29/03/2024 lúc 06:39 (GMT+7)
Breaking News

Giấc mơ hồi sinh “Dinh thự Bảo Đại” bị bỏ quên giữa lòng Hà Nội

Một ngôi biệt thự cổ ước tính tuổi đời khoảng 100 năm, được người dân chung quanh gọi với cái tên Biệt thự Bảo Đại, với những kết cấu nội thất, phòng ở, cầu thang và khu vệ sinh gần như còn nguyên vẹn. Người chủ mới của ngôi biệt thự, doanh nhân Hồ Hoàng Hải (Công ty Phú Thành) đang mong muốn có sự hỗ trợ từ các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư… để tìm hiểu nguồn gốc ngôi biệt thự và có phương hướng bảo tồn để biến nơi này thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn của Hà Nội. 

Một ngôi biệt thự cổ ước tính tuổi đời khoảng 100 năm, được người dân chung quanh gọi với cái tên Biệt thự Bảo Đại, với những kết cấu nội thất, phòng ở, cầu thang và khu vệ sinh gần như còn nguyên vẹn.

Người chủ mới của ngôi biệt thự, doanh nhân Hồ Hoàng Hải (Công ty Phú Thành) đang mong muốn có sự hỗ trợ từ các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư… để tìm hiểu nguồn gốc ngôi biệt thự và có phương hướng bảo tồn để biến nơi này thành một địa chỉ văn hóa hấp dẫn của Hà Nội. 

Ngôi biệt thự tọa lạc gần dốc Ngọc Hà, nằm khuất sau dãy hàng quán và ki-ốt mặt phố, vẫn còn giữ nguyên vẹn những mảng tường rào uốn lượn của vườn thượng uyển xưa kia. Theo những bản vẽ của khu biệt thự mà anh Hồ Hoàng Hải sưu tầm được, khu biệt thự có một vườn thượng uyển hình con sò với lớp tường bao uốn lượn như thân rồng bên ngoài.

 


 Lối vào chính của tòa nhà.

Tòa dinh thự là công trình chính trong một quần thể gồm bốn biệt thự cổ nằm ở đầu làng Ngọc Hà. Theo lời những người dân sống tại khu vực này, những tòa dinh thự này đều liên quan tới hoàng gia thời Nguyễn dưới triều vua Bảo Đại. Một số ngôi nhà trong số các dinh thự này được thiết kế theo phong cách phương Tây nhưng lại có phần mái ngói cung đình. 

Tòa nhà có lối kiến trúc độc đáo, kết hợp cả hai phong cách phương Đông. Đi qua cổng ngõ 186 Ngọc Hà, có thể dễ dàng nhận ra bức tường rào của tòa biệt thự được xây uốn lượn như thân rồng, đắp ngói viền, từ trên cao nhìn xuống có thể thấy toàn bộ tường được tạo hình thành chiếc vỏ sò khổng lồ ôm lấy tòa dinh thự.


Cầu thang, tủ âm được làm bằng gỗ lim.

Doanh nhân Hồ Hoàng Hải cho biết, căn biệt thự này đã qua tay nhiều chủ nhân, tuy nhiên, rất may mắn là các chủ nhân đều rất giữ gìn căn nhà trong suốt quá trình ở, cho nên kết cấu cơ bản tòa nhà, cùng một số phần nội thất vẫn còn được giữ lại nguyên vẹn. Toàn bộ sàn nhà được lát bằng gỗ lim, lên nước đen bóng như mới. Hệ thống tủ âm tường cũng bằng gỗ lim còn được giữ nguyên vẹn. Bên trong các phòng, phòng nào cũng có lò sưởi. Tường ngăn các phòng bên trong tòa nhà lên tới 60cm, cách âm và giữ ấm vào mùa đông, nhưng lại khiến cho các phòng mát rượi vào mùa hè.

Cầu thang gỗ chạy uốn lượn cách điệu, với phần tay vịn được xây chắc chắn bằng gạch và viền gỗ. Ở khu vực hành lang nối các phòng trên tầng, đều có xây hộp kỹ thuật âm tường, điều tưởng chừng như không thể vào thời điểm cách đây khoảng 100 năm. Ngoài hệ thống cửa gỗ vẫn được giữ nguyên bản, tòa nhà còn có hệ thống cửa lùa ở một số phòng và garage, hiện tại vẫn hoạt động trơn tru và rất nhẹ. Ngoại trừ một vài phòng chủ nhà đã làm trần thạch cao để phục vụ nhu cầu làm homestay, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu. Điều đặc biệt, ngôi biệt thự còn có nhà vệ sinh ở trên tầng, khép kín, không khác gì nhà ở hiện đại bây giờ, điều khó có thể tìm thấy ở các nhà bình thường khác vào thời điểm cách đây 100 năm.

Ông Đào Đức Toàn, năm nay 66 tuổi, vốn là một trong những người từng sinh sống gần tòa dinh thự từ khi còn nhỏ, kể lại rằng tòa dinh thự này có nhiều điều thú vị. Chẳng hạn như bên dưới tòa nhà còn có một hầm ngầm, nghe nói là dẫn ra hồ Tây, dài khoảng vài trăm mét, dẫn đến bến thủy phi cơ của vua Bảo Đại. Anh Hồ Hoàng Hải cũng cho biết, anh có nghe người dân chung quanh kể về một tòa nhà cách dinh thự này khoảng 50m, được cho là sàn nhảy đầm và nhà khách của vua Bảo Đại. Trên thực tế, ngay đầu dốc Ngọc Hà trước kia từng có một nhà hàng bia tươi nổi tiếng Hà Nội lúc bấy giờ bởi có một hầm rượu bên dưới. Những người dân sống chung quanh tòa nhà còn kể lại câu chuyện xuống căn hầm này tránh bom và giấu bộ đội dưới đó trong thời chiến. Đến khi hòa bình lập lại, một thời gian đoạn đường hầm trở thành nơi chơi trò trốn tìm của trẻ con trong khu vực này trước khi nó bị đóng kín lại để tránh chuột, bọ…

Ông Đào Đức Toàn kể lại, thủa nhỏ, gia đình ông sống cách tòa nhà khoảng 100m. Dân cư tại khu vực này khi đó còn rất thưa thớt, đứng trên nhà ông còn có thể nhìn thấy mái của tòa dinh thự. “Ngôi nhà có giá trị lịch sử rất cao, với nội thất cơ bản vẫn được giữ nguyên, cùng với nhiều chi tiết của tòa nhà. Từ thủa nhỏ, tôi đã nghe nói đây là tòa nhà liên quan đến vua Bảo Đại. Ngôi nhà này nếu như được phục chế lại như ở Đồ Sơn hay Đà Lạt, sẽ trở thành một điểm du lịch hấp dẫn ở Hà Nội” – ông nói. 


 Tường rào vườn thượng uyển uốn lượn với lớp mái ngói và phần cửa trổ phù điêu vẫn còn nguyên vẹn.

Anh Hồ Hoàng Hải cho biết, anh đã tìm kiếm thông tin, tư liệu về ngôi biệt thự ở rất nhiều nơi, từ những người dân sống trong khuôn viên ngôi biệt thự, cho đến một số nơi lưu giữ tài liệu, nghiên cứu, nhưng vẫn chưa tìm được tài liệu, tư liệu nào chỉ dẫn chính xác về chủ nhân và thời gian xây dựng ngôi biệt thự. Có thông tin cho rằng đây là nhà của cô ruột vua Bảo Đại lấy chồng người Pháp, cũng có thông tin cho rằng ngôi nhà do bà Nguyễn Hữu Hào, chị ruột của Nam Phương Hoàng hậu xây dựng.

“Nguyện vọng lớn nhất của tôi là được tìm hiểu thông tin, cũng như có được sự giúp đỡ từ các viện nghiên cứu, các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, kiến trúc, để tìm ra chính xác nguồn gốc, chủ nhân của ngôi biệt thự này. Tôi mong muốn biến nơi này trở thành một địa chỉ văn hóa của Hà Nội, để người dân hiểu và trân trọng di sản quý giá mà thành phố đang sở hữu. Nhưng chỉ khi biết được cụ thể và rõ ràng những thông tin liên quan đến ngôi nhà này, tòa dinh thự mới thực sự trở về đúng ý nghĩa của nó” – anh Hồ Hoàng Hải chia sẻ.