29/03/2024 lúc 03:33 (GMT+7)
Breaking News

Gia Lai: Phòng giao dịch Chư Sê, ngân hàng BIDV có tiếp tay để thất thoát tiền của nhà nước ?

VNHN – Vì sao chủ sở hữu tài sản không biết mình được vay bao nhiêu tiền, nhưng vẫn được Ngân hàng giải ngân hàng tỷ đồng? Phải chăng, quy trình về việc thế chấp vay vốn được Chi nhánh ngân hàng BIDV Chư Sê, Gia Lai bỏ qua ? Hàng tỷ đồng của nhà nước đang có nguy cơ thất thoát, chưa có lời giải.

VNHN – Vì sao chủ sở hữu tài sản không biết mình được vay bao nhiêu tiền, nhưng vẫn được Ngân hàng giải ngân hàng tỷ đồng? Phải chăng, quy trình về việc thế chấp vay vốn được Chi nhánh ngân hàng BIDV Chư Sê, Gia Lai bỏ qua ? Hàng tỷ đồng của nhà nước đang có nguy cơ thất thoát, chưa có lời giải.

Vừa qua, tòa soạn Việt Nam Hội nhập nhận được đơn thư của bà Vũ Thị Toan và chồng là ông Đinh Công Tắc (có địa chỉ tại Tổ dân phố 4, Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) tố cáo bà Phạm Thị Dung và chồng là ông Trịnh Văn Dũng (trú tại số 574 đường Hùng Vương, Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), bà Phạm Thị Bảy (em gái bà Dung) và chồng là ông Phan Văn Khải (trú tại thôn Bàu Rút, Thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), cùng một số cán bộ ngân hàng đang làm việc tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê, Giám đốc là ông Nguyễn Tiến Phú, về hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trụ sở Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê

Cụ thể theo đơn thư, vợ chồng bà Vũ Thị Toan – ông Đinh Công Tắc (người tố cáo) và gia đình bà Phạm Thị Dung – ông Trịnh Văn Dũng (người bị tố cáo) có mối quan hệ lâu năm. Vào năm 2006, vợ chồng bà Dung đề cập mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của gia đình bà Toan để thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư Phát triển Nam Gia Lai với mục đích vay số tiền là 300 triệu đồng. Đến tháng 6/2009, bà Dung đã trả tiền cho ngân hàng và rút GCNQSDĐ trả lại vợ chồng bà Toan.  Đến năm 2010, vợ chồng bà Dung lại đến nhà bà Toan đề cập mượn GCNQSDĐ để thế chấp tiếp. Vợ chồng bà Toan đồng ý cho bà Dung mượn GCNQSDĐ để tiếp tục thế chấp tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê với số tiền vay là 300 triệu đồng. Năm 2013, bà Dung đến nhờ vợ chồng bà Toan ký giúp hồ sơ đáo hạn vay vốn 300 triệu đồng đã vay. Đến ngày 26/12/2013, bà Dung đưa cho vợ chồng bà Toan bộ hồ sơ đã được đánh máy sẵn, vợ chồng bà Toan đã đọc kĩ, thấy nội dung hoàn toàn phù hợp với ý chí của mình để bảo lãnh cho bà Dung vay 300 triệu và ký vào hồ sơ bảo lãnh. Nhưng ngày hôm sau, 27/12/2013 bà Dung lại điện thoại cho vợ chồng bà Toan ra Phòng công chứng để ký các văn bản giấy tờ liên quan với lý do cần hoàn thiện hồ sơ. Vì tin tưởng vào tình cảm chị em kết nghĩa lâu năm, nên bà Toan, ông Tắc lúc này đã không đọc lại các văn bản liên quan. Bà Toan cho biết chính ở đây, bà Dung đã lập sẵn một bộ hồ sơ mới với trị giá được thay đổi từ 300 triệu đồng lên 1,8 tỷ  đồng, và người đứng tên vay không phải bà Dung mà là bà Phạm Thị Bảy và chồng là Phan Văn Khải (là em gái và em rể). Việc làm này gia đình ông bà Toan, Tắc không hề biết. Bà Toan cho biết thêm, do tin tưởng chỉ là kí lại vào hợp đồng vay hôm trước nên vợ chồng bà đã không đọc lại mà đặt bút kí ngay theo sự hướng dẫn của công chứng viên. Việc kí vào văn bản thế chấp đang trong giờ hành chính, nên ông Tắc cũng vội vàng kí theo sự sắp đặt của bà Dung và cán bộ công chứng để quay lại cơ quan làm việc.

Tháng 12/2015, gia đình vợ chồng bà Toan có nhu cầu mở rộng kinh doanh nên đề nghị vợ chồng bà Dung rút GCNQSDĐ về trả lại, nhưng không được đáp ứng. Bà Dung luôn quanh co lấy nhiều lý do để chối bỏ, không bàn giao GCNQSDĐ đã mượn của bà Toan.

Sau một thời gian đề nghị trả lại GCNQSDĐ không được, gia đình bà Toan đã phải nhờ cậy bạn bè để tiếp cận với ngân hàng, thì sự việc mới vỡ lở. Giá trị của hợp đồng không còn là 300 triệu mà thực tế là 1,8 tỷ đồng. Người được bảo lãnh vay không phải là vợ chồng bà Dung mà được thay thế bằng tên bà Phạm Thị Bảy và chồng là ông Phan Văn Khải. Trước tình hình trên, ngày 25/02/2016, gia đình bà Toan đã gửi đơn đề nghị tạm dừng giao dịch đối với hợp đồng thế chấp tài sản đến ông Nguyễn Tiến Phú là Giám đốc Phòng giao dịch Chư Sê của Chi nhánh Ngân hàng BIDV Nam Gia Lai. Ông Nguyễn Tiến Phú hứa sẽ giữ nguyên hiện trạng và không cho phát sinh thêm.

Giấy thỏa thuận - bà Dung thừa nhận những việc làm gian dối mạo dựng về giá trị hợp đồng

Ngày 13/4/2016, vợ chồng bà Dung và vợ chồng bà Bảy đến nhà bà Toan cùng thảo luận, lập biên bản thỏa thuận. Trong đó có nội dung bà Dung đã thừa nhận những gian dối, mạo dựng nhằm làm thay đổi giá trị hợp đồng, như nâng khống từ 300 triệu lên 1,8 tỷ đồng mà chưa được sự đồng ý của gia đình bà Toan… Tại đây, bà Dung đã cam kết ký vào văn bản thỏa thuận và lưu bút hoàn trả GCNQSDĐ đang thế chấp tại ngân hàng cho gia đình bà Toan vào ngày 30/12/2018. Cam kết hai bên, nếu công nợ của bà Bảy giảm xuống tại ngân hàng thì ưu tiên giải chấp tài sản lấy lại GCNQSDĐ cho bà Toan (có file ghi âm kèm theo).

Ông Nguyễn Tiến Phú – Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê

Ngay sau đó ông bà Tắc, Toan tới ngân hàng BIDV Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê trình bày và báo cáo sự việc đến ông Nguyễn Tiến Phú – Giám đốc. Khi đó, ông Phú đã hứa sẽ phối hợp cùng gia đình giải quyết sớm việc này bằng cách sẽ giải chấp tài sản của gia đình ông bà Tắc, Toan; khi đó bà Bảy còn thế chấp 5 tài sản tại ngân hàng này.

Vụ việc phát sinh, vào khoảng tháng 12/2017, ông Phú – Giám đốc ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê đã không thực hiện những nội dung trên, có hành vi tiếp tay, tạo điều kiện cho bà Bảy rút 3/5 tài sản thế chấp có giá trị tại ngân hàng. Qua đây bà Bảy đã sang tên tài sản cho con trai, mà không thực hiện cam kết rút GCNQSDĐ trả lại cho gia đình bà Toan.

Từ việc có dấu hiệu lừa đảo và ngân hàng chưa thực hiện đúng quy trình, chức trách nhiệm vụ của mình nên dẫn tới việc ngày 24/07/2018, buộc ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Nam Gia Lai làm đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai với nội dung là bà Bảy và ông Khải trây ỳ nghĩa vụ trả nợ, thiếu thiện chí trong việc hợp tác, yêu cầu bà Bảy phải trả các khoản nợ với ngân hàng, mà trong các khoản vay thế chấp đó có tài sản của gia đình bà Toan. Đồng thời ngân ngân hàng này cũng có yêu cầu phía gia đình bà Toan có trách nhiệm trong việc này.

Đơn tố cáo của bà Vũ Thị Toan

Trước tình hình trên, gia đình bà Toan làm đơn tố giác gửi các cơ quan chức năng tố cáo hành vi có dấu hiệu phạm tội: “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; làm giả chứng cứ tài liệu của Phạm Thị Dung, Phạm Thị Bảy và Phan Văn Khải và dấu hiệu phạm tội: “vi phạm quy định về hoạt đông ngân hàng” của một số cán bộ ngân hàng BIDV, chi nhánh Nam Gia Lai - phòng giao dịch Chư Sê. Trong đó có Giám đốc Nguyễn Tiến Phú đối với việc cho vay, xử lý công nợ, xử lý tài sản đảm bảo; Đề nghị được giúp đỡ đòi lại quyền lợi cho gia đình.

Xâu chuỗi những vấn đề nêu trên, dư luận cho rằng về quy trình thực hiện và phê duyệt hồ sơ cho vay tiền tại ngân hàng này có nhiều dấu hiệu khuất tất. Bởi nhiều điều rất vô lý ở đây, trong đó người có chủ tài sản thế chấp tại ngân hàng lại không được biết số tiền vay là bao nhiêu ? Ngoài ra, vào thời điểm ngân hàng ký hợp đồng cho vay vốn, gia đình bà Toan cho biết thêm, không hề có cán bộ nào của ngân hàng đến nhà để xác minh tài sản hay thông báo, trao đổi cùng gia đình. Như vậy ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê đã thực hiện đúng quy trình cho vay chưa? Nếu ngân hàng chưa thực hiện đúng quy trình thì trách nhiệm thuộc về ai và nay giải quyết thế nào ?

Trước sự việc trên, gia đình bà Toan đã nhiều lần yêu cầu ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê cung cấp hồ sơ liên quan tới việc thế chấp tài sản của nhà mình, nhưng phía ngân hàng không cung cấp. Ở đây có điều gì khuất tất không ? Là chủ thể đang sở hữu tài sản thế chấp, bà Toan có quyền tiếp cận các thông tin liên quan đến việc giải ngân tại ngân hàng BIDV ở Chư Sê. Ở đây ngân hàng này đang muốn giấu giếm điều gì ?

Đặc biệt, điều quan trọng hơn là, khi gia đình bà Toan đã phát hiện hành vi sai trái của bà Dung, gia đình bà Toan có tới ngân hàng để thông báo với ông Nguyễn Tiến Phú - Giám đốc ngân hàng, trong bản ghi âm buổi làm việc cho thấy bản thân ông Phú đã hứa với gia đình bà Toan là sẽ ưu tiên giải quyết tài sản của gia đình bà Toan trước, thế nhưng lại trở mặt và không làm như vậy. Qua đây có thể thấy, ông Phú đã biết được sự thật phức tạp của vụ việc này. Với cương vị là người đứng đầu, ông xử lý thế nào ? Nếu không có tiếp tay của ông Phú liệu bà Bảy có rút được 3 tài sản trước đó ra không? Ông Phú có báo cáo cấp trên không, có động thái gì để ngăn chặn tới mức thấp nhất sự rủi ro về nợ xấu, hay thất thoát tiền của nhà nước không? Hình như là không ! Đã thế, ông Phú còn giữ lại “quả bom nổ chậm” này để chờ đến ngày hôm nay ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê buộc phải khởi kiện. Dư luận đặt ra nghi vấn ở những nội dung này? Với cương vị là người đứng đầu ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê, ông Phú đã hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao chưa? Hay ông Phú còn vì một điều gì mờ ám khác nên cố tình để dẫn tới cơ sự hôm nay ?

Nghiêm trọng hơn, nếu ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai – Phòng giao dịch Chư Sê chưa thực hiện đúng quy trình, đồng thời có dấu hiệu làm giả giấy tờ và lừa đảo chiếm đoạt bị pháp luật phanh phui, thì rất có khả năng số tiền 1,8 tỷ đồng rơi vào tình trạng giải ngân chưa đúng quy định, dẫn đến việc làm thất thoát ngân sách nhà nước. Nếu đúng như vậy thì ai là người phải chịu trách nhiệm, ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Gia Lai - Phòng giao dịch Chư Sê có liên quan không? Bởi hiện nay bà Dung đã thừa nhận những hành vi gian dối của mình !

Là Cơ quan Báo chí, qua nghiên cứu thực tiễn về chính sách pháp luật và quản lý, cũng như qua quá trình tìm hiểu, xác minh thông tin nắm bắt sự việc, chúng tôi nhận thấy, dư luận cho đây là vụ việc phức tạp có liện quan tới quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đến uy tín của ngân hàng BIDV… Đề nghị Hội sở Ngân hàng BIDV, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Điều tra, UBND tỉnh Gia Lai cùng các cấp, ngành liên quan lấy pháp luật làm thượng tôn, vào cuộc sớm làm rõ những nội dung liên quan, đem lại công bằng, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân, và giữ gìn tài sản nhà nước. Có chế tài nghiêm khắc đối với những cá nhân, tập thể nếu có sai phạm, nhằm ổn định an ninh – chính trị địa phương. Đồng thời cần một lời giải đáp có trách nhiệm về những sai phạm trên từ các Cơ quan Quản lý Nhà nước.