25/04/2024 lúc 17:25 (GMT+7)
Breaking News

Giai đoạn mới trong Hội nhập kinh tế quốc tế

VNHN-Thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mới, làm thay đổi nền tảng của kinh tế thế giới. Liên kết kinh tế ngày càng sâu rộng, đa tầng nấc với nội hàm mở rộng sang các vấn đề phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo.

VNHN-Thế giới đang bước vào thời kỳ phát triển mới, làm thay đổi nền tảng của kinh tế thế giới. Liên kết kinh tế ngày càng sâu rộng, đa tầng nấc với nội hàm mở rộng sang các vấn đề phát triển bền vững, bao trùm, sáng tạo.

Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Quá trình chuyển dịch sức mạnh và cọ xát giữa các trung tâm kinh tế ngày càng mạnh mẽ.

​Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới đối với các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp. Do đó, vấn đề cần thiết là nhận thức đầy đủ hơn những điểm mới của hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT), xác định các giải pháp để tham gia, đóng góp đối với tiến trình này, nhằm nâng cao hiệu quả HNKTQT và hạn chế thách thức, thiết thực phục vụ đổi mới đồng bộ và toàn diện, phát triển bền vững.

Ảnh minh họa - Internet 

Không chỉ là hội nhập

Sau hơn 30 năm Đổi mới, kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu và gắn kết chặt chẽ với kinh tế khu vực và toàn cầu. Với tầm và quy mô hội nhập hiện nay, các mối quan hệ kinh tế quốc tế (KTQT) không đơn thuần là “hội nhập” mà ở tầm “liên kết”, thể hiện trên 3 khía cạnh:

Thứ nhất, HNKTQT chuyển sang giai đoạn triển khai sâu rộng và toàn diện. Có thể nói việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định FTA với EU - những FTA thế hệ mới, nhiều bên, quy mô rộng, mức độ cam kết cao, là những đột phá quan trọng của hội nhập quốc tế toàn diện của nước ta. Với việc triển khai và hoàn tất 16 Hiệp định FTA đã thực thi, đang đàm phán và chuẩn bị phê chuẩn, Việt Nam hứa hẹn sẽ trở thành tâm điểm của mạng lưới khu vực thương mại tự do rộng lớn chiếm 59% dân số thế giới, 61% GDP và 68% thương mại toàn cầu, góp phần gia tăng đan xen lợi ích của nước ta với hầu hết các đối tác hàng đầu khu vực và thế giới.

Thứ hai, trong 5 - 10 năm tới sẽ là giai đoạn đi vào thực thi các cam kết kinh tế quốc tế trên nhiều tầng nấc, trong đó có những cam kết FTA thế hệ mới tiêu chuẩn cao. Năm 2018 là thời hạn Việt Nam hoàn thành lộ trình thực hiện nhiều cam kết trong Hiệp định hàng hóa ASEAN (ATIGA) và cam kết gia nhập WTO (thời hạn 31/12/2018). Giai đoạn từ 2020 đến 2025 sẽ lần lượt hoàn tất các cam kết của các FTA ASEAN với Trung Quốc, Australia và New Zealand, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Từ 2026 đến 2030 là giai đoạn hoàn tất các cam kết của FTA Việt Nam với Nhật Bản, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Chile. Đây là thời điểm chúng ta bắt đầu thực thi nhiều cam kết cắt giảm sâu, tiêu chuẩn cao, trong khi thời hạn phải triển khai các cam kết FTA thế hệ mới đã rất gần. Điều đó sẽ tác động trực diện và sâu rộng đến kinh tế đất nước, các địa phương và doanh nghiệp, gia tăng sức ép cạnh tranh gay gắt hơn.

Thứ ba, HNKTQT trở thành trọng tâm nhằm đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Thành tựu của Đổi mới và hội nhập quốc tế đã tạo thế và lực mới cho nước ta. Năng lực chủ trì, điều hành và vai trò dẫn dắt của Việt Nam ngày càng được khẳng định sau thành công của Năm APEC 2017 và việc thúc đẩy hình thành Hiệp định CPTPP.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, nhiều trọng tâm đối ngoại đa phương cũng là các nhiệm vụ lớn của HNKTQT như thúc đẩy xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, định hướng tham gia WTO sau năm 2018, thực hiện đầy đủ các cam kết trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các Mục tiêu Bogor 2020, tham gia xây dựng, định hình các liên kết khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thực thi và tăng cường liên kết trong CPTPP và RCEP, hướng tới hình thành khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP)…

Những yêu cầu mới

Xuất phát từ xu thế khách quan và nhằm đáp ứng nhu cầu mới của đất nước, HNKTQT đang đặt ra những yêu cầu hoàn toàn mới.

Trước hết, khác với giai đoạn trước, HNKTQT giai đoạn hiện nay đòi hỏi đổi mới tư duy sang chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương. Cần tích cực tham gia đóng góp ý tưởng, đề xuất sáng kiến, hướng đến tạo dựng luật chơi, nâng hoạt động, sáng kiến lên tầm châu Á – Thái Bình Dương, đóng vai trò nòng cốt, tham gia dẫn dắt trong các lĩnh vực thuộc lợi ích sát sườn và ta có thế mạnh tại các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế có ý nghĩa chiến lược với phát triển, an ninh, vị thế của ta.

Hai là, mở rộng nội hàm hợp tác gắn với phát triển bền vững, sáng tạo và ứng phó các thách thức toàn cầu. Điều này phù hợp với xu thế chuyển đổi mô hình phát triển, thay đổi tư duy kinh tế, tư duy phát triển, quản trị kinh tế, chính trị, xã hội trên mọi tầng nấc theo hướng bền vững, bao trùm và sáng tạo.

Ba là, có cách tiếp cận mới trong triển khai, tận dụng các cam kết hội nhập, gắn với công nghệ số. Mở rộng thị trường và không gian phát triển cần đi đôi với nâng cao năng lực thực thi, tận dụng các FTA; thu hút các nguồn đầu tư, tài chính chất lượng, công nghệ cao. Đồng thời, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, vận dụng các luật lệ, chế tài để bảo vệ lợi ích đất nước trong các tranh chấp kinh tế - thương mại, tận dụng hiệu quả các công cụ phòng vệ hợp pháp để bảo vệ thị trường trong nước.

Bốn là, đẩy mạnh giải quyết các bất cập trong năng lực HNKTQT. Nâng cao nhận thức và năng lực HNKTQT của doanh nghiệp, địa phương để tận dụng các cơ hội là yêu cầu cấp bách. Đồng thời, cần tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc thực thi các cam kết hội nhập, phát triển nguồn nhân lực chất lượng gắn với công nghệ số, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập.

Nâng tầm ngoại giao phục vụ phát triển

Để đóng góp việc triển khai HNKTQT trong giai đoạn mới, góp phần phục vụ đổi mới đồng bộ và toàn diện, phát triển bền vững đất nước, công tác ngoại giao cần chuyển mạnh trọng tâm sang ngoại giao phục vụ phát triển và đổi mới tư duy phù hợp với tư duy mới của HNKTQT.

Trước tiên, ngành Ngoại giao cần tăng cường công tác nghiên cứu, nắm bắt những xu thế mới về phát triển, liên kết ngày càng sâu rộng, nhất là ở châu Á – Thái Bình Dương, chuyển dịch dòng vốn, thương mại - đầu tư toàn cầu… để kiến nghị với Chính phủ có giải pháp kịp thời nhằm tranh thủ cơ hội, tăng năng lực quốc gia thích nghi với thay đổi và hội nhập, ứng phó hiệu quả với rủi ro.

Công tác ngoại giao phục vụ phát triển cũng thiết thực tranh thủ các nguồn lực quốc tế để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường, thu hút các nguồn tài chính, FDI, ODA, công nghệ cao, đầu tư chất lượng, trình độ quản lý hiện đại và phát triển nguồn nhân lực chất lượng. Vai trò của ngành Ngoại giao trong việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, đối tác kinh tế, nhất là các đối tác lớn, tạo đan xen lợi ích, có ý nghĩa then chốt.

Ngành Ngoại giao cần đóng góp tích cực vào việc tạo đột phá trong công tác chuẩn bị trong nước, nhằm phục vụ HNKTQT trong giai đoạn mới, khai thác hiệu quả các thỏa thuận FTA, nhất là các FTA thế hệ mới; Cần thúc đẩy triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW của Hội nghị lần thứ Tư, BCH Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh nước ta tham gia các FTA thế hệ mới;

Đồng thời, cần đồng hành, hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực thực thi của các cơ quan, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, triển khai hiệu quả HNKTQT. Trong đó chú trọng hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư, tiếp cận công nghệ, nguồn vốn; nâng cao hiểu biết của người dân, doanh nghiệp về luật lệ, quy định, chuẩn mực của khu vực, quốc tế và các đối tác; chủ động tham gia xử lý các vướng mắc, tranh chấp kinh tế - thương mại, tích cực bảo vệ lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh áp dụng, hài hòa hóa với các tiêu chí, quy chuẩn, chuẩn mực khu vực và quốc tế, nội luật hóa các cam kết quốc tế mà nước ta tham gia.

Ngành Ngoại giao cần phát huy vai trò nòng cốt trong triển khai mạnh chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương; phát huy vai trò nòng cốt tại các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế quan trọng như tiểu vùng Mekong, ASEAN, APEC và các cơ chế ở châu Á - Thái Bình Dương, Liên hợp quốc…; đóng góp vào tăng cường hệ thống thương mại đa phương công bằng, minh bạch, dựa trên luật lệ.

Nguyễn Minh Hằng

Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Hợp tác kinh tế đa phương, Bộ Ngoại giao