19/04/2024 lúc 03:24 (GMT+7)
Breaking News

Giãn cách ở trường học:  Vì sao cộng đồng phản đối?

VNHN - Chỉ sau 2 ngày các trường mở cửa trở lại, cộng đồng mạng xã hội lại xôn xao với nhiều ý kiến đánh giá về vấn đề giãn cách an toàn cho các học sinh. Đa phần ý kiến đều phản bác những giải pháp giãn cách đang được áp dụng ở nhiều trường học hiện nay, cho rằng có tính hình thức hoặc phản tác dụng, thậm chí nguy hại cho sức khỏe học trò.

VNHN - Chỉ sau 2 ngày các trường mở cửa trở lại, cộng đồng mạng xã hội lại xôn xao với nhiều ý kiến đánh giá về vấn đề giãn cách an toàn cho các học sinh. Đa phần ý kiến đều phản bác những giải pháp giãn cách đang được áp dụng ở nhiều trường học hiện nay, cho rằng có tính hình thức hoặc phản tác dụng, thậm chí nguy hại cho sức khỏe học trò.

Nhiều hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, việc chấp hành chủ trương bảo đảm giãn cách an toàn và vệ sinh dịch tễ cho các học sinh, nhất là lứa tuổi tiểu học và mầm non, đang được nhiều trường sở vận dụng bất hợp lý, quá khiên cưỡng cứng nhắc và cả… phản khoa học.

Hình ảnh học sinh với các tấm chắn nhựa che mặt đang lan truyền trên mạng xã hội với nhiều ý kiến phê phán.

Nhiều hình thức… nguy hiểm?

Trên mạng Facebook, bác sĩ Nguyễn Hữu Nghi (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng) chia sẻ, hình ảnh những tấm chắn che mặt bằng nhựa đang được dùng ở một số trường học cần phải xem xét lại. Theo phản ảnh, học sinh một số trường ở Hà Nội, TP.HCM đang đến lớp với các tấm nhựa che trước mặt bởi yêu cầu của phụ huynh và nhà trường. Bác sĩ Nghi lý giải: “Bình thường giác mạc (thường gọi là tròng đen) hình chỏm cầu có đường cong gần như hoàn hảo. Trường hợp đường cong biến dạng bất thường, những tia sáng song song từ vô cực đi vào mắt qua giác mạc sẽ không hội tụ ở một điểm, mà hiển thị ở nhiều điểm khác nhau trên võng mạc, làm cho hình ảnh tạo ra không rõ ràng. Đó chính là loạn thị. Những tấm nhựa chắn dạng cong sẽ gây ra trình trạng độ cong giác mạc bất thường như vậy, làm học sinh nhìn không rõ, buộc mắt các cháu điều tiết nhiều hơn, dẫn đến nhức mắt, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn…”.

Hơn nữa, nhiều phụ huynh phản ảnh, các trường đang yêu cầu học sinh đeo khẩu trang liên tục trong lớp, cùng với lớp kính nhựa che mặt, trong lúc trời nắng nóng, sẽ vừa làm ảnh hưởng sức khỏe học sinh vừa gây phiền toái cho mọi hoạt động học tập và sinh hoạt khác. Một số hình ảnh ở các trường tiểu học, mẫu giáo cũng cho thấy, có trường buộc học sinh khi nằm nghỉ ngơi vẫn phải đeo khẩu trang, thật sự rất bất tiện và phản cảm.

Việc tuân thủ giãn cách với cự ly được coi là an toàn trong lớp học cũng bị nhiều phụ huynh phản đối. Họ cho rằng, yêu cầu giãn cách từ cự ly là bệnh hình thức không cần thiết, bởi đến nay vẫn chưa có chuẩn y tế nào đưa ra về khoảng cách an toàn cho dịch bệnh COVID-19. Đòi hỏi giữ cự ly 1 mét với các học sinh là bất khả thi, vì vào giờ ra chơi, học sinh vẫn sẽ tiếp cận nhau, nhất là với lứa tuổi hiếu động, việc kềm giữ học sinh có khoảng cách là không nên. Do đó, trong giờ học ngồi cách xa mà sau đó học sinh lại “bá vai bá cổ”, yêu cầu giãn cách cự ly của các trường sẽ không thực hiện được, vậy có cần thiết ban hành?

Những đứa trẻ thích thú với máy sát khuẩn tự động được chế tạo đặt ở các cổng trường.

Cần những đánh giá chuyên môn!

Theo bác sĩ Nghi, các đơn vị ngành giáo dục nên nhanh chóng tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên về khoa mắt trước khi cho học sinh sử dụng các loại kính chắn bằng nhựa trong lớp học; cũng như những yêu cầu khác về bảo đảm tiêu chuẩn an toàn dịch tễ cho học sinh. “Không nên cảm thụ vấn đề một cách cảm tính trực quan, mà cần có cơ sở khoa học chuyên môn, từ đó mới đưa ra những quyết định áp dụng hay không. Có như vậy, yêu cầu về giãn cách học đường, phòng ngừa dịch bệnh trong môi trường giáo dục mới có tính hiệu quả thực thụ, chứ không phải là hình thức báo cáo suông”. Bác sĩ Nghi nhấn mạnh như vậy.

Trao đổi với một số giáo viên đứng lớp tại Đà Nẵng, Việt Nam Hội nhập cũng ghi nhận được những ý kiến “nên giảm tải áp lực cho đội ngũ các thầy cô giáo về việc tuân thủ các yêu cầu giãn cách, y tế phòng dịch”. Về cơ bản, các thầy cô giáo không thể vừa bảo đảm các yêu cầu chuyên môn giảng dạy vừa thực thi tốt các yêu cầu vệ sinh phòng dịch, hướng dẫn học sinh bảo vệ mình, làm vệ sinh môi trường… Nhất là ở những lớp tiểu học và mầm non, việc yêu cầu các giáo viên vừa lo giảng dạy, vừa kiêm chức năng nhân viên y tế hay vệ sinh, rồi tư vấn, giải thích với các phụ huynh học sinh… sẽ là áp lực không hề đơn giản, cần được thông cảm và hỗ trợ hợp lý.

Một số giáo viên cho rằng, môi trường tại các trường học hiện nay là đảm bảo an toàn. Các trường theo chỉ đạo chung, đã thường xuyên sát khuẩn vệ sinh khuôn viên và lớp học. Hội phụ huynh các lớp học cũng hỗ trợ dung dịch sát khuẩn, khăn lau bàn ghế, và khẩu trang cho học sinh. Thầy giáo Hồ Viết Hà, Hiệu phó trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng cho biết, nhiều trường ở địa bàn đã hợp tác lắp đặt các máy sát khuẩn tự động do nhà trường chế tạo trong thời gian qua, đặt tại các cổng trường và cả tại lớp học cho học sinh dễ dàng sử dụng. Theo đó, vấn đề giãn cách tại nhà trường không nhất thiết phải tổ chức một cách nghiêm ngặt nữa.

Chỉ cần hội ý cùng các cơ quan, tổ chức chuyên môn, phía y tế và các đơn vị khoa học để có được những giải pháp phù hợp, thì công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn dịch tễ tại các trường học đã bảo đảm rồi. Hãy để học sinh trở lại trường lớp một cách tự nhiên, thoải mái nhẹ nhàng, không quá bị áp lực dịch bệnh đe dọa”. Thầy Hà nhận xét như vậy.