giá cao thứ hai trên sàn đấu giá quốc tế - sau tác phẩm cán mốc triệu đô The Family của danh họa Lê Phổ đấu giá thành công năm 2017. Cái tráp sơn mài vẽ cảnh ao làng (46cm x 23,5cm x 8,5cm, khoảng năm 1939 - 1940) của Phạm Hậu bán 25.478 USD, gần 600 triệu đồng. Bức L’entrée Du Village (Cổng làng, 121,5cm x 54cm) của Phạm Hậu cũng được bán với giá 76.434 USD, hơn 1,7 tỷ đồng.

Cố họa sĩ Phạm Hậu được xem là người đi đầu trong ngành nghệ thuật sơn mài Việt Nam - người đã tạo ra bản lề kết nối giữa mỹ thuật hiện đại với truyền thống. Ông cũng là một trong 3 người sáng lập ra Trường Quốc gia Mỹ nghệ, tiền thân của Trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội ngày nay.

Phạm Hậu theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương từ năm 1929 - 1934, cùng thế hệ các họa sĩ Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quyền, Nguyễn Văn Thuần, Trần Văn Cẩn... Năm 1932, người Pháp đưa vào chương trình học môn Sơn ta, ông hăng hái tiếp nhận và phát triển thành kỹ thuật vẽ tranh sơn mài. Giữa thập niên 1930, ông lập xưởng tranh chuyên sơn mài đầu tiên. Phạm Hậu giành Huy chương vàng Salon (năm 1935) của Hội Khuyến khích phát triển Mỹ thuật và Kỹ nghệ.

Ông cũng là người soạn thảo văn bản giáo khoa, đặt nền móng lý thuyết cho việc dạy học về nghệ thuật sơn mài và trực tiếp giảng dạy tại Trường Quốc gia Mỹ nghệ. Ông nổi danh với các bức sơn mài Gió mùa hạ, Cơn giông, Ngàn thu nhớ Bác, Phong cảnh Bắc bộ, Cá vàng…

Cũng trong phiên đấu giá của Nhà Sotheby’s, nhiều tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam cũng được đấu thành công, với những mức gõ búa cao nhiều lần so với mức khởi điểm. Một tác phẩm của Ngô Văn Hoa, một họa sĩ Gia Định chuyên vẽ lụa, bán cao hơn 10 lần giá khởi điểm.

Bức Thiếu nữ khởi điểm hơn 1.900 USD, đã chốt giá bán 23.886 USD. Tác phẩm Chân dung thiếu nữ của Lương Xuân Nhị, có giá ước đoán từ 28.000 USD đã bán thành công mức 111.466 USD. Bức lụa Thiếu nữ của Mai Trung Thứ có giá khởi điểm từ 7.643 USD, đã được bán với giá 66.880 USD.

Tác phẩm của Nguyễn Văn Tỵ có giá ước đoán từ 7.643 USD đã được bán với giá 111.466 USD. Tác phẩm của Trần Bình Lộc có giá khởi điểm từ 15.287 USD đã được chốt ở mức giá 87.581 USD…

Theo SGGP