19/04/2024 lúc 23:48 (GMT+7)
Breaking News

“Duy trì việc làm – An toàn lao động – Thu nhập ổn định”

VNHN – Tháng Công nhân năm 2020 được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều giải pháp đã được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

VNHN – Tháng Công nhân năm 2020 được triển khai trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhiều giải pháp đã được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tháng Công nhân năm 2020 với chủ đề “Năng suất cao - An toàn lao động - Thu nhập tốt” nhưng với các cấp công đoàn nơi có doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tháng Công nhân năm 2020 được triển khai thực hiện theo chủ đề “Duy trì việc làm - An toàn lao động - Thu nhập ổn định”.

Để duy trì việc làm cho người lao động, theo hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn cần phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án lao động để ổn định sản xuất; nâng cao vai trò của công đoàn cơ sở trong việc giám sát người sử dụng lao động khi thực hiện cắt giảm lao động, đảm bảo các chế độ, chính sách cho người lao động khi bị cắt giảm; quan tâm đến lao động nữ, lao động có con nhỏ, lao động gặp nhiều khó khăn.

Tháng Công nhân năm 2020 với các cấp công đoàn nơi có doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được triển khai thực hiện theo chủ đề “Duy trì việc làm – An toàn lao động – Thu nhập ổn định” - Ảnh minh họa: Minh Châu

Đối với những doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, công đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, người sử dụng lao động giới thiệu việc làm cho người lao động hoặc tư vấn cho họ chuyển nghề, cung cấp thông tin tuyển dụng từ các cơ quan khác nhau, nơi tiếp nhận lao động, đặc biệt, tìm cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động.

Nắm bắt tình hình công nhân gặp khó khăn do giảm việc làm để tư vấn, hỗ trợ thực hiện các chế độ, chính sách của doanh nghiệp, đơn vị và của Nhà nước; tuyên truyền, vận động người lao động nhận thức đầy đủ, không nên vay mượn từ tín dụng đen, “bán” sổ bảo hiểm xã hội, nhận chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Cùng với việc chủ động, phối hợp với người sử dụng lao động chăm lo đảm bảo an toàn, nâng cao sức khỏe, thể trạng của người lao động thông qua cải thiện chất lượng bữa ăn ca, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hỗ trợ thêm các bữa ăn phụ… các cấp công đoàn cũng tích cực tìm kiếm nguồn tài trợ, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp vật chất để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn thông qua các mô hình như tặng bữa ăn miễn phí, ATM gạo, tổ chức các điểm phát, bán hàng ưu đãi về giá hoặc giá 0 đồng, vận động chủ nhà trọ miễn hoặc giảm tiền trọ cho người lao động; làm việc với các đối tác ký kết chương trình phúc lợi của tổ chức Công đoàn tăng cường, bổ sung các gói ưu đãi, giảm giá, khuyến mại sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên công đoàn, nhất là các gói hỗ trợ tín dụng, cho vay không cần thế chấp…

Bên cạnh tham gia triển khai thực hiện, kiểm tra, giám sát việc hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ đảm bảo đúng người, đúng đối tượng, kịp thời, công khai, minh bạch, các cấp công đoàn tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chính sách, quy định của pháp luật để chấm dứt hợp đồng lao động.

Việc hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn tài chính công đoàn cũng như xây dựng các tiêu chí, rà soát, tổng hợp, lựa chọn đoàn viên, người lao động thuộc trường hợp khó khăn đặc biệt để xem xét, hỗ trợ, chăm lo từ nguồn tài chính công đoàn cũng được Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động chỉ rõ cùng với việc bố trí nguồn để chi các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động từ nguồn tài chính công đoàn của công đoàn cơ sở.

Theo đó, các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty chỉ đạo Công đoàn cơ sở thực hiện tiết kiệm chi quản lý hành chính, hạn chế tối đa các hoạt động hội nghị, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, du lịch, hội thi… để dành nguồn kinh phí chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động; được phép chi thăm hỏi, trợ cấp cho đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch; mua các hàng hóa, phục vụ công tác phòng, chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, chất diệt khuẩn, các loại thực phẩm bổ sung khoáng chất, vitamin, bổ sung thực phẩm, đồ uống… giúp nâng cao sức khỏe, sức đề kháng cho người lao động.

Như vậy, dù dịch COVID-19 khiến không ít đoàn viên, người lao động rơi vào cảnh khó khăn nhưng phát huy vai trò bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, cùng những giải pháp, hướng dẫn kịp thời được đưa ra nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động cả về vật chất, tinh thần, Tháng Công nhân năm 2020 chắc chắn sẽ có thêm nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực để “không ai bị bỏ lại phía sau”./.