20/04/2024 lúc 05:49 (GMT+7)
Breaking News

Giá trị trường tồn  của khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ

VNHN - Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc; vùng đất từ thời tiền sử đã có con người sinh sống và cư ngụ, qua các bằng chứng về khảo cổ học, từ thời kỳ đồ đá với sự hiện diện của các di tích như: Hang Thẩm Khương, Thẩm Púa (ở Tuần Giáo) đã chứng minh sự có mặt của con người từ thời thượng cổ. Điện Biên cũng là vùng đất của những chiến tích hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và giải phóng đất nước. Và Khu Di tích Chiến t

VNHN - Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc; vùng đất từ thời tiền sử đã có con người sinh sống và cư ngụ, qua các bằng chứng về khảo cổ học, từ thời kỳ đồ đá với sự hiện diện của các di tích như: Hang Thẩm Khương, Thẩm Púa (ở Tuần Giáo) đã chứng minh sự có mặt của con người từ thời thượng cổ. Điện Biên cũng là vùng đất của những chiến tích hào hùng của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và giải phóng đất nước. Và Khu Di tích Chiến trường Điện Biên phủ - Di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia - là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt đó.

Các di tích tại Điện Biên Phủ

Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947, thực dân Pháp từ thế chủ động tấn công sang thế phòng ngự bị động. Trên chiến trường Tây Bắc, địch bị đánh khắp nơi. Ở Lai Châu, sau 2 năm hoạt động (1948-1949), đội xung phong Quyết Tiến đã gây dựng được một cơ sở kéo dài từ Quỳnh Nhai sang Tuần Giáo, Điện Biên và Bắc Lào khiến cho phong trào cách mạng ngày càng phát triển rộng lớn trong nhân dân các dân tộc vùng cao. Một vấn đề cấp bách đặt ra đối với địa phương lúc này là phải có một tổ chức Đảng cộng sản để làm hạt nhân lãnh đạo, tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh và tiến hành cuộc kháng chiến thắng lợi. Ngày 01/10/1949, Chính ủy Liên khu 10 quyết định thành lập Chi bộ Vũ trang tuyên truyền Lai Châu gồm các đồng chí Đảng viên của đội xung phong Lai Châu do đồng chí Hoàng Đông Tùng làm Bí thư chi bộ. Ngày 10/10/1949, Ban cán sự Lai châu được thành lập với nhiệm vụ “gây cơ sở quần chúng, tạo điều kiện tiến tới lãnh đạo nhân dân Lai Châu võ trang tranh đấu thu phục lại toàn bộ đất đai”. Sự kiện Ban cán sự Đảng Lai Châu ra đời khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở Lai Châu. Từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo, đánh dấu bước ngoặt trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc Lai Châu.

Sau những thất bại liên tiếp của thực dân Pháp ở các chiến dịch Biên giới (1950) và (Hòa Bình 1951), Bộ chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Tây Bắc (1952), nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng nhân dân và một vùng đất đai ở Tây Bắc, phá tan “Xứ Thái tự trị” của địch, tạo đà tiến lên giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc. Chiến dịch này ta đã tiêu diệt được 6.000 tên địch, phá tan “Xứ Thái tự trị” của địch, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn của Lai Châu. Dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Lai Châu, nhân dân vùng mới giải phóng đã khẩn trương khai hoang phục hóa, phát triển sản xuất và ổn định đời sống.

 Để cứu vãn tình thế và với mưu đồ tiêu diệt quân chủ lực của ta, năm 1953 thực dân Pháp đổ quân xuống lòng chảo Điện Biên Phủ với ý đồ xây dựng căn cứ chiến lược quân sự, khống chế, thôn tính Đông Dương và phía Nam Trung Quốc, phía Bắc Lào. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được quân Pháp xây dựng gồm 3 phân khu, 49 cứ điểm, khoanh thành 8 cụm, với quân số lúc cao điểm lên tới 16.200 tên. Mỗi cụm cứ điểm bố trí binh lực, hỏa lực mạnh, cùng các vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại. Đây được quân Pháp coi là một Tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”.

Về phía ta, ngay khi biết thực dân Pháp dựng lên một cái bẫy khổng lồ ở Điện Biên Phủ, Bộ Chính trị và Trung ương Đảng đã chấp nhận giao chiến với chúng, chọn Điện Biên Phủ là điểm quyết chiến chiến lược để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp đang ngày càng có lợi cho ta. Một kế hoạch chuẩn bị cho cuộc chiến vĩ đại ấy được chuẩn bị kỹ lưỡng với sự góp sức của cả nước. 04 đại đoàn bộ binh, 01 đại đoàn pháo binh được lệnh hành quân ra mặt trận. Bên cạnh đó, lần đầu tiên trong lịch sử cả dân tộc đã ra mặt trận cùng bộ đội đánh giặc với đủ lực lượng từ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, già, trẻ, gái, trai từ nhiều địa phương. Một cuộc cách mạng về hậu cần đã làm được một khối lượng khổng lồ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, vũ khí… từ vùng tự do ta kiểm soát được chuyển lên Điện Biên Phủ một cách nhanh chóng, liên tục không ngừng nghỉ. Sau khi công tác chuẩn bị mọi mặt đã hoàn thành, thế trận chiến dịch được triển khai xong, các đơn vị sẵn sàng nổ súng.

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch.

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta và cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Gieneve (Giơnevơ) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây cũng là sự kiện quan trọng ghi dấu sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa theo dòng chảy của thời gian, nhưng ý nghĩa và giá trị lịch sử vẫn còn nguyên đối với dân tộc Việt Nam và cả nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Có thể nói, Điện Biên Phủ là mảnh đất anh hùng đã từng trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay còn để lại những di tích lịch sử Văn hóa có giá trị nhân văn như: Thành Bản Phủ, Thành Sam Mứn, tháp Chiềng Sơ …trong đó nổi bật là Di tích chiến trường Điện Biên Phủ mang tầm cỡ quốc tế.

Với ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ, kể từ sau ngày giành chiến thắng 7/5/1954, các Di tích chiến trường Điện Biên Phủ đã trở thành Di sản vô giá của dân tộc Việt Nam. Năm 1959, cùng với các di tích trên cả nước, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến công tác bảo tồn khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ, xứng tầm với quy mô và tầm vóc của chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đặc biệt vào các dịp kỷ niệm lớn đều có kế hoạch và kinh phí cho công tác tu bổ, bảo tồn di tích Điện Biên Phủ. Ngày 28/4/1962, Bộ Văn hóa (nay là Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử danh thắng đợt 1 ở miền Bắc, khu Di tích chiến trường Điện Biên Phủ được công nhận là di tích cấp Quốc gia, việc trùng tu tôn tạo bắt đầu được thực hiện thường xuyên hơn. Tại các di tích lần lượt được đặt bia bằng bê tông cốt thép ghi nhận sự kiện lịch sử.  Năm 2009, Khu Di tích chiến trường Điện Biên Phủ là một trong 10 di tích được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1 theo Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Di tích chiến trường Điện Biên Phủ hiện nay có 45 điểm di tích thành phần, được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Những di tích này nằm rải rác ở khu vực lòng chảo thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Trong đó có 8 điểm di tích đưa vào phục vụ khách tham quan như: Ðồi A1, Hầm De Castries, Cầu Mường Thanh, Sở Chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ, Di tích Đường kéo pháo bằng tay, Di tích Him Lam và Di tích Bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng, Di tích đồi D. Tất cả được quy tụ thành một cụm di tích liên hoàn như một bức tranh gợi lên khung cảnh cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ của dân tộc ta, vừa sống động vừa sâu lắng. Những di tích này là nguồn di sản vô cùng quý giá để phát triển du lịch không những của tỉnh Điện Biên, của Tây Bắc mà còn là của cả nước.   

Di tích đồi A1

Đồi A1 nằm ở trung tâm thành phố, là một trong những di tích nổi tiếng gắn liền với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và cũng là một trong những điểm tham quan thu hút được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. 

Cứ điểm A1 là một trong năm cao điểm phòng ngự phía Đông, cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm và trực tiếp bảo vệ cho Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Cứ điểm A1 được ví như “chìa khóa” của cả Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại đây địch bố trí binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc. Trận chiến đấu tại cứ điểm A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ: 18 giờ 5 phút ngày 30/3/1954, quân ta bắt đầu tiến công đồi A1. Quân Pháp dựa vào hệ thống công sự, hầm ngầm kiên cố chống trả lại quân ta quyết liệt. Chúng biết rằng nếu để mất A1 thì như con dao của ta kề vào cổ tập đoàn cứ điểm của chúng. Vì vậy cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra tại cao điểm này kéo dài nhất và ác liệt nhất trên chiến trường Điện Biên Phủ. Trải qua 4 đợt tấn công và 1 đợt phòng ngự, kéo dài 39 ngày đêm. Ta và địch đã giành giật nhau từng thước đất, từng đoạn chiến hào. Hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Cuối cùng quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1 vào 4 giờ 30 phút sáng ngày 07/5/1954, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh dấu ngày tận số của quân viễn chinh Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ.         

Ngày nay, trên cứ điểm A1 nói riêng và Di tích chiến trường Điện Biên Phủ nói chung, dẫu không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng những dấu tích của một thời bom đạn như hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên, lô cốt cây đa cụt, đường hào, khối bộc phá ngàn cân, ngôi mộ tập thể, chiếc xe tăng… vẫn còn đây, sẽ mãi là minh chứng cho sự thất bại của quân Pháp trên chiến trường Điện Biên Phủ. 

 Qua những chứng tích lịch sử còn lại của chiến tranh chúng ta cũng phần nào thấu hiểu được sự vất vả, gian khổ cũng như tinh thần anh dũng, quả cảm của các chiến sỹ để có được độc lập, tự do như ngày hôm nay. Ngọn đồi A1 biểu tượng cho khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng vang dội, làm chấn động địa cầu giờ đây đã trở thành bất tử.

Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ

Hầm chỉ huy của tướng De Castries nằm ở trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nơi đây là cơ quan đầu não của một tập đoàn cứ điểm được coi là “bất khả xâm phạm”, được xây dựng kiên cố bằng những vật liệu tốt nhất thời đó và được bảo vệ bằng các loại vũ khí, khí tài quân sự hiện đại nhất lúc bấy giờ. Tại căn hầm này, De Castries đã đón tiếp khá nhiều các quan chức cấp cao của Anh, Pháp, Mỹ, các nhà văn, nhà báo của làng báo chí phương Tây. Cũng tại căn hầm này, De Castries cùng Bộ tham mưu vạch ra những chiến lược và chiến thuật hòng tiêu diệt quân ta và cũng chính tại nơi đây De Castries đã phải điên đầu nát óc đối phó với những cuộc tấn công như vũ bão của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, mục tiêu đánh chiếm và bắt sống Bộ chỉ huy đối phương là mục tiêu quan trọng và quyết định đi đến thắng lợi của chiến dịch. Ngày 7/5/1954, sau khi nhận lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ, các đại đoàn chủ lực của ta tiến thẳng vào phân khu Trung tâm, bao vây và tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của ông ta.

 65 năm đã trôi qua, thời gian có làm mờ đi dấu chân của người lính trên chiến trường năm xưa, nhưng những dấu tích của một thời oai hùng mãi trường tồn cùng non sông đất nước, mãi là niềm tự hào là nguồn cổ vũ lớn lao với dân tộc Việt Nam trên bước đường chấn hưng đất nước hôm nay.

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng

Hầm Mường Phăng

Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ được xây dựng dọc theo con suối nhỏ, chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên một diện tích tự nhiên rộng khoảng 90km2, được bố trí thành một hệ thống liên hoàn, bao bọc trước sau có hầm hào, lán trại thuận tiện, phù hợp với tốc độ làm việc khẩn trương của Bộ chỉ huy chiến dịch, đảm bảo được bí mật và an toàn tuyệt đối. Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng là cơ quan đầu não quan trọng nhất của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Tại đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với bộ chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào 7/5/1954. Quân ta đã bắt sống và tiêu diệt 16.200 tên địch của tập đoàn cứ điểm Điên Biên Phủ, làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Hiện nay khu di tích lịch sử Mường Phăng đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo với với một số hạng mục như bia, biển, hầm, lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh... Di tích “Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ” ở Mường Phăng sẽ mãi mãi trường tồn, là điểm tham quan thu hút đông đảo du khách đến Điện Biên, là điểm đến để mỗi người có cái nhìn khái quát, chân thực khách quan về sức mạnh của một dân tộc, sức mạnh của những người chiến thắng không phải ở vũ khí, trang thiết bị hiện đại hay ở lô cốt vững chắc mà đó là sức mạnh của tinh thần yêu nước, sức mạnh của những người chính nghĩa yêu hòa bình. Nơi đây sẽ mãi là biểu tượng của đỉnh cao trí tuệ quân sự và khí phách anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Di tích cầu Mường Thanh

Cầu Mường Thanh được quân Pháp gọi là cầu “Prenley”, là cây cầu dã chiến bắc qua sông Nậm Rốm, do người Pháp xây dựng sau cuộc nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Cây cầu là một công trình quân sự nằm trong phân khu trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiều 7/5/1954, trong khí thế thừa thắng xông lên, bàn chân dép lốp của các chiến sĩ Quân Đội Nhân Dân Việt Nam rầm rập băng qua cầu Mường Thanh tiến thẳng vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ghi dấu sự sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân ngay tại Điện Biên Phủ. Cầu Mường Thanh đã trở thành phương tiện đưa đường cho bộ đội ta tiến công, cắm lá cờ Quyết chiến quyết thắng lên nóc hầm của viên bại tướng Đờ Cát (De Castries).

Di tích đường kéo pháo bằng tay

Di tích kéo pháo bằng tay

Tuyến đường kéo pháo bằng tay đã đi vào huyền thoại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đây là con đường kéo pháo bằng tay độc đáo bậc nhất trên thế giới, thể hiện ý chí sắt đá của quân và dân Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ, sự gian khổ và lòng quyết tâm “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Chỉ với những dụng cụ thô sơ: cuốc, xẻng, búa… bằng sức người, lòng quyết tâm và lòng yêu nước, quân và dân ta đã mở được những con đường trên các sườn núi quanh co hiểm trở và dùng sức người để kéo pháo vào trận địa.Trên tuyến đường kéo pháo lịch sử ấy đã ghi nhận tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình cứu pháo.

Di tích Him Lam

Cùng với Độc Lập, Bản Kéo, Him Lam là một trong những vị trí vòng ngoài của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, được ta chọn là điểm nổ súng đầu tiên mở màn cho chiến dịch. Him Lam thuộc phân khu trung tâm, cách trung tâm Mường Thanh 2,5km, nằm ở phía Đông Bắc án ngữ con đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ. Với địch, cứ điểm Him Lam có nhiệm vụ ngăn chặn bộ đội ta tấn công từ ngoại vi vào Điện Biên Phủ. Cũng như các cứ điểm khác trong hệ thống phòng thủ 49 cứ điểm, Him Lam được thực dân Pháp đặt cho một cái tên mỹ miều là Béatrice - tên một thiếu nữ xinh đẹp ở nước Pháp. 

Thực dân Pháp đã chọn cách xây dựng hệ thống phòng thủ tại đây nằm trên 3 quả đồi, tạo thế hình chân kiềng, yểm hộ lẫn nhau, có trận địa phòng ngự vững chắc, có nhiều hoả lực lợi hại và có cả một hệ thống công sự phụ bằng hàng rào dây thép gai dày đặc. Ngoài ra còn được trang bị súng có tia hồng ngoại phát hiện mục tiêu ban đêm, xe tăng, pháo binh, không quân. Lực lượng được bố trí tại cứ điểm này là Tiểu đoàn 3 thuộc bán lữ đoàn Lê Dương số 13, là một trong những đơn vị thiện chiến nhất của chúng, với một bề dày thành tích chưa từng thua một trận đánh nào trước đó. Với lực lượng mạnh, hệ thống phòng ngự chắc chắn, trang bị, vũ khí hiện đại nên Pháp đã lớn tiếng tuyên bố Him Lam là một pháo đài rất mạnh, một “cánh cửa thép” của tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”. Nhưng cuối cùng pháo đài mà quân Pháp cho là “cánh cửa thép” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đã bị tiêu diệt hoàn toàn chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu. Để có được chiến thắng vẻ vang đó không thể không nhắc tới tấm gương chiến đấu anh dũng của đồng chí Phan Đình Giót, anh đã lấy thân mình bịt lỗ châu mai tạo điều kiện cho đồng đội tiến lên tiêu diệt các hỏa điểm địch. Chiến thắng Him Lam tạo điều kiện cho các đơn vị của ta nhanh chóng tiêu diệt các cứ điểm tiếp theo, tiến tới giành toàn thắng trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Di tích đồi D

Thực dân Pháp đã xây dựng và biến cứ điểm D thành vị trí tiền tiêu của dãy đồi phía Đông, chúng lợi dụng vị thế tự nhiên của 3 mỏm đồi có lợi thế về mặt quân sự xây dựng thành vị trí phòng thủ vững chắc che chắn, bảo vệ Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và sân bay Mường Thanh. Quân Pháp bố trí Tiểu đoàn 3, trung đoàn 3 Angiêri rất thiện chiến chiếm giữ. 17 giờ 30 phút ngày 30 tháng 3 năm 1954, pháo binh ta đồng loạt nhả đạn vào cứ điểm địch ở ngọn đồi phía Đông. Cứ điểm D chìm trong khói lửa. Sau 2 ngày 3 đêm, quân ta chiếm được đồi D, uy hiếp mạnh mẽ phân khu trung tâm, yểm hộ cho các đơn vị bộ binh tiến lên tiêu diệt các cứ điểm xung quanh phân khu trung tâm và tiến tới tiêu diệt Sở chỉ huy của chúng, chiến thắng đồi D cùng với các chiến thắng ở các cứ điểm thuộc dãy đồi phía Đông là những cột mốc quan trọng mang tính quyết định để chiến dịch lịch sử đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Ngày nay để vinh danh chiến thắng vĩ đại và tri ân những người anh hùng đã hy sinh, Đảng và Nhà nước đã xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ. Đây là tượng đài bằng đồng cao, to và nặng nhất Việt Nam, được xây dựng quy mô, hoành tráng và công phu. Tượng đài uy nghi, sừng sững được đặt trên đồi D sẽ mãi là biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Di tích bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng tại xã Mường Phăng

Nằm cách Sở chỉ huy chiến dịch 300m về phía Đông Bắc là nơi quân và dân ta long trọng tổ chức lễ duyệt binh các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng vào ngày 13/5/1954. Thực hiện ý tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban quản lý dự án di tích Điện Biên Phủ quy hoạch thành khuôn viên trên nền bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng và đặt một cụm tượng đài nhân kỷ niệm 55 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ.

Cùng với di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cụm Tượng đài chiến thắng tại bãi họp các quân binh chủng tuyên bố chiến thắng Mường Phăng cũng là một điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến với khu di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là một công trình văn hóa, lịch sử thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương chiến đấu giành lại độc lập cho đất nước và tượng trưng cho tinh thần bất khuất, trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Di tích Phân khu Hồng Cúm

Di tích phân khu Hồng Cúm

Trận đánh tại Phân khu Hồng Cúm là trận đánh quan trọng của chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của quân ta trong trận này là bao vây cô lập (nhưng không đánh dứt điểm) trung tâm đề kháng Isabelle (Phân khu Nam) để ngăn không cho quân Pháp tại đây kéo về chi viện cho Phân khu trung tâm hoặc phá vây chạy sang Lào. Tuy Phân khu Hồng Cúm không phải là tâm điểm của cuộc chiến nhưng lại chiếm giữ một vị trí khá quan trọng. Ban đầu Hồng Cúm chỉ là một cứ điểm, sau đó đã phát triển thành cụm cứ điểm, có sân bay, pháo binh, có thể cùng Phân khu Trung tâm yểm hộ lẫn nhau. Vì thế, trong bàn cờ Điện Biên Phủ, mặt trận phía Nam không chỉ ở thế phải kiềm chế, cô lập, ngăn không cho quân Pháp viện trợ tới Hồng Cúm mà còn phải từng bước thọc sâu, phá rào mở cửa tấn công vào trung tâm phân khu Hồng Cúm.

 Với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 đã nhanh chóng mở các đường hào áp sát vào cứ điểm của địch. Trận địa chiến hào của địch ngày càng bị thu hẹp, đặc biệt, bước sang tháng 5, những thắng lợi của ta ngày càng mở rộng trên khắp chiến trường Điện Biên Phủ thì số quân Pháp ở phân khu Hồng Cúm càng bị siết chặt bởi vòng vây của quân ta, chúng chỉ chống trả bằng những hoạt động yếu ớt. Nhận thấy quân Pháp có những triệu chứng rút chạy, Bộ chỉ huy của ta ra lệnh cho Đại đoàn 308 phối hợp với Đại đoàn 304 truy kích tiêu diệt địch. Đến 20 giờ ngày 7/5/1954 quân ta làm chủ những cứ điểm cuối cùng tại Phân khu Hồng Cúm, tiêu diệt và bắt sống 2.000 tên địch, thu toàn bộ vũ khí, quân trang quân dụng.

Di tích Đồi C1           

Trận đánh tại đồi C1 là một trong những trận đánh quan trọng trong giai đoạn 2 và 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ. Mục tiêu của Quân đội nhân dân Việt Nam trong trận này là xóa sổ trung tâm đề kháng Eliane một trong 5 ngọn đồi thuộc dãy cao điểm phía Đông của Tập đoàn cứ điểmĐiện Biên Phủ, mà phía Quân đội nhân dân Việt Nam gọi là đồi C1.

Nhờ chuẩn bị chu đáo, xây dựng trận địa vững chắc nên chỉ sau 45 phút chiến đấu Trung đoàn 98 của ta đã nhanh chóng tiêu diệt đồi C1. Tuy nhiên, việc đột phá sang C2 đã không thành công. Từ ngày 31/3 đến 2/5/1954, suốt 32 ngày đêm trung đoàn liên tục phòng ngự, đánh lui 12 đợt phản kích của quân Pháp. Đến đêm ngày 1/5/1954 ta làm chủ hoàn toàn đồi C1. Đây là một trong những trận chiến đấu gay go quyết liệt nhất trong đợt 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Di tích đồi Độc Lập

Ngay sau khi cứ điểm Him Lam bị thất thủ ngày 13/3, chỉ huy quân Pháp dự đoán quân ta sẽ tấn công Độc Lập, nên đã yêu cầu huy động tối đa không quân và pháo binh cho cứ điểm này. Chỉ huy pháo binh là Piroth còn cam kết sẽ dành cho cứ điểm Độc Lập sự yểm hộ cao nhất về pháo binh. Trước khi trận đánh diễn ra Piroth còn vui vẻ chạm cốc với các chỉ huy, hẹn sẽ gặp lại nhau khi trận Điện Biên Phủ kết thúc. Nhưng cuối cùng lời hứa hẹn đó đã không trở thành hiện thực, cứ điểm Độc Lập đã bị thất thủ  hoàn toàn chỉ sau hơn 3 giờ chiến đấu.

Điện Biên với những ưu thế về tự nhiên, ưu thế của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử, lại là nơi có Di tích chiến trường Điện Biên Phủ - di tích lịch sử vô giá, đã khiến cho vùng đất này trở thành điểm hẹn lịch sử, một điểm đến đầy hấp dẫn./.