24/04/2024 lúc 05:35 (GMT+7)
Breaking News

Eurasia Review: Việt Nam đứng vững bất chấp Covid-19

Trong bài viết đăng trên trang Eurasia Review ngày 9/6, TS. Theodore Karasik - cố vấn cao cấp của công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics (GSA) ở Mỹ cho rằng, Việt Nam sẽ đứng trước một tương lai thịnh vượng khi đất nước phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Sự tăng đột biến các ca Covid-19 là điều luôn có thể xảy ra. Chuẩn bị tốt sẽ là chìa khóa cho mọi vấn đề.

Trong bài viết đăng trên trang Eurasia Review ngày 9/6, TS. Theodore Karasik - cố vấn cao cấp của công ty tư vấn rủi ro địa chính trị Gulf State Analytics (GSA) ở Mỹ cho rằng, Việt Nam sẽ đứng trước một tương lai thịnh vượng khi đất nước phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tác giả viết: Có những sự kiện rất thú vị diễn ra ở Việt Nam, nơi từng diễn ra những gì được gọi là "nỗ lực tầm cỡ thế giới” để ngăn chặn mầm bệnh từ Covid-19.

Đất nước này đang trải qua những ngày có số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đột biến, ảnh hưởng đến vị thế của Hà Nội về năng lực y tế và nỗ lực phục hồi kinh tế.

Một số người cho rằng, đây là làn sóng dịch thứ 4 của Việt Nam, trong có rất ít bằng chứng cho thấy virus ở đây có đột biến.

Bài báo cho biết, theo các nguồn tin, sau khi Việt Nam hứng chịu làn sóng dịch mới cách đây hơn 5 tuần, đã có khoảng 6.000 trường hợp lây nhiễm cộng đồng được ghi nhận trên 40 trong số 63 tỉnh thành của cả nước, trong đó có các trung tâm sản xuất và các khu vực mà nhiều “ông lớn” về công nghệ đang hoạt động và trông đợi Chính phủ có phản ứng nhanh với đợt gia tăng lây nhiễm này.

Các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đang diễn ra nhiều cụm lây nhiễm bệnh. Ngoài ra, tại tỉnh Bình Dương, một trung tâm công nghiệp giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh, các biện pháp cách ly xã hội đã được áp dụng tại 5 thị trấn vào đầu tháng 6.

Tuy nhiên, các trung tâm công nghiệp của đất nước này cần phải hoạt động nhanh chóng, chứ không thể "ngồi yên" trong giai đoạn đất nước tiếp tục phục hồi kinh tế.

Việt Nam sẽ đứng trước một tương lai thịnh vượng khi đất nước phục hồi sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: Eurasia Review)

Trong khi đó, các chương trình tiêm chủng phụ thuộc vào một số yếu tố về hiệu quả phân phối vaccine. Việt Nam muốn đạt được miễn dịch cộng đồng, nhưng sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm hiện nay đang khiến khả năng đó trở nên khó khăn hơn. Trường hợp này cũng đã tạo ra một tình huống “thử nghiệm” cho các nước khác một khi xảy ra tình trạng tương tự.

Bài báo nhận định, không thể nghi ngờ việc cộng đồng quốc tế đã công nhận khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 của Việt Nam. Hiện tại, Hà Nội, do sự gia tăng đột biến của các cụm lây nhiễm, đang nỗ lực tránh sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đồng thời dành ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân.

Trong tiến trình tiêm chủng, Việt Nam sử dụng cả vaccine AstraZeneca và Sputnik V, đồng thời đang theo sát các nỗ lực của các nước láng giềng Campuchia và Lào. Các chương trình tiêm chủng tại Việt Nam, Campuchia và Lào có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định và quan hệ thương mại giữa ba nước. Trong khi đó, Thái Lan cũng đang thực hiện chương trình phục hồi của riêng mình.

Chính phủ Việt Nam không chỉ nhập khẩu mà còn có kế hoạch sản xuất vaccine. Việt Nam hiện đang tìm cách có được 150 triệu liều vaccine để tiêm chủng cho khoảng 75% trong tổng dân số 96,4 triệu người.

Cho đến nay, Việt Nam chỉ mới đảm bảo được 2,9 triệu liều, mặc dù các cơ quan y tế Việt Nam cho biết sẽ có được hơn 120 triệu liều - 38,8 triệu từ WHO, 31 triệu từ Pfizer, 30 triệu từ AstraZeneca, 20 triệu từ Nga và 5 triệu từ Moderna. Hà Nội đã phê duyệt vaccine AstraZeneca và Sputnik V, cũng như bổ sung Sinopharm vào danh mục sử dụng khẩn cấp.

Việt Nam cũng sẽ sớm sản xuất vaccine Sputnik V của Nga. Theo thỏa thuận, Vabiotech của Việt Nam sẽ sản xuất 5 triệu liều vaccine mỗi tháng để bù đắp cho sự thiếu hụt vaccine.

Tác giả bài báo cũng cho rằng, cuộc họp quan trọng đã được tổ chức hôm thứ Hai (7/6) là minh chứng cho nỗ lực giải quyết các vấn đề khu vực, do sự gia tăng đột biến các ca lây nhiễm tại Việt Nam, cũng như tiến triển chung trong nỗ lực phòng chống dịch và phục hồi kinh tế ở khu vực Đông Nam Á.

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã gặp các Bộ trưởng Ngoại giao Lào và Campuchia tại thành phố Trùng Khánh của Trung Quốc trong nỗ lực giữ cho các kênh chính trị và thương mại được lưu thông giữa ba nước, trong khi cả ba đang cùng phải gánh chịu làn sóng mới của dịch bệnh và đang phục hồi với tốc độ khác nhau.

Các cuộc gặp trên diễn ra bên lề Hội nghị đặc biệt giữa các Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Lan Thương.

Bài báo của Eurasia Review kết luận, việc đưa các nước Đông Nam Á vào cùng một chiến dịch phục hồi sau đại dịch Covid-19 là rất quan trọng. Các hội nghị tuần này và kết quả của cho thấy đại dịch đã mang lại một khởi đầu mới, giúp làm mới các mối quan hệ giữa các quốc gia.

Việt Nam sẽ có một tương lai thịnh vượng khi đất nước phục hồi sau đại dịch Covid-19. Các làn sóng tăng đột biến ca lây nhiễm dịch là điều luôn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, hành động trước luôn là chìa khóa của mọi ngành y tế, ngay cả nơi thuộc “hạng nhất” như Hà Nội. Không có chương trình khôi phục nào là hoàn hảo, tác giả bài báo nhấn mạnh.