25/04/2024 lúc 07:28 (GMT+7)
Breaking News

“Gia vị” cuộc sống trong thơ Đoàn Mạnh Phương

Nếu một bạn đọc yêu văn chương nào đó, và kể cả bản thân tôi khi cầm trên tay tờ báo Người Hà Nội (số 43- Thứ 6, ngày 25/10/2013) bắt gặp chân dung nhà thơ Đoàn Mạnh Phương (trang 11 của số báo) rất nghiêm nghị với đôi mắt đau đáu...

Nếu một bạn đọc yêu văn chương nào đó, và kể cả bản thân tôi khi cầm trên tay tờ báo Người Hà Nội (số 43- Thứ 6, ngày 25/10/2013) bắt gặp chân dung nhà thơ Đoàn Mạnh Phương (trang 11 của số báo) rất nghiêm nghị với đôi mắt đau đáu nhìn từ cõi lòng với hiện thực và thưởng lãm 7 bài thơ của tác giả. Hẳn một điều cho rằng Đoàn Mạnh Phương sẽ khó gần và ở tác giả có một chút “góc cạnh” khó tiếp xúc để giao lưu làm quen vv…

Ảnh minh họa 

May mắn trong chuyến công tác Lào Cai vào cuối tháng 8/2014 và được diễm phúc khi tháp tùng với các Tổng Biên Tập (TBT) Tạp chí của các đơn vị bạn, tôi đặt chân đến Đại bản doanh Tạp chí Trí thức và Phát triển, nơi tác giả giữ trong trách TBT, tôi mới vỡ nhẽ và suy nghĩ ban đầu về nhà thơ Đoàn Mạnh Phương được chuyển hướng 180 độ

Phong thái lịch lãm của người Hà Nội, giao tiếp với chất giọng trong trẻo nhẹ nhàng như con gái, nhiệt tình chia sẻ nghề, nghiệp văn chương, báo chí với nhau. Trong buổi sơ ngộ tâm giao, không biết có phải tôi là người yêu thi phú hay sự cảm mến ngẫu nhiên nào đó, tôi được anh tặng tờ báo Ngươi Hà Nội, trong đó có trang thơ do anh sáng tác. Đọc những tác phẩm của Đoàn Mạnh Phương phải nhiều lần mới thẩm thẩu nỗi lòng và suy nghĩ của tác giả, đọc xong tôi tự nhủ “đây đích thực là tơ lòng” của người làm thơ.

Khác hẳn với các nhà thơ khác, không chọn cho những “đứa con tinh thần” của bằng ánh trăng, cây cỏ, hoa lá hay tiết trời bốn mùa của Hà Nội để trải lòng thi phú. Ngược lại trong 07 bài thơ tôi được đọc, nhà thơ Đoàn Mạnh Phương chọn một triết lý của cuộc sống để chiêm nghiệm và thả hồn ngay thực tế chứ không lãng mạn tơ vương với ‘nàng hoa” hay “nàng Trăng”. Sự quần vũ của cuộc sống với Cơm-Áo-Gạo-Tiền, tưởng chừng đơn giản của cuộc sống nhưng đọc thơ của anh cảm thấy vô cùng phức tạp hiện hữu đời thường và ngay từ đầu tác phẩm Cảm giác, tác giả đã cho thấy:

“Cuộc sống mỗi ngày một vị cay

như ta từng nhấm nháp

từng ngộ độc hồn nhiên

tất cả những gì va đập”

                     (Cảm giác)

Và bằng góc nhìn hiện thực của con người hiện thực, tác giả không dám  “Mơ theo trăng và thơ thẩn cùng mây” như Chúa thơ tình Xuân Diệu, ngược lại Đoàn Mạnh Phương cố vẫy ra khỏi xô bồ cuộc sống

“ Giẫy đạp khỏi mọi lo toan mà lo toan luôn mới

Thẩm thấu giữa thấy, nghe, nếm, ngửi

Cuộc sống mỗi ngày một vị cay…”

                             (Cảm giác)

Thái thế nhân tình của con người và con người với nhau trong cuộc sống thực dụng và vội vã ngay từ việc đi, đứng, ăn, nói… đã làm cho tác giả không sáo rỗng, đãi bôi. Tác giả không trách cứ, và có lẽ chính tác giả cũng không đay nghiến mà cũng phải nhủ thầm “Thôi thì cuộc sống mà!”  cái gì nhạt thì nêm nếm được tất cho dù đó là nước hay kể cả thời gian ban ngày hay ban đêm nên Đoàn Mạnh Phương chỉ “Nói thầm” tự nhủ với lương tâm

Nước nhạt

hãy cho thêm muối hoặc đường, vị đắng cà phê

hay vị chanh chua chát

ngày nhạt

thì cứ ngắm mặt trời lên, cứ nhìn chiều tắt nắng

                                                        (Nói thầm)

Còn khi sự thăng hoa bên chén rượu nhạt hoặc bên ly cà phê nhỏ giọt tí tách, lúc độc hành một mình hay bên bằng hữu, “Nàng thơ” chợt đến với tác giả và nhạt nhẽo quá thì sao? Hãy xem cách nêm nếm của Đoàn Mạnh Phương cho thơ

Thơ nhạt

Thì sắp lên ngọn lửa

Dùng ánh sáng của ngọn đèn để soi trong nước mắt

                (Nói thầm)

Tính nhân văn đắt giá của “Nói thầm” là con người sống với nhau, cho nên cố nhà thơ Tố Hữu đã từng nói  “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau”  (Gió lộng) và khi con người đã “nhạt” cả nghĩa bóng và nghĩa đen thì vô vị và để để có cái kết có hậu, Đoàn Mạnh Phương mạnh dạn ra tay đầu bếp nêm nếm “gia vị” cuộc sống đối với con người khi đã nhạt

Người nhạt

thì cộng thêm bằng gì để mặn?

Người nhạt

nước nhạt theo, ngày nhạt theo, thơ cũng nhạt theo

vô nghĩa những muối, những đường

những ngọn lửa và nước mắt

những ban mai và những chiều nắng tắt

Người nhạt

Thì nhân bằng gì để mặn

Và cuối cùng tác giả bộc bạch lòng mình về một kiếp con người đã nhạt đi

- Người nhạt thì chia vào đất  

(Nói thầm)

Được biết Đoàn mạnh Phương sinh ra từ Nam Định, một miền đất không chỉ nổi tiếng vùng biển đầy những vựa cá tôm và hải sản các loại... Mà còn nổi tiếng với mùi thơm của hạt gạo tám... hiện đang sống và làm việc Hà Nội. Địa danh ngàn năm văn vật và cũng không tránh khỏi nơi đây đã thu hút bao lớp người đến Hà Nội để mưu sinh và thực tế cuộc mưu sinh cũng lắm “gia vị” cuộc sống

Những biển người số phận

toan tính mưu sinh chảy dọc cuống này

Những buồn, những vui, những mơ, những cay, những đắng

(Niềm tin)

Thông cảm chia sẻ cho những mảng đời con người bương chải ật lốn với lo toan cuộc sống Đoàn Mạnh phương không chia sẻ hết cho những ai và anh chỉ thể hiện

Gắp cho mình một tâm trạng

Giữa cuộc người không thể gọi tên

Mặt đất lợp lá thu

 thanh thản như chưa bao giờ cũ

ngày ngày trôi về bình yên…

 (Niềm tin)

Tiếp xúc với nhà thơ Đoàn Mạnh Phương, rất hiếm khi anh khoe mẽ về mình. Dẫu biết nội lực thi phú, bút lực báo chí và kỹ năng giao tiếp của anh được đọc giả và đồng nghiệp ngưỡng mộ. Nhưng Đoàn Mạnh Phương rất có bản ngã cuộc sống, bằng cách:

Duỗi thẳng mình

Dưới nắng xanh trong gió rét

giữa mưa phùn ẩm ướt của mùa xuân

để thấy thật rõ mình trong đí

Còn hơn để bàn tay mò mẫm trong đêm

Tìm mãi không ra công tắc để bật đèn…

(Cảm thức)

Trong toàn bộ 07 tác phẩm của nhà thơ Đoàn Mạnh Phương (Cảm giác; Cảm thức; Trong yên lặng; Dấu hỏi; Ngọn nên giấc mơ; niềm tin; nói thầm) với lối thể hiện “phá thế” (phá cách) không theo khuôn mẫu quy định của niêm từ, câu cú… phong cách thơ mới cách tân qua 7 bài của Đoàn Mạnh Phương thề hiện đều mùi “gia vị” cuộc sống Mặn-Ngọt-Chua-Cay, và trác tuyệt hơn hết là tác giả lưu lại trong tâm khảm để khi “bên kia triền dốc cuộc đời” yên lặng với lòng mình và “gia vị” cuộc sống tiếp theo của một vòng đời con người thì ắt sẽ có người khát nêm nếm.

Trong yên lặng từng sưng vù ý nghĩ

Bao thăn nục của tư duy

Tái bản một tâm hồn

Giữa là vậy nhiều khi không phải vậy

Chỉ còn lại những gì sống lưu vong trí nhớ

(Trong yên lặng)

 Nhà báo HuỲnh đỨc thẾ

Tạp chí Trí thức Phú Yên

Hà Nội giữa Thu - Tháng 8/2014

(Bài đã đăng trên tạp chí Trí thức Phú Yên và Báo Người Hà Nội)