29/03/2024 lúc 21:27 (GMT+7)
Breaking News

Duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa tại các cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Với quyết tâm không để chuỗi cung hàng hóa qua hệ thống cảng biển bị đứt gãy, các cảng biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trọng tâm là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đã thực hiện ở mức rất cao các quy định về phòng, chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả trong suốt thời gian giãn cách xã hội.

Với quyết tâm không để chuỗi cung hàng hóa qua hệ thống cảng biển bị đứt gãy, các cảng biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trọng tâm là cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, đã thực hiện ở mức rất cao các quy định về phòng, chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả trong suốt thời gian giãn cách xã hội.

Dịch bệnh bùng phát, hàng loạt các doanh nghiệp (DN) cảng biển tại Cái Mép - Thị Vải đối mặt với khó khăn chồng chất. Chống dịch hiệu quả để bảo đảm sản xuất an toàn, các DN cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn duy trì hoạt động hiệu quả với tổng lượng hàng hóa thông quan cảng tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2020.

Khắc phục khó khăn

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua, các cảng biển đã chuyển hoạt động sang phương án “ba tại chỗ”.

Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cảng Gemalink (thị xã Phú Mỹ) vẫn duy trì hoạt động ổn định, công tác xếp dỡ hàng nhanh chóng và an toàn.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gemadept, Phạm Quốc Long cho biết, cảng Gemalink không được thiết kế để phục vụ nhu cầu “ba tại chỗ” cho nên khi triển khai phương án này, DN gặp rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm bảo đảm công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất, cảng đã tuân thủ triệt để các quy định, chủ động tổ chức cách ly, giãn cách nội bộ thông qua hình thức bố trí tổ, nhóm làm việc độc lập, làm việc tại nhà, hội họp trực tuyến, hoạt động điều hành, giám sát được thực hiện trên các nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, phương án “ba tại chỗ” không thể kéo quá dài bởi cả DN và người lao động (NLĐ) đều gặp nhiều áp lực.

Tổng Giám đốc Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT), Nguyễn Xuân Kỳ lý giải thêm, giải pháp “ba tại chỗ” trong ngắn hạn mang lại hiệu quả nhất định nhưng khi kéo dài đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đầu tiên là việc duy trì sản xuất chỉ ở mức căn bản, hoàn toàn bị động khi sản lượng hàng hóa tăng hay giảm cục bộ. Năng suất lao động cũng không cao do NLĐ thiếu tập trung, phân tán tư tưởng do nhiều ngày không được gặp gia đình. DN phải gánh thêm các khoản chi phí lớn phát sinh mà không phải DN nào cũng chịu đựng được. Đơn cử, như để bảo đảm cho khoảng 350 nhân viên công ty và nhà thầu thực hiện “ba tại chỗ”, mỗi tháng, CMIT phải chi thêm hàng tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm lương thực, thực phẩm, trả phụ cấp và phí xét nghiệm Covid-19 định kỳ.

Trưởng phòng An ninh - An toàn Cảng SSIT, Lê Quyết Thắng chia sẻ, phát hiện trường hợp F0 tại cảng, ngay lập tức, hệ thống phòng, chống dịch của công ty được kích hoạt, nhanh chóng truy vết và khoanh vùng. Các F1 tiếp xúc trực tiếp với F0 được cách ly, theo dõi. Cảng cũng bố trí nhân lực thay thế không để dừng hoạt động. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong thực hiện phương án “ba tại chỗ” hiện nay là DN phải gánh rất nhiều chi phí.

Thực tế, với sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng, khối lượng công việc lớn, nhưng để triển khai phương án “ba tại chỗ”, các DN cảng lại phải cắt giảm lao động. Ông Phạm Quốc Long cho biết thêm, để cảng Gemalink hoạt động liên tục không bị đứt gãy, trong hơn 50 ngày giãn cách vừa qua, NLĐ tại cảng phải cam kết sẵn sàng làm việc ngoài giờ, thêm giờ, kiêm nhiệm nhiều phần việc. Mặc dù số lượng NLĐ giảm nhưng các yêu cầu về xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa từ cảng lên tàu và ngược lại vẫn phải bảo đảm.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Văn Thức chia sẻ, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng tám tháng qua, sản lượng hàng container thông qua cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải vẫn tăng 35% với hơn 3,2 triệu TEU. Điều đó cho thấy nỗ lực rất lớn của các DN cảng, của chính quyền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc hỗ trợ DN vừa bảo đảm chống dịch, vừa duy trì sản xuất ổn định.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gemadept, Phạm Quốc Long, việc thực hiện phương án “ba tại chỗ” cần sự hỗ trợ rất lớn của chính quyền địa phương trong công tác xét nghiệm định kỳ, tổ chức khoanh vùng, truy vết khi có F0. Đặc biệt, để hàng hóa được giải phóng nhanh cũng cần sự phối hợp đồng bộ của các lực lượng hải quan, biên phòng, cảng vụ…

Cục trưởng Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trần Văn Danh cho biết, dù trong giai đoạn thực hiện giãn cách, đơn vị vẫn bố trí cán bộ trực ngoài giờ, kể cả thứ bảy, chủ nhật để giúp DN nhanh chóng làm thủ tục thông quan. Đồng thời, không xử phạt đối với hành vi làm thủ tục hải quan không đúng thời hạn quy định; chấp nhận cho sử dụng bản scan (bản quét ảnh) đối với một số chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa…

Trước đó, để giải phóng hàng hóa ứ đọng tại Tân Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), Cục Hải quan tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo các chi cục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tàu dỡ hàng tại cảng Cái Mép - Thị Vải; hướng dẫn DN điều chỉnh tờ khai theo quy định tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Nguyễn Công Vinh cho biết, ngay khi dịch bùng phát, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hệ thống cảng biển, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa quan trọng này. Thế nên, các giải pháp phòng, chống dịch tại các cụm cảng luôn được đặt ra ở mức cao nhất với quy trình và phương án ứng phó cụ thể khi dịch xâm nhập.

Việc kéo dài thời gian thực hiện phương án “ba tại chỗ” sẽ bào mòn nguồn lực của DN. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị các DN tổ chức đánh giá việc thực hiện phương án “ba tại chỗ”, đề xuất mô hình để DN thực hiện trong thời gian tới. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng các điều kiện thực tế tại địa phương, tỉnh sẽ thống nhất lựa chọn mô hình thực hiện mới cho các DN cảng theo nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”./.