29/03/2024 lúc 19:27 (GMT+7)
Breaking News

Giải mã tác động ngoại

VNHN - Những ngày qua, diễn biến từ thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế được nhà đầu tư (NĐT) theo dõi sát sao vì nhiều ý kiến cho rằng sẽ tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK trong nước. Nhưng thực tế liệu có đúng như vậy?

VNHN - Những ngày qua, diễn biến từ thị trường chứng khoán (TTCK) quốc tế được nhà đầu tư (NĐT) theo dõi sát sao vì nhiều ý kiến cho rằng sẽ tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến TTCK trong nước. Nhưng thực tế liệu có đúng như vậy?

Đây là vấn đề không mới nhưng không phải lúc nào cũng được nhìn nhận thấu đáo. Phiên ngày 14-5 vừa qua bắt đầu với thông tin chỉ số Dow Jones (Mỹ) giảm đến 600 điểm vào đêm hôm trước. Tưởng chừng VN Index cũng đồng biến với Dow Jones như một số lần trước nhưng thực tế đã diễn ra ngược lại khi VN Index tăng gần 7 điểm, lên 965 điểm. Cũng nên biết rằng, cách đây hơn một tuần, TTCK trong nước “đồng biến” với TTCK thế giới vì những lo ngại liên quan đến chiến tranh thương mại.

Không thể phủ nhận tác động của TTCK quốc tế với TTCK trong nước nhưng thay vì duy trì một cường độ thì tác động này lại khi tỏ, khi mờ. Nếu NĐT chỉ quan sát và nhận định một cách máy móc thì rất dễ dẫn đến sai lầm, thua lỗ. Đơn cử như phiên 14-5, nếu NĐT nào mở vị thế bán (short) phái sinh từ đầu phiên sáng vì cho rằng quốc tế giảm thì trong nước cũng giảm sẽ dẫn đến thua lỗ ngay lập tức. Cũng với chiến thuật này, nếu áp dụng vào tuần trước đó thì thường NĐT sẽ có lãi.

NĐT như vậy sẽ phải đối mặt hai thách thức: Thứ nhất, tính toán cả diễn biến của TTCK thế giới. Thứ hai, tính toán được mức độ ảnh hưởng từ TTCK thế giới đến với Việt Nam.

Với thách thức thứ nhất, so cách đây một thập kỷ, hiện nay NĐT có nhiều dữ liệu hơn để có thể dự báo các chỉ số như Dow Jones, S&P500… Nhưng NĐT cũng chỉ tham khảo chủ yếu qua các kênh thông tin, nhận định từ các tổ chức tài chính, các hãng thông tấn nước ngoài. Cũng có những NĐT thiết lập cả hệ thống phân tích kỹ thuật dành cho TTCK Mỹ. So với phân tích cơ bản thì phân tích kỹ thuật trong trường hợp này thực dụng hơn và cũng đỡ tốn kém chi phí cho các NĐT hơn.

Với thách thức thứ hai thì phức tạp hơn. Có thể minh họa như sau, hiện nay VN Index đang dao động quanh khu vực 950-1.000 điểm, và trong chu kỳ này, tùy vào việc VN Index nằm ở ngưỡng nào sẽ dẫn đến tác động của TTCK quốc tế theo những hướng khác nhau. Chẳng hạn, khi TTCK thế giới diễn biến tiêu cực, trong trường hợp VN Index đang ở ngưỡng 980-990 điểm thì khả năng rơi 30 điểm xuống còn 950 điểm là khá cao. Nhưng nếu VN Index lúc này đã ở ngưỡng 950-960 điểm thì khả năng có thể giảm sâu xuống cận dưới là khá thấp. Tất nhiên, vẫn có thể xuất hiện 1-2 phiên VN Index rớt xuống ngưỡng 950 điểm rồi mới bật trở lại. Điều này cũng không có gì “phi lý” bởi lẽ, trong điều kiện TTCK trong nước không có tin xấu, mức định giá của cổ phiếu (CP) ổn định, thì chỉ cần TT giảm 10-15% trong ngắn hạn là có thể kích thích được lòng tham, nên dù TTCK thế giới giảm mạnh, mà định giá của CP trong nước đủ rẻ thì mức độ chống chịu cũng như phục hồi là khá tốt.

Đó là chiều xuống, còn với chiều lên, nếu TT đang ở mức giá hấp dẫn, thì yếu tố quốc tế tích cực có thể góp phần đẩy CP trong nước tăng mạnh. Nhưng trong trường hợp VN Index đang ở vùng 990-1.000 điểm, mà vẫn chưa có yếu tố nội lực đủ để đột phá, thì dù TTCK thế giới có tăng vẫn rất khó để chỉ số trong nước bứt phá.